Dự án ưu tiên vùng khó khăn, tập trung đổi mới sư phạm, tổ chức và phương pháp dạy học, bồi dưỡng giáo viên nhưng vẫn giữ nguyên nội dung sách giáo khoa (SGK), chuẩn kiến thức kỹ năng theo chương trình hiện hành với sự tài trợ không hoàn lại của Liên Hiệp Quốc 84,6 triệu USD. Các trường tham gia dự án trên tinh thần tự nguyện.
Thực tế khi vận dụng vào một số trường thí điểm có rất nhiều bất cập và nỗi niềm từ phía giáo viên - phụ huynh - học sinh. Dạy học theo mô hình trường học mới VNEN, có một số thuận lợi như học sinh phát huy tính tự học, sáng tạo, tự giác, tự quản, tự tin, hứng thú trong học tập; phát huy tốt các kỹ năng giao tiếp, hợp tác, tự đánh giá lẫn nhau trong giờ học; gắn kết giữa nội dung dạy học với đời sống thực tiễn của học sinh, của cộng đồng… Tuy nhiên, do thử nghiệm nên tài liệu vẫn còn một số chỗ chưa hợp lý, gây khó khăn cho giáo viên trong quá trình dạy học.
Yêu cầu của chương trình là học sinh khi học lên lớp 2 phải biết đọc và viết thành thạo mới tự học được, nhưng thực tế tỷ lệ học sinh yếu tiếng Việt lại khá phổ biến ở các địa phương. Ngoài ra, khác với học sinh nước ngoài do môi trường, điều kiện xã hội, giáo dục gia đình, học sinh nông thôn Việt Nam còn rụt rè trong giao tiếp nên chưa thể năng động và hoạt bát như chương trình mong muốn. Sách dự án không đủ cho mỗi em một bộ, lại chỉ được học trên lớp không được mang về nhà nên học sinh không có thời gian xem bài trước, không phát huy được tính cộng đồng như ý đồ của dự án.
Kinh phí để thực hiện chương trình chưa kịp thời, đồ dùng dạy học phục vụ cho chương trình mới chưa có. Giáo viên chạy đôn chạy đáo, thức khuya, dậy sớm làm các góc học tập, trang trí phòng học, chuẩn bị đồ dùng dạy học một cách linh hoạt. Giáo viên ít có thời gian kèm cho đối tượng học sinh yếu vì học sinh ngồi theo nhóm, tự thao tác, nếu học sinh nào tìm ra kiến thức chậm chỉ biết nhìn theo bạn bên cạnh. Chương trình cắt giảm quá nhiều kiến thức, đặc biệt là phân môn chính tả và tập làm văn.
Chỉ có giáo viên và người tham gia dự án mới thấy hết được cái bất cập và cái khó của dự án mang lại trong quá trình giáo dục học sinh. Đây là một dự án thử nghiệm, muốn có được thành công Bộ GD-ĐT phải đầu tư ngay từ đầu. Hiện nay giáo viên không biết mình dạy như thế nào, còn học sinh không có sách học.
Bùi Bình Tây (Hội An) - Đình Tuấn (Ninh Thuận)
Bình luận (0)