(TNO) Đến nơi nào thân mến, lại nghĩ đó là nhà mình! Nhà theo nghĩa trú ngụ, được trở che, được ăn, được nghỉ, dù cho một ngày, một tối, hay một bữa thôi, cũng rất quý! Nhà như một không gian văn hóa để mình khám phá, hỏi han và thấm thía những mạch sống không ngừng trôi chảy trong ấy, đời này qua đời khác, không gian ấy sâu xa thăm thẳm, khiến cho lòng nhớ lâu.
Ngôi nhà đất nện của nhà thơ nổi tiếng người Mông Hùng Đình Quý ở ven thành phố Hà Giang đón chúng tôi trong một tối lạnh trở về từ cao nguyên đá. Qua hàng rào thưa và chiếc cổng quấn xanh um cây leo, những bức tường đất nâu thật dày, quây các góc vuông vắn, đỡ lấy mái ngói âm dương khỏe mạnh che mưa nắng và sương lạnh cho những nụ cười xúm lại đầm ấm dưới vòm trời hun hút một vùng đen thẫm. Phía trên khung cửa gỗ chắc chắn của ngôi nhà theo đúng truyền thống mà bao thế hệ người Mông đã sống, đã yêu nhau, đã sinh nở, đã dệt thổ cẩm và hát những bài ca của dân tộc mình, chĩa ra ngoài là cặp sừng trâu gắn chặt vào bức tường lớn. Nhà thơ giải thích, người Mông làm thế để xua đuổi ma quỷ. Đã nhìn thấy rồi thì đừng có mà bén mảng! Nơi này không có gì để mà quấy phá! Căn bếp rộng ám khói với những giá gỗ bóng loáng không giữ nổi mùi khen khét thơm nồng của những cây rau cải xào khiến cả ngôi nhà như rung động trong buổi tối ngập tiếng người nâng đỡ, tiếp nối nhau thành thực. Vợ nhà thơ Hùng Đình Quý, một người mẹ dân tộc Lô Lô nhỏ nhắn, có khuôn mặt hiền và nhẫn nại, đang đón khách ngồi xuống, bà khiến cho những ai đến đây cảm thấy như trở về nhà mình sau một ngày dài đã rong ruổi qua những đỉnh núi cao ngất mây kéo về mù mịt, qua Mã Pì Lèng gió thốc buốt lạnh, qua dốc chín khoanh say lử đử và những đường cua tay áo thót tim… Vừa hỏi han, chuyện trò, vừa vui vẻ kể về gia đình mình để thỏa mãn những câu hỏi đầy ngạc nhiên, thích thú, bà vừa để ý con cháu đang lo việc bếp núc. Câu chuyện về hạnh phúc đầy những cản trở của đôi trai gái thuộc hai dân tộc khác nhau từ nhiều chục năm trước, khi quan niệm cũ còn coi đó là sự cấm kỵ, khiến những người nghe phải ngỡ ngàng.
Hoa nở, những mầm cỏ lá vươn lên
Có những ngôi nhà trầm tích như thế, lại gợi nhớ về ngôi nhà, không gian khác, cũng mang nét tương đồng nhất định khi trở thành điểm đến cởi mở luôn dành cho các bạn bè. Gặp vợ chồng họa sĩ Vũ Đức Hiếu nhân triển lãm Gốm Mường của anh và đồng nghiệp tại Hà Nội, chị vợ của anh nói với tôi: Hoa trên bảo tàng sắp nở…
Nhà Lang của người Mường ở Hòa Bình khi chưa bị cháy - Ảnh: Quỳnh Trang
|
Thế tức là những bông đào mỏng phớt màu hồng nhạt xen trắng mờ mờ, dìu dịu sẽ cùng với thân đào mảnh trắng mốc và những mầm lá non sẽ thắp sáng cả vạt đồi vào dịp cuối đông, chẳng cần chờ đến đúng tiết xuân vạn vật bừng thức. Hoa sẽ nở, chồi sẽ nhú lên như tự nhiên vốn thế, như báo hiệu mùa ấm áp và tươi mới đang trên đường về đây. Giống như những chuyến đi Lạng Sơn tấp nập vào mấy dịp sau Tết, khi hoa đào trong phố đã phai bạc hết, những gốc đào đã bắt đầu cưa đi để người làm vườn chuẩn bị cho một mùa chăm mới, thì những khóm đào lớn mọc bên cạnh những ngôi nhà đồng bào xa xa bên kia đường nhựa, lại tung lên sắc hoa đỏ rực màu son nóng ngọt ngào hay hồng vừa như trên má thoa nhẹ ít phấn. Nắng đầu xuân tỏa xuống, phủ một lớp sáng mỏng như hoa đang có hào quang. Hoa nở sớm hay nở muộn, còn lại lâu để bừng sáng trên cây hay sắp theo gió rời cành đi viễn du, bất cứ khi nào mắt người biết ngắm nhìn, lòng người biết hướng tới, thì khi đó mùa xuân vẫn còn hiện diện.
Người bạn họa sĩ của tôi sau nhiều năm tìm kiếm, gây dựng, vẫn luôn thắp lên trong lòng mối cộng cảm ấy bằng những đam mê và trách nhiệm tự thân trước một vùng văn hóa cổ. Từ Hà Nội anh về thường xuyên, rồi đưa gia đình về ở hẳn Hòa Bình để lo toan hàng ngày cho Bảo tàng Không gian văn hóa Mường ở cuối thành phố, nơi mái nhà của gia đình nhỏ tiếp liền trong tầng tầng lớp lớp những bóng cây, bụi cỏ xanh tươi, với mái những căn nhà trưng bày hiện vật đời sống canh tác, sinh hoạt, tâm linh của đồng bào Mường, nối sang mái nhà sàn Thái, rồi nhà sàn của người dân thường, dân nghèo đất Mường xưa, nối cả với tàn tích ngôi nhà Lang trăm tuổi đã cháy trong vụ hỏa hoạn khó lòng tưởng tượng nổi vào năm trước. Ngôi nhà đã cháy hết cả phần mái, vách và hư hại quá nửa phần sàn, các khung cột. Lâu nay, những khung gỗ nham nhở vẫn được giữ nguyên trên bãi tro than như chứng tích cho sự vô ý thức của con người trước di sản. Phải chăng khi mỗi chúng ta vô tình làm hư hại một di vật quý giá nào đó, làm tắt đi ngọn lửa sống của một minh chứng sinh động và hiếm hoi cho văn hóa trăm năm, ngàn năm được bao lớp người xưa nay tạo dựng, là khi ấy, mùa xuân đã không về nữa trong lòng?
Còn bây giờ, hoa sắp nở trên những vạt đồi quanh bảo tàng, những chồi non đang sắp bừng thức không cần đợi đúng mùa, như phương thuốc thần diệu của tự nhiên, của lòng người biết tiếc xót, nâng giữ, xoa dịu những thương tích trầm trọng do chính cuộc sống nhiều tham vọng và ích kỷ của con người mang lại. Hoa nở, những mầm cỏ lá vươn lên, và trên tro than hoang tàn, nghệ thuật đã và sẽ còn xanh tốt trở lại. Mùa xuân này, đang có những dự định táo bạo của họa sĩ chủ nhân cùng các đồng nghiệp, tiếp nối các dự án nghệ thuật, chương trình lưu trú, sáng tạo của nhiều nghệ sĩ trong và ngoài nước mấy năm qua. Để giữa vùng đất cổ còn vẳng tiếng hát từ khăn áo, từ những vật dụng nhỏ ông cha để lại, từ những kỹ thuật và kinh nghiệm đun nấu cổ truyền…, người ta tiếp tục ngạc nhiên và trông đợi trước những biểu hiện độc đáo của nghệ thuật hiện đại. Cái cũ và cái mới, cái xưa và cái nay, ở chính nơi đây, đang kết nối sống động. Và người họa sĩ của tôi, người xếp gạch đá xây chiếc cầu nối, ngày qua ngày, chưa biết mệt mỏi.
Như hoa vậy, như mùa xuân, nghệ thuật luôn giữ mạch ngầm bền bỉ và tươi nở không ngừng, bất kể những u buồn, những tàn phá, những mất mát xung quanh nó. Đi và đến dưới những mái nhà, chúng ta lại gặp những không gian, những con người mang bóng dáng của mùa xuân trong ánh nhìn, giọng nói.
Bình luận (0)