Nóng bỏng hạn ngạch dệt may xuất khẩu cuối năm

26/10/2006 23:53 GMT+7

* Các doanh nghiệp phải đăng ký lại số lượng hàng xuất khẩu Chiều 26.10, Ban điều hành Dệt may (Liên bộ Thương mại - Công nghiệp) và Hiệp hội Dệt May Việt Nam (Vitas) đã gặp gỡ các doanh nghiệp (DN) dệt may phía Nam (từ Đà Nẵng trở vào) về việc phân chia hạn ngạch xuất khẩu sang Mỹ trong 2 tháng cuối năm, đặc biệt đối với hai mã hàng 338/339 (áo thun) và 347/348 (quần) do số lượng còn lại tương đối lớn.

Đại diện Tập đoàn JC Penny tại Việt Nam cho biết đã chuyển những đơn hàng Cat. 338/339 từ Việt Nam trong tháng 12 sang Trung Quốc vì lo ngại các nhà sản xuất Việt Nam không đủ hạn ngạch để xuất khẩu. "Nếu như Việt Nam không rõ ràng trong việc phân bổ hạn ngạch sắp tới, có thể chúng tôi sẽ tiếp tục chuyển các đơn hàng trong tháng 11 sang Trung Quốc. Việc chuyển đơn hàng sang các nước xung quanh sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của ngành dệt may Việt Nam trong tương lai", vị đại diện này nói.

Chỉ riêng 2 Cat. 338/339 và Cat. 347/348, đến nay số lượng hạn ngạch còn chưa thực hiện gần 4 triệu tá. Đây là số lượng khá lớn, tuy nhiên nhiều đơn vị cần thì không có, một số đơn vị đã ký quỹ hạn ngạch thì có nguy cơ không sử dụng hết. Ông Nguyễn Đức Thanh, Trưởng ban điều hành Dệt may cho biết để tránh bị tồn đọng quota, có 3 phương án để DN cho ý kiến. Đó là xuất khẩu tự động hoàn toàn (cấp visa tự động); cho chuyển nhượng hạn ngạch tự do giữa các DN; cho đăng ký lại số lượng ký quỹ bảo lãnh với việc tăng thêm hình thức phạt nếu DN đó không thực hiện hết. Hầu hết những DN lớn có thành tích xuất khẩu của những năm trước và được ký quỹ bảo lãnh từ đầu năm không đồng ý phương pháp cấp visa tự động, bởi họ đã có kế hoạch xuất hàng đến cuối năm, nếu đến ngày giao hàng không còn hạn ngạch thì sẽ bị mất uy tín với khách hàng.

Trong khi đó, những DN nhỏ hoặc DN mới thành lập không có thành tích để ký quỹ thì lại mong muốn được xuất khẩu tự động vì sẽ tránh nguy cơ số quota đó "bị khê". Ông Lê Quốc n, Chủ tịch Vitas cho rằng sẽ không thể có một giải pháp nào thỏa mãn được tất cả mọi DN. Điều quan trọng nhất là phải dựa trên quyền lợi của đại đa số nhà sản xuất cũng như của khách hàng.

Ông Lê Quốc n đề nghị các DN đang có hạn ngạch ký quỹ phải đăng ký lại với Ban điều hành Dệt may ngay trong những ngày đầu tiên của tháng 11. Việc đăng ký này bao gồm số lượng hàng xuất khẩu, tên khách hàng, tên hợp đồng, ngày giao hàng... DN phải đảm bảo sử dụng trên 90% số lượng đăng ký lại, nếu không sẽ phải chấp nhận hình thức chế tài nặng hơn từ cơ quan quản lý (có thể không được xuất khẩu sang Mỹ trong quý 1.2007). Sau đó, Ban điều hành Dệt may sẽ thông báo công khai lượng hạn ngạch còn lại và sẽ cấp visa tự động cho tất cả DN. Ý kiến này được các DN đồng ý. Tính đến hết ngày 24.10, hàng dệt may Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Mỹ đạt 1,78 tỉ USD. 

Mai Phương

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.