Chi phí ăn mòn lợi nhuận
Bước sang tháng 3, nông dân vùng Tây nguyên đang tất bật chăm sóc cho niên vụ cà phê mới. Tuy nhiên, tâm trạng chung của những người trồng cà phê là lo lắng chưa biết sản lượng cà phê cuối năm nay sẽ như thế nào, giá cả có cao hay không, chỉ có chi phí đầu tư ban đầu thì đã tăng đến chóng mặt.
Bà Phạm Thị Hương, người trồng cà phê ở xã Lộc Ngãi, H.Bảo Lâm, Lâm Đồng, âu lo: Việc xăng dầu tăng giá đã tạo áp lực không hề nhỏ đối với những người trồng cà phê. Bởi giá xăng dầu tăng, kéo theo giá các vật tư cũng tăng, trong khi tình hình dịch bệnh vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại, khiến người trồng cà phê vốn đã khó khăn lại càng khó thêm.
Chi phí vật tư tăng cao, giá bán thấp đã ăn mòn lợi nhuận của nông dân |
Quang Thuần |
“Năm nay, việc tưới nước cho cây cà phê ít vất vả hơn so với năm trước, vì thời tiết có phần mát mẻ hơn, lượng nước tích trữ trong ao, hồ cũng dồi dào hơn. Tuy nhiên, chúng tôi đang đối mặt với việc tăng chi phí đầu tư vì giá xăng dầu tăng. Nếu giá cả các mặt hàng cứ tiếp tục tăng thì việc đầu tư, chăm sóc cây cà phê chắc chắn sẽ thua lỗ”, bà Hương nói. Niên vụ cà phê 2021, một bao phân vô cơ hỗn hợp loại 50 kg có giá từ 800.000 - 1 triệu đồng/bao, nay tăng lên gần 1,4 triệu đồng/bao; một số vùng sâu, vùng xa giá phân bón lên đến 1,7 triệu đồng/bao.
Tại Sóc Trăng, ông Nguyễn Văn Sô (xã Hưng Phú, H.Mỹ Tú) cho biết: “Trong gần 40 năm gắn bó với cây lúa, tôi chưa bao giờ chứng kiến giá vật tư, phân bón, thuê nhân công... lại đắt đỏ vậy. Có mơ tôi cũng không dám nghĩ tới việc chỉ trong một tháng mà giá phân urê từ 390.000 đồng/bao đã nhảy lên gần 1 triệu đồng, thật kinh khủng”. Theo ông Sô, vào những mùa vụ trước, chi phí sản xuất lúa cao nhất chỉ từ 25 - 30 triệu đồng/ha. Tuy nhiên, giờ chi phí đã đội lên 40 - 45 triệu đồng/ha.
Theo báo cáo từ các sở NN-PTNT, vụ đông xuân 2021 - 2022, giá thành sản xuất lúa của các tỉnh tăng cao khoảng 15 - 20% chi phí so với cùng kỳ, do giá vật tư đầu vào tăng cao. Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) thống kê: Vụ đông xuân năm trước, lợi nhuận người nông dân thu được là 29,1 triệu đồng/ha. Nhưng đến vụ đông xuân năm nay, chi phí tăng đã khiến lợi nhuận người nông dân thu được chỉ khoảng 18,2 triệu đồng/ha.
Giá nông sản xuống thấp
Trong khi giá thành sản xuất, chi phí vật tư tăng cao thì giá bán nông sản lại thấp chưa từng có. Thê thảm nhất chính là các loại xuất khẩu sang Trung Quốc như thanh long, mít, dưa hấu, gừng... Hiện nay các vùng trồng thanh long, dưa hấu gần như đều phải kêu gọi giải cứu, bán rẻ như cho, nhiều người chỉ cần bán được để trả tiền chi phí vật tư, dù có lỗ tiền công cũng bán.
Ông Đặng Bá Long, Giám đốc Công ty phân bón Điền Trang, nhận định: “Giá phân khoáng (phân vô cơ) tăng cao kéo theo giá phân bón hữu cơ cũng tăng. Nếu giá phân vô cơ tăng gấp 2 - 3 lần thì phân hữu cơ chỉ tăng khoảng 20 - 30%. Tuy nhiên sản phẩm phân hữu cơ của chúng tôi phần lớn được tiêu thụ ở vùng trồng thanh long, mít... Năm nay giá xuống quá thấp nên người trồng chán nản không tiếp tục đầu tư, khiến doanh số của chúng tôi sụt giảm nghiêm trọng”.
Các vùng trồng điều trong nước cũng đang chịu cảnh rớt giá khi thị trường thế giới bất ổn vì xung đột chính trị. Giá điều thô thu mua chỉ trong vài ngày đã rớt liên tục chỉ còn khoảng 22.000 - 23.000 đồng/kg. Anh Nguyễn Ninh, một hộ trồng điều ở H.Bù Đăng, Bình Phước, than thở: “Năm nay điều gặp mưa trái mùa ngay từ đầu vụ thu hoạch, sản lượng bị tổn thất rất nhiều. Mưa nhiều nên người trồng phải tăng cường phun thuốc trừ sâu bệnh, chi phí đội lên mà giá bán lại giảm. Tính ra thu nhập mỗi tháng của người trồng điều chỉ khoảng 4 - 5 triệu đồng/tháng, không đủ để trang trải cuộc sống”.
Mỗi buổi sáng, anh Huỳnh Đức Tuyên, nông dân tại TP.Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk), lại ra trông nom vườn ớt nhà mình. Ớt tươi tốt, ra hoa trái chín đỏ cả vườn nhưng anh Tuyên lại rầu rĩ. Anh bộc bạch: “Thời gian trước giá ớt vẫn có lúc lên lúc xuống, nhưng 2 năm trở lại đây thì người trồng ớt ngoi ngóp. Từ lúc thị trường Trung Quốc ách tắc thì giá ớt giảm liên tục trong khi giá thuốc, giá phân bón lại tăng cao. Nông dân trồng ớt không có lãi, bản thân mình còn thấy chán nản không muốn làm nữa. Nhưng mà không làm thì lấy gì mà ăn?”. Cùng hoàn cảnh, chị Huỳnh Nga, hộ trồng ớt tại TP.Phan Thiết (Bình Thuận), cho biết: “Vườn ớt nhà tôi ra trái rồi nhưng bị bệnh úng trái, muốn bán nhưng chẳng ai mua. Muốn phun thuốc chữa bệnh thì phải tốn thêm tiền đầu tư, mà giá ớt thấp quá càng bỏ tiền vào thì càng thêm nợ. Nhiều người trồng ớt như tôi đang lâm vào cảnh “bỏ thì thương, vương thì tội”, biết là càng làm càng lỗ nhưng vẫn phải làm”.
Những ngày gần đây, giá ớt một số nơi đã rớt xuống chỉ còn 6.000 đồng/kg, thấp nhất từ trước đến nay. Trong khi đó, tính toán chi phí, người trồng ớt phải bán được trên 10.000 đồng/kg mới có lãi chút đỉnh.
“Chẳng lẽ bỏ ruộng đi làm công nhân?”
Giữa tháng 3, anh Bảo Hoàng, nông dân trồng cà phê tại TP.Buôn Ma Thuột, đã chặt bỏ vườn cây của mình, không tiếp tục thâm canh vì giá phân bón quá cao. Anh Hoàng cho biết: “Tôi trồng xen canh cà phê và hồ tiêu, chi phí đầu tư cà phê năm nay cao quá nên tôi quyết định chặt bỏ, chỉ giữ lại hồ tiêu và chuyển sang trồng đậu phộng, thu hoạch nhanh hơn và chi phí thấp hơn, chứ không kham nổi với giá vật tư thế này”.
Kéo ống bơm để tưới nước cho vườn mít trước vụ mới, anh Nguyễn Trọng Châu, nông dân tại H.Phụng Hiệp, Hậu Giang, trăn trở: “Giá mít năm nay giống như chơi trò ú tim, lúc lên lúc xuống. Thị trường Trung Quốc vẫn đang đóng cửa, cuối mùa hết mít rồi mà giá vẫn còn thấp. Tôi bây giờ giống như đang “lỡ leo lưng cọp”, vào vụ mới thì vẫn phải bỏ công ra chăm sóc, nhưng tới lúc thu hoạch giá cả như thế nào thì chưa biết được. Với chi phí tăng cao như hiện nay mà giá bán mít nằm dưới đáy như vậy thì người nông dân thua lỗ nặng nề”.
Cùng chung tâm trạng, anh Nguyễn Văn Lương, người trồng cà phê ở TP.Buôn Ma Thuột, trăn trở: “Chắc tôi phải bỏ rẫy đi làm công nhân ở Bình Dương hay TP.HCM, chứ giá xăng dầu, phân bón như thế này nản quá. Làm cà phê kiểu này càng làm càng âm nợ thêm, giá phân quá mắc tôi không đủ tiền mua nổi một đợt, chưa nói đến chi tiêu nhiều thứ khác. Tối nằm suy nghĩ về món nợ đang gánh trên lưng, lo lắng cuối năm tiền bán cà phê không đủ trả tiền phân. Thà đi làm công nhân thu nhập một tháng 7 - 8 triệu đồng còn hơn làm rẫy mà nợ nần như thế này”.
Đồng cảm với nỗi khổ của người làm nông, ông Trần Văn Hơn, ngụ tại TP.Gia Nghĩa (Đắk Nông), chia sẻ: “Rất nhiều người trồng cà phê hiện nay có cùng tâm trạng phân vân giữa lựa chọn tiếp tục nghề nông hay đi làm công nhân. Kể ra lương công nhân 10 - 12 triệu đồng/tháng cũng ổn. Nhưng chi phí thuê nhà, chi phí sinh hoạt cao hơn ở quê, rồi tàu xe mỗi lần về nữa. Bên cạnh đó, nếu làm công nhân thì chỉ có thu nhập cho người đi làm, vợ con ở quê lại rơi vào cảnh bấp bênh; nếu đưa cả vợ con lên thì chi phí ăn ở, học hành cũng không dành dụm được bao nhiêu. Còn tiếp tục làm rẫy thì lại sợ nợ nần, giá bán thấp không đủ trang trải chi phí sinh hoạt. Bản thân tôi cũng trăn trở rất nhiều, cuối cùng quyết định tiếp tục làm nông, dù thu nhập thấp, nguy cơ thua lỗ cao nhưng dù sao vẫn còn giữ được đất”.
Bình luận (0)