Non sông liền một cõi

30/04/2010 00:10 GMT+7

Cho dù hoàn cảnh lịch sử có mang đến những số phận khác nhau sau những ngày tháng 4.1975, song sự thật hiển nhiên là, 35 năm trước, non sông đã liền một mối. Những người con của dân tộc Việt, từng ra đi vì lý do nào đó, đã và đang trở về vì một đất mẹ phồn vinh. >> Quán phở của vợ cũ ông cựu phó tổng thống \ Ảnh “em bé napalm” vĩ đại nhất mọi thời đại

Vì một quê hương thanh bình

Trong những ngày tháng 4 này, bà con người Việt ở hải ngoại cảm thấy hãnh diện vì sự có mặt của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Mỹ để tham dự Hội nghị An ninh hạt nhân. Chúng tôi ủng hộ chuyến đi của Thủ tướng vì nghĩ đó là vì quyền lợi của dân tộc Việt, qua đó càng nâng cao hơn nữa vị thế VN trên trường quốc tế. Càng tự hào hơn khi Thủ tướng Dũng là một trong số ít vị lãnh đạo được mời phát biểu về tầm quan trọng trong việc giảm thiểu vũ khí hạt nhân, do Tổng thống Mỹ Barack Obama khởi xướng.

Từ cái bắt tay của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng với Tổng thống Mỹ, cho đến thái độ niềm nở của bà Ngoại trưởng Hillary Clinton khi tiếp đón, đã tạo cho người dân VN nói chung và bà con ở hải ngoại nói riêng niềm tin về sự hợp tác giữa hai quốc gia từng là cựu thù cách đây 35 năm.

Điều vui mừng là dân chúng Mỹ và đặc biệt thân nhân của binh sĩ đã tử trận tại VN, hầu như ai cũng muốn xếp lại trang sử đau buồn. Dân chúng Mỹ rất quan tâm đến chuyến thăm của các vị lãnh đạo VN, và hỏi tôi rằng: “Are you proud of your native country?” (Bà có hãnh diện về quê hương của bà không?).

Cuộc chiến VN mấy chục năm trước hiện vẫn được giới truyền thông Mỹ quan tâm, họ dùng để so sánh với chiến tranh tại Iraq và Afghanistan. Dân chúng Mỹ muốn chính phủ phải rút quân về, và Tổng thống Obama đã cam kết rút quân trong hoàn cảnh thuận tiện và sẽ để người dân của hai quốc gia đó tự định đoạt vận mệnh của họ. Chúng tôi luôn ủng hộ quan điểm của Tổng thống Obama về chủ quyền của mỗi dân tộc.

Có dịp tiếp xúc với các du học sinh VN tại nước ngoài, tôi thấy các em đều quyết tâm sẽ mang những kiến thức đã học về phục vụ quê hương. Tiếc là vẫn còn một số ít người vẫn mang tâm lý hận thù, họ không nhận được sự ủng hộ của những người Việt khác, mà chỉ khiến chúng tôi thấy tội nghiệp. Chúng tôi cũng là nhân chứng sống của cuộc chiến, riêng tôi cũng có thân nhân đã ngã xuống vì bom đạn, nhưng chúng tôi muốn góp sức viết nên tới một trang sử mới cho quê hương VN. 35 năm qua nhanh, cuộc chiến đã mờ nhạt trong trí óc chúng tôi.

Chính phủ VN đang cùng đồng bào bên nhà, kêu gọi người Việt hải ngoại hãy hưởng ứng chính sách đại đoàn kết dân tộc. Nếu còn nghĩ rằng, VN là nơi chôn nhau cắt rốn của ta, thì xin hãy cùng góp sức xây dựng đất nước ngày càng giàu mạnh, hùng cường.

Hãy tin rằng, thân nhân chúng ta và tất cả những người đã nằm xuống trong chiến tranh, đang mỉm cười vì một quê hương VN thanh bình.

Bà Phùng Tuệ Châu, Giám đốc Đài phát thanh Tiengquehuong (California, Mỹ)

Đẩy mạnh tốc độ phát triển đất nước

Hơn 35 năm trước, đất nước này bị chia làm hai, người dân hai bên tuy cùng một dòng máu, cùng một tiếng nói, cùng một lịch sử, nhưng đã trải qua một thời kỳ nước mắt đã rơi, xương máu đã đổ. Ngày 30.4 là sự kiện lịch sử vĩ đại, tựu trung đó là khởi đầu của thời kỳ đất nước thanh bình, xây dựng lại trên mất mát, đau thương.

Cảm nghĩ trên đã hướng dẫn mọi hành động của tôi từ sau khi Nhà nước có chính sách đổi mới, mở rộng cửa đón Việt kiều từ mọi nơi trên thế giới trở về. Trước hết là về thăm thân, thăm quê hương, sau nữa là đầu tư phát triển trong phạm vi có thể của mình.

Cũng chính suy nghĩ trên thôi thúc tôi nhận vai trò Trưởng ban vận động thành lập CLB Khoa học kỹ thuật Việt kiều. Trong thời gian vận động này, một kỷ niệm không thể quên được là chúng tôi, một số Việt kiều đang làm việc tại TP.HCM cùng những người mới về nước, đã được tham dự buổi diễu hành ngày 30.4.2005. Đoàn đại biểu Việt kiều chúng tôi đến từ nhiều nước (Nhật, Mỹ, Úc, Pháp...) đã háo hức tập dượt, nôn nóng chờ ngày diễu hành. Có người, như hai vợ chồng một Việt kiều Nhật, vừa mới xuống sân bay Tân Sơn Nhất, đã hối hả tới địa điểm tập hợp ở đường Mạc Đĩnh Chi từ tờ mờ sáng để chờ diễu hành qua hội trường Thống Nhất. Và thật bất ngờ, khi đoàn chúng tôi cầm cờ và hoa đi ngang qua khán đài, thì đông đảo người xem hai bên đường đã nhiệt liệt vỗ tay hoan hô, một thái độ đầy tình đồng bào...

Ngày nay, để đẩy mạnh tốc độ phát triển đất nước, chúng ta nên gấp rút xây dựng ngành công nghiệp vi mạch. Với vai trò đầu tàu về kinh tế, ngoài những ngành công nghiệp tập trung nhiều lao động như dệt may, giày dép, chế biến thực phẩm... TP.HCM cần phát triển công nghệ cao và công nghệ tri thức. Trong đó, vi mạch vừa là công nghệ cao vừa là khoa học tổng hợp. Để xây dựng thành công ngành công nghiệp này, cần phát triển cả hai mặt: đầu tư sản xuất và đào tạo nguồn nhân lực.

Để xúc tiến đầu tư, TP nên có chính sách thu hút nguồn vốn từ trong và ngoài nước. Vốn ban đầu cho sản xuất vi mạch rất lớn. Vì thế, nên ưu tiên thu hút đầu tư từ bên ngoài vào. Gần đây, các nước công nghiệp có vốn lớn như Mỹ, Nhật đang đặc biệt quan tâm đến thị trường VN. Đây chính là thời cơ thuận lợi cho VN nói chung, TP.HCM nói riêng nỗ lực thu hút đầu tư. Đào tạo nguồn nhân lực là quá trình lâu dài, không thể một sớm một chiều có thể làm xong. Từ trên 10 năm nay, tôi nỗ lực tư vấn và giúp phát triển các cơ sở đào tạo, nghiên cứu công nghệ vi mạch tại TP.HCM cũng chính từ nhận thức đó.

Một vấn đề khác mà những đô thị lớn như TP.HCM cần tập trung giải quyết đó là nạn kẹt xe. Để giải quyết tình trạng này, TP cần thực thi hai phương án. Trước hết là áp dụng luật pháp nghiêm minh. Việc này không những đòi hỏi dân trí phải được nâng cao, mà những người thừa hành công vụ phải kiên quyết hơn nữa. Phương án thứ hai là quy hoạch lại TP, trong đó phân định từng khu chức năng khác nhau, gồm cư trú, thương mại dịch vụ, quản lý đô thị, giải trí thư giãn... để tiện kiểm soát giao thông và bảo vệ môi trường.

Giáo sư - tiến sĩ Đặng Lương Mô (Việt kiều Nhật)

Những cây cầu nối tình người xa xứ

Nhóm chúng tôi gồm 9 Việt kiều ở Pháp, Mỹ, Canada và Nhật. Từ tháng

1.2004, chúng tôi đã khởi động chương trình xây cầu bê tông tặng người dân ở nhiều làng mạc xa xôi trên quê hương.

Qua hơn 6 năm trực tiếp đóng góp và vận động kiều bào cùng chung tay, chúng tôi đã hoàn thành 108 cầu bê tông thay thế những cây cầu khỉ cheo leo và nguy hiểm, những cây cầu ván mong manh và hư mục ở ĐBSCL, từ miền biên giới của tỉnh Long An đến đất mũi Cà Mau. Tất cả những cây cầu này đều có lan can để bà con - nhất là người cao tuổi, phụ nữ và các cháu bé - di chuyển an toàn. Khoảng 60% công trình được thực hiện hoàn toàn từ sự ủng hộ tài chính của kiều bào và 40% có vốn đối ứng của chính quyền địa phương. Mỗi cây cầu do nhóm kiều bào xây dựng đều có bảng lưu niệm ghi tên nhà tài trợ và UBND xã (nếu là công trình có đối ứng của địa phương).

Năm 2009, chúng tôi đã có cuộc gặp gỡ thân mật với một số nông dân chuyên xây cầu nông thôn ở ĐBSCL và trao đổi về đề tài “Kết hợp khoa học kỹ thuật với kinh nghiệm, truyền thống dân gian xây cầu nông thôn” với sự tham dự nhiệt tình của chuyên gia cầu đường ở Pháp và giảng viên của trường Đại học Bách khoa TP.HCM. Cuộc họp này giúp chúng tôi xác định mô hình cầu nông thôn ở vùng sâu dọc ngang sông rạch của ĐBSCL, với 4 tiêu chí: chất lượng bền vững - thi công an toàn - giá thành rẻ - kiểu dáng đẹp.

Chúng tôi hy vọng, rồi đây những cây cầu nhỏ đó không chỉ kết nối những con đường, mà còn kết nối sâu đậm hơn nữa tình cảm của người Việt xa xứ với đồng ruộng, miệt vườn đầy thương nhớ của nông thôn Việt Nam.

Ông Nguyễn Văn Công (Việt kiều Pháp)

Vì VN, đoàn kết lại!

 
“Qua hết rồi những năm thương đau... Vui sao nước mắt lại trào...". Mỗi lần nghe bài hát Mùa xuân trên TP.HCM, trong tôi những hình ảnh, những cảm xúc ngày xưa lại trỗi dậy.

Trưa 30.4.1975, tin “Việt Nam đã giải phóng hoàn toàn” truyền đi như sấm dội. Anh em chúng tôi trong nhóm người Việt tại Nhật Bản đấu tranh cho hòa bình và thống nhất đất nước quyết định tổ chức “đêm chào mừng kỷ nguyên mới của dân tộc, tiếp quản sứ quán, treo cờ giải phóng”. Khi đến khuôn viên sứ quán chính quyền Sài Gòn, chúng tôi càng phấn khởi hơn khi nhận ra nhiều anh em sinh viên trước đây - dù suy nghĩ có khác nhau - cũng tích cực tham gia. Chính cái sức mạnh “Vì VN, đoàn kết lại” đó đã giúp chúng tôi vượt qua hàng rào cảnh sát Nhật Bản và mọi chướng ngại vật bảo vệ bên ngoài để mở tung cửa sứ quán, thực hiện kế hoạch “treo ngọn cờ giải phóng dân tộc” đầu tiên. Tất cả để chào mừng ngày trọng đại của đất nước, của dân tộc. Tiệc vui không tổ chức được, một phần vì bia rượu đem theo đổ lênh láng do xô xát và phần chính vì có vài chục anh em sinh viên bị cảnh sát Nhật bắt giữ.

Ngồi trong trại giam đêm hôm ấy, tôi có một cảm giác rất lạ, như được trải nghiệm để hiểu sâu sắc hơn ý nghĩa của sự nghiệp giải phóng dân tộc.

Những cảm xúc ấy như mới hôm nào, mà nay đã 35 năm trôi qua. Cuộc đời tôi cũng theo đất nước có nhiều đổi thay, phát triển. Đất nước sau khi thống nhất hoàn toàn, đã vượt qua khó khăn do chiến tranh để lại, khắc phục những yếu kém để thực hiện chính sách đổi mới đưa VN vào thời đại hội nhập. Ngày nay đi từ Bắc vào Nam, từ nông thôn đến thành thị có thể nhận ra ngay đời sống nhân dân nói chung được nâng cao, đang chuẩn bị để bước vào thời đại phát triển mới.

Giấc mơ VN ngày ấy của tôi là “Hòa bình - Thống nhất”. Ngày nay tôi muốn cùng góp sức với thế hệ thanh niên tuổi đôi mươi vì giấc mơ VN - một đất nước phát triển. Đây là sự nghiệp lớn của cả dân tộc, cần sự góp sức của mọi tầng lớp nhân dân trong và ngoài nước. Không nên đưa ra những vấn đề của ngày hôm qua để thành sức cản mà tất cả phải cho ngày mai - “Vì VN, đoàn kết lại”. Hãy tin tưởng vào ngày mai của đất nước chúng ta.

Ông Nguyễn Trí Dũng, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH công nghệ cao Minh Trân - Đại sứ thiện chí tỉnh Hyogo (Nhật) tại VN.

Ngoài những biện pháp mạnh, như tăng mức xử phạt vi phạm giao thông

tại hai thành phố lớn, chúng ta cần có những giải pháp đồng bộ khác. Trong đó, cần tập trung đào tạo cán bộ chuyên môn quản lý giao thông vận tải về quy hoạch cầu đường đáp ứng tình hình mới. Để có kinh phí thực hiện các công trình giao thông, thì ngoài nguồn vốn của Nhà nước, nên kêu gọi các thành phần kinh tế khác tham gia. Tôi có rất nhiều khách hàng nước ngoài mong muốn đầu tư tại VN và TP.HCM. Thế nhưng, chúng ta cần làm cho họ cảm thấy thật sự yên tâm về việc sẽ hoàn vốn và lãi ra sao sau khi đầu tư.

Tiến sĩ Nguyễn Thành Thái, Tổng giám đốc Công ty BOT cầu Phú Mỹ

Người Việt lạc quan về tương lai

Sau 35 năm giành độc lập, người dân Việt Nam tỏ ra lạc quan về tương lai và hiếm khi nào nghĩ đến cuộc chiến trước đây. Đó là kết luận rút ra từ cuộc khảo sát ý kiến người dân Việt Nam do AP-GfK Poll thực hiện từ 23.2 đến 25.3.2010 với sự tham gia của 1.600 người từ 18 tuổi trở lên trên mọi miền đất nước.

Kết quả khảo sát cho thấy 85% người được hỏi cho rằng nền kinh tế đã mạnh hơn so với cách đây 5 năm, và 87% dự đoán nền kinh tế sẽ còn phát triển mạnh hơn nữa trong 5 năm tới, trong khi 81% nhận xét quốc gia đang phát triển đúng hướng. Theo AP-GfK Poll, sự lạc quan của người Việt Nam tương phản hoàn toàn với thái độ tiêu cực phổ biến tại Mỹ, sau khi các kết quả khảo sát cho thấy nhiều người Mỹ cho rằng nước họ đang đi chệch hướng.

Khảo sát cũng cho thấy sự ủng hộ mạnh mẽ của đông đảo dân cư đối với lĩnh vực doanh nghiệp tư, đặc biệt trong giới trẻ: 56% chuộng kinh doanh tư nhân trong khi chỉ có 25% cho rằng nên tăng cường quyền sở hữu nhà nước; 77% người được chọn chấp nhận sự khác biệt lớn về thu nhập với lý do là điều này tạo động lực để người dân làm việc siêng năng hơn, trong khi 77% cho rằng cạnh tranh là điều tích cực, giúp khuyến khích các doanh nghiệp phát triển và có nhiều phát kiến hơn.

Thụy Miên (lược dịch)

Minh Nam (ghi)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.