Năm học này, có tới 6 trường tiểu học mà HS phải học ca 3, nhiều nhất trong vòng 3 năm qua.
Học sinh ca chiều đang chờ lớp ca trưa tan học - Ảnh: Lê Lâm
|
Đó là ở TP.Biên Hòa (Đồng Nai) - nơi có nhiều khu chế xuất, khu công nghiệp. Bà Ngô Diệu Thanh, Phó trưởng phòng GD-ĐT TP.Biên Hòa, cho biết trong những năm qua, ngành giáo dục thành phố luôn gặp nhiều khó khăn vì sự gia tăng quá nhanh số lượng HS, nhất là bậc tiểu học. Bình quân tăng khoảng 7.000 HS/năm, trong đó bậc tiểu học là 4.000. Hầu hết đều tập trung vào các trường công lập dẫn đến quá tải, nhiều trường phải tổ chức lớp học ca 3. “Nhiều trường có trên 2.000 HS, thậm chí có trường trên 4.000, sĩ số bình quân từ 55 - 62 HS/lớp, cá biệt có trường cả khối lớp 1 có từ 70 HS/lớp trở lên, điều này làm ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng giáo dục”, bà Thanh nói.
Theo Phòng GD-ĐT TP.Biên Hòa, mặc dù hằng năm thành phố đều ưu tiên ngân sách cho giáo dục 200 tỉ đồng/năm, nhưng nguồn kinh phí đó “như muối bỏ biển”, không đáp ứng được nhu cầu, khó giải quyết triệt để tình trạng quá tải và ca 3. Hiện thành phố đã quy hoạch 123 vị trí với tổng diện tích đất khoảng 120 ha để xây dựng trường lớp. Tuy nhiên, phần lớn các vị trí này đều vướng đền bù giải tỏa và bố trí tái định cư cho các hộ dân. Trong khi kinh phí đền bù lại rất cao, nhiều dự án chiếm hơn 50% tổng mức đầu tư khiến việc xây dựng trường lớp chậm thực hiện.
Ông Đỗ Văn Cang, Trưởng phòng GD-ĐT TP.Biên Hòa, cho biết với số lượng HS tăng như hiện nay thì TP.Biên Hòa cần phải xây dựng thêm hàng chục trường tiểu học, THCS nữa mới đáp ứng đủ nhu cầu.
Bình luận (0)