Cuộc đua tranh chức thị trưởng Jakarta, thủ đô Indonesia với hơn 10 triệu dân đang có sự tham gia của 3 ứng cử viên. Trong số đó, 2 người theo đạo Hồi - tôn giáo chính ở Indonesia và người còn lại theo đạo Cơ Đốc, theo Reuters ngày 12.2.
Thị trưởng đương nhiệm Basuki Tjahaja Purnama là người gốc Hoa đầu tiên giữ chức vụ này, và ông đang chịu sự phản đối dữ dội vì bị cáo buộc báng bổ kinh Koran của người Hồi giáo.
Ông Purnama phủ nhận cáo buộc này, nhưng đang phải hầu toà vì vụ việc. Dù vậy, ông vẫn là ứng cử viên hàng đầu trong các cuộc khảo sát gần đây. Nếu bị tuyên có tội, ông Purnama vẫn có thể điều hành thủ đô chừng nào quá trình kháng cáo còn diễn ra.
Ông Purnama nhậm chức hồi năm 2014 sau khi cựu thị trưởng Widodo lên làm tổng thống. Ông được đảng cầm quyền PDI-P của Tổng thống Joko Widodo ủng hộ và được lòng dân với các chính sách chống ngập lụt, cải thiện hệ thống giao thông và bộ máy hành chính.
tin liên quan
Indonesia lo ngại biểu tình rầm rộ trước ngày bầu cửIndonesia bắt đầu cấm biểu tình trước thềm cuộc bầu cử khu vực, sau thông tin các nhóm Hồi giáo tổ chức biểu tình rầm rộ phản đối thị trưởng Jakarta.
Chiến thắng tại Jakarta có thể được coi là bước tiến dài đến với cuộc đua vào chiếc ghế tổng thống nhiệm kỳ tới. Cuộc bầu cử ngày 15.2 được coi là cuộc chiến "đặt chỗ trước" cho cuộc bầu cử tổng thống năm 2019.
Ông Purnama sẽ phải đối chọi với 2 ứng cử viên người Hồi giáo là ông Agus Yudhoyono (con của cựu tổng thống Susilo Bambang Yudhoyono) và cựu bộ trưởng Giáo dục Anies Baswedan. Hai ứng viên này nhận được nhiều sự ủng hộ từ cộng đồng Hồi giáo bảo thủ và một số từ phía người ủng hộ thị trưởng Purnama.
Jakarta sẽ triển khai 16.000 cảnh sát trước ngày bầu cử vì lo ngại những nhóm Hồi giáo tiến hành biểu tình giống như cuộc biểu tình cuối năm 2016 kêu gọi bỏ tù ông Purnama.
Bên cạnh cuộc bầu cử ở Jakarta, nhiều cuộc bầu cử lãnh đạo địa phương cũng sẽ diễn ra tại 101 khu vực trên cả nước trong ngày 15.2. Theo Reuters, đã có 7,1 triệu cử tri đăng ký bầu cử tại Jakarta.
Bình luận (0)