|
Đã 3 năm kể từ ngày trận lở đất đầu tiên xảy ra, thế nhưng ngay tại vị trí sạt lở này, chỉ trừ những hộ dân mất đất, mất nhà buộc phải di dời, còn những hộ dân nằm trong vùng nguy hiểm vẫn chưa biết đi đâu do chưa có quỹ đất.
Bà Nguyễn Thị Thanh Truyền, có nhà gần điểm sạt lở lo lắng: “Mấy hôm nay trời mưa liên tục, đất đá lại rào rào đổ xuống lấn ra lòng đường đến hơn 2 m. Mưa giông mà đã như thế, đến mùa mưa năm nay, chắc chúng tôi mất nhà”.
Theo thống kê của UBND xã Trà Mai, kể từ năm 2010 đến nay đã có ít nhất 15 căn nhà bị vùi lấp ngay tại vị trí này. Tháng 10.2010, sạt lở đất đã vùi lấp hoàn toàn 7 căn nhà nằm sát chân núi. Đến tháng 10.2011, núi lở tiếp tục tràn qua mặt đường ĐT616, đất đá đổ ập xuống ta luy âm quét phăng 8 căn nhà.
Không riêng gì gia đình bà Truyền mà ngay cả những hộ dân đã mất nhà cửa do lở núi vẫn “vô gia cư” do chưa được bố trí đất. Nhiều hộ dân đã phải bỏ tiền ra thuê nhà hằng tháng để ở tạm. Có hộ do không tìm được nhà để thuê đành đánh liều tìm về căn nhà đổ nát trước đây để nương náu. Khi mưa to, họ lại tháo chạy.
Theo ông Hồ Ngọc Thảo, Chủ tịch UBND xã Trà Mai, hiện chỉ có 3 hộ dân nằm trong vùng sạt lở nguy hiểm cần được di dời khấn cấp. Tuy nhiên, theo quan sát của chúng tôi, số nóc nhà có người ở tại khu vực này không dưới 10 căn. Hiện 8 hộ dân buộc phải di dời từ năm 2011 vẫn chưa nhận được hỗ trợ gì. “Phía xã không đủ kinh phí để di chuyển, cấp đất cho các hộ dân đến nơi ở mới. Nhưng chúng tôi cũng đã kiến nghị lên cấp trên bố trí đất đai cho các hộ này. Khi mưa lũ, chúng tôi chỉ biết huy động dân quân, đoàn viên, thanh niên đến giúp dân mà thôi”, ông Thảo nói.
Ông Hồ Văn Ny, Chủ tịch UBND H.Nam Trà My cho biết: “Do chưa có mặt bằng để di dân nên các hộ tại điểm núi lở vẫn phải sơ tán khi mùa mưa lũ đến”. Riêng về thời hạn bàn giao mặt bằng cho người dân, theo ông Ny vẫn chưa biết đến khi nào.
Hoàng Sơn
Bình luận (0)