Nỗi niềm của người không nghe nhạc Tuấn Vũ

25/08/2010 08:57 GMT+7

Đi lướt qua băng rôn quảng cáo buổi diễn của Tuấn Vũ ở Nhà hát Lớn Hà Nội mấy lần, tôi không mảy may có ý định vào xem. Nhưng, tôi thấy khâm phục anh.

Không giải thích được tại sao, nhưng việc đi nghe cả một buổi tối toàn nhạc Tuấn Vũ, hay nhạc vàng nói chung, là ngoài sức tưởng tượng của một tay luôn tự nhận “có gu” nhạc như tôi.

Mặt khác, khi nghe một buổi diễn dự định của anh kéo dài thành bảy buổi - đáng kinh ngạc về mọi phương diện - tôi không hề ngạc nhiên. Tôi còn ngấm ngầm vui mừng thay cho anh, và coi đó là kết quả xứng đáng cho một người mà trực tiếp hay gián tiếp, được trả tiền hay bị copy nhạc miễn phí, đã phục vụ cho người nghe ở mọi nơi nhiều đến thế.

Thái độ tự mâu thuẫn đó của một cá nhân có lẽ là minh họa sắc nét cho vị trí của dòng nhạc vàng, nhạc sến trong tâm tưởng và đời sống văn hóa của người Việt mấy chục năm trở lại đây. Được nghe rộng rãi, nhưng cũng bị chê hết lời. Gần như ai nhắc đến nhạc sến cũng có thái độ cười cợt. Một người “sành nhạc” nếu thú nhận có nghe nhạc sến thì cũng với thái độ bẽn lẽn, như người lớn thú nhận thích chơi một trò trẻ con nào đó.

Tuy nhiên, trong ký ức của một đứa bé lớn lên ở miền Bắc thời đầu những năm 80, nhạc vàng có vị trí đặc biệt. Giới trẻ lúc ấy nghe nhạc vàng khắp nơi. Từ đám cưới vui cho đến quán nước ven đường, ở đâu cũng có thể vang lên tiếng Chế Linh than vãn nhớ mẹ ngày tết đến, hay Tuấn Vũ khóc cho mối tình nghèo đơn phương...

Ngày đó cũng như bây giờ, nhạc sến bị công kích từ nhiều phía. Đối với thế hệ từng hoạt động cách mạng sôi nổi, hay với những tâm hồn mạnh mẽ, nhạc vàng, nhạc sến là biểu trưng của ủy mị, thái độ bi quan, bất lực trước cuộc đời. Về mặt này, nhạc sến nhắc tôi nhớ nhiều đến nhạc blues của người da đen. Cùng là nội dung buồn bã, đôi lúc phóng đại, giai điệu ủ ê não nề, chất nhạc ... chỉ biết gọi là sến, sến không thể thương được!

Về kỹ thuật, nhạc sến – cũng như người anh em họ nhạc blues của người da đen – hay bị giới trẻ chơi nhạc ngày nay coi là đơn điệu, lặp đi lặp lại. Quanh quẩn có đúng một vài vòng hợp âm ấy, thêm vài câu nhạc tỉa tót, thế là thành bài hát. Dễ dãi và nhàm quá.

Những chê bai ấy đều đúng cả, nhưng có lẽ bản chất vấn đề không phải là ở đó. Sau một thời gian dài loay hoay theo đuổi âm nhạc - ở mức độ nghiệp dư tuy không kém say mê –tôi bắt đầu thấm thía một quan niệm của nhiều bậc đàn anh: Xét cho cùng, âm nhạc sinh ra từ cảm xúc, và chức năng tối hậu của nó là khơi dậy cảm xúc.

Tất cả những trạng thái tinh thần tiêu cực hay tích cực, xét theo khía cạnh cá nhân đều phải được tôn trọng như nhau, và theo khía cạnh nghệ thuật thì đều đáng khám phá như nhau. Tôi có cực đoan không?

Những người từng lên sân khấu chắc sẽ đồng tình với tôi rằng, lúc ấy, mọi học thuyết về âm nhạc đều biến mất, chỉ có điều duy nhất quan trọng: Làm sao thu hút người nghe, khơi dậy cảm xúc và sự rung động trong tâm hồn họ.

Về mặt này thì rõ ràng Tuấn Vũ và bảy đêm diễn của anh đã làm được. Vì lẽ đó mà tôi sẽ là người bảo vệ nhiệt thành nhạc sến trước sự công kích của các vị sành nhạc trên bàn nhậu hay bất kỳ nơi đâu, dù bản thân tôi chắc không thể ngồi cả buổi để nghe về niềm nhớ mẹ nơi biên thùy, hay các mối tình nghèo đơn phương...

Theo Tiền Phong

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.