Thành phố Móng Cái (Quảng Ninh) trời chạng vạng tối. Hai cửa khẩu Ka Long và Bắc Luân chuẩn bị đóng cửa thì hàng loạt xe máy từ khắp các khu vực đường biên chất đầy hàng lao vun vút.
Đáp ứng từ A đến Z
Trong vai người có nhu cầu mở tổng đại lý phân phối hàng Trung Quốc cho các tỉnh lẻ, qua nhiều mối giới thiệu, chúng tôi tìm gặp được một người môi giới tên Thái.
Cầm trên tay tập catalogue dày cộp, Thái dẫn chúng tôi tới địa chỉ “tin cậy” giới thiệu tất cả các loại mặt hàng từ quần áo, vải vóc, chăn màn, đồ gia dụng, thiết bị vệ sinh... rồi thuyết minh nếu chúng tôi có nhu cầu, Thái có thể đáp ứng tất cả.
“Đẳng cấp hơn”, nếu chúng tôi muốn làm hàng giả, hàng nhái thì chỉ cần đem mẫu sang, khoảng nửa tháng sau sẽ có hàng y chang kể cả các nhãn mác hàng nổi tiếng của châu u, Nhật Bản... Chúng tôi thắc mắc, liệu những hàng giả hàng nhái có bị cơ quan chức năng và người dân phát hiện? Thái tự tin: Toàn bộ các cơ quan chức năng ở Quảng Ninh cũng không thể phát hiện mà phải nhờ tận trung ương giám định mới biết được.
Chỉ vào đống hàng thiết bị vệ sinh ngổn ngang, Thái gợi ý: “Nếu các anh muốn tiêu thụ hàng này tôi có mối “xịn”, các anh bán có lãi nhiều mà bọn tôi cũng kiếm ăn được. Một bộ vòi sen nếu các anh bán ở Hà Nội hoặc các địa phương có giá trên dưới 1 triệu đồng thì bọn tôi có nguồn chỉ trên dưới 200.000 đồng”.
Tương tự, một bộ vệ sinh bệt bán ở thị trường Việt Nam trên dưới 2 triệu đồng thì Thái có nguồn chỉ dưới 500.000 đồng.
Chở chúng tôi đi vòng vèo mất 90 phút quanh các đường biên ở bến Nho, bến Cam thuộc khu vực cửa khẩu Bắc Luân, vòng lên khu vực núi Tổ Chim, phường Trà Cổ về đường sông biên giới km02 thuộc phường Hải Yên (TP Móng Cái), Thái cho biết mấy hôm nay bên Trung Quốc cấm biên nên phải “nhập hàng” về đêm. Muốn đưa được hàng qua Việt Nam, các chủ hàng thường phải thông thạo cả tiếng Việt và tiếng Trung để “làm luật” hai đầu được nhanh gọn và thông suốt.
Toàn bộ chi phí cho các khoản thuê mướn cửu vạn đưa hàng qua sông, kho bãi, giao dịch... Thái sẽ lo từ A đến Z. Trong trường hợp nếu cần hàng gấp vào đúng ngày bên Trung Quốc siết chặt cấm biên thì chủ hàng sẽ tìm phương án gửi ké hàng vào các container và các chủ hàng sẽ khai bớt lượng hàng hóa cần thông quan bằng cách làm luật với các cơ quan chức năng để hàng hóa dễ dàng được đưa qua Việt Nam.
Thâm nhập tổng kho tập kết hàng
Để chứng minh cho tiềm năng cung ứng hàng của mình, Thái giới thiệu hẳn cho chúng tôi một chủ đầu nậu người Trung Quốc bên Đông Hưng. Sau nhiều cú điện thoại liên lạc của Thái, cuối cùng chúng tôi cũng gặp được một chủ tổng kho ở Đông Hưng (Trung Quốc).
|
Xuất hiện trước mặt chúng tôi là người đàn ông giới thiệu tên Triệu Hưng, nói rất sõi tiếng Việt. Hưng đưa chúng tôi về nhà để bàn bạc phương thức làm ăn. Quanh co một hồi lâu chúng tôi tới khu phố sầm uất với những dãy nhà 5 tầng cửa đóng im ỉm.
Mở đầu câu chuyện, Hưng hỏi: “Các anh định kinh doanh mặt hàng gì?”. Chúng tôi nói muốn kinh danh tổng hợp các mặt hàng và định mở đại lý để phân phối hàng cho Hà Nội và các tỉnh khác. Hưng nói, nếu các anh có ý định làm ăn lớn, muốn kinh doanh tất cả các mặt hàng thì phải ở lại Quảng Châu ít nhất 1 tháng mới biết được một phần các mặt hàng, nếu tìm hiểu được nhiều mặt hàng để làm ăn phải mất 3 tháng.
Hưng cho biết, nếu đi sâu vào Quảng Châu cách Đông Hưng chừng 800km thì chỉ riêng khu chợ để kinh doanh một mặt hàng đã lớn bằng cả thành phố Đông Hưng. Mà ở Quảng Châu có cơ man các loại hàng, không chỉ xuất riêng cho Việt Nam mà còn cả ASEAN và đưa đi tiêu thụ khắp thế giới.
Hưng cho biết, anh ta có khoảng 19 tổng đại lý ruột ở Việt Nam và bao toàn bộ “đồ chơi” ô tô và các đồ chơi nhựa khác cho hầu như toàn bộ các tỉnh Hải Phòng, Quảng Ninh, Hà Nội. Không chỉ vậy, Hưng còn chịu trách nhiệm cung cấp tất cả các thiết bị phục vụ cho những sàn nhảy có tiếng ở phía Bắc.
Hưng đưa ra hai phương thức kinh doanh, nếu chúng tôi lo lót được “cửa” đưa hàng về Việt Nam, Hưng sẽ nhận làm tổng kho cho chúng tôi sau khi lấy hàng từ Quảng Châu về.Nếu chúng tôi chưa có “cửa” đưa hàng về, Hưng sẽ lo vận chuyển toàn bộ hàng từ tận gốc về ít nhất là qua Móng Cái. Khi đó, chúng tôi sẽ lo tiếp việc đưa hàng đi tiêu thụ từ Móng Cái ra các tỉnh. Chỉ lên tầng 2, 3, 4 của ngôi nhà mình, Hưng cho biết đây là những kho tập kết hàng.
Chúng tôi thắc mắc: “Nếu lấy nhiều hàng anh có đủ chỗ để không?”. Hưng nói: “Bất cứ hàng hóa gì, bao nhiêu, tôi cũng lo được, vì không chỉ tại đây, tôi còn rất nhiều cơ sở vệ tinh khác”.
Hưng cho biết thêm, ở thành phố Đông Hưng này, ngoài công chức, hầu hết những người làm kinh doanh đều mở các đại lý tập kết hàng hóa sẵn sàng tuồn về Việt Nam.
Theo Sài Gòn Giải Phóng
Bình luận (0)