Nghiên cứu từ thực tế cho thấy, việc đào đất bán sẽ gây ra những tác hại lớn về lâu dài và rất khó phục hồi.
|
Chuyện khai thác đất để sản xuất gạch, gốm đã diễn ra rất nhiều năm ở một số tỉnh ven sông Tiền, sông Hậu. Do đây là nguồn tài nguyên có giới hạn nên việc khai thác quá mức sẽ cạn kiệt và dẫn đến một số hệ quả xấu. Chính vì vậy, nhiều nhà khoa học trong và ngoài nước đã vào cuộc.
Năng suất lúa giảm đến 40%
|
“Chúng tôi thấy sự sinh trưởng và năng suất lúa giảm rất nhiều khi đất bị mất đi tầng đất mặt dù nông dân bón phân vô cơ với lượng khá cao. Theo khảo sát của chúng tôi thì năng suất sụt giảm từ 20 - 40%, từ đó ảnh hưởng trực tiếp lợi nhuận của bà con. Dù bón phân rất nhiều thì cũng phải mất 5 - 6 năm sau mới có thể phục hồi lại được năng suất lợi nhuận như trước”, GS Gương kết luận.
Theo GS Cương, đành rằng có một số chỗ đất cao, người dân khai thác giảm độ cao để lấy nước vào ruỗng dễ hơn, nhưng đó là lợi nhỏ thôi so với những thiệt hại lớn khác. Theo khảo sát, tầng đất mặt thông thường chỉ từ 20 - 30 cm, nếu bị bán đi thì sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất. Riêng tầng đất sét phía dưới nếu khai thác cũng gây xáo trộn cấu trúc đất. Đây chính là cái hại lớn nhất của việc khai thác đất mặt, đất sét làm gạch, gốm. Mất cấu trúc đất dễ sụt lún, không cơ giới hóa được, lúa dễ đổ ngã, thu hoạch khó, công lao động gia tăng và phải sử dụng phân bón nhiều hơn.
Kinh phí khôi phục lớn hơn tiền bán đất
GS Gương khuyến cáo: “Nếu nhất thiết phải có những vùng nguyên liệu cho gạch, gốm thì phải khai thác theo quy hoạch và không nên lấy quá sâu, kể cả là tầng đất sét. Theo khảo sát, phải bón ít nhất 20 tấn phân hữu cơ/héc ta mới có thể khôi phục được dinh dưỡng cho đất. Như vậy kinh phí còn lớn hơn cả tiền bán đất”.
TS Dương Văn Ni, thuộc Trường ĐH Cần Thơ, cũng khuyến cáo: Nếu đất được khai thác ở những gò cao không giữ được nước thì đó là chuyện có thể chấp nhập được. Tuy nhiên nếu việc khai thác không hợp lý, quá mức, phạm vào tầng phèn thì sẽ rất nguy hiểm, ảnh hưởng đến sản xuất của cả khu vực lân cận. Chính vì vậy cần phải có nghiên cứu cụ thể ở từng nơi xem trữ lượng ra sao, nếu phải khai thác thì độ sâu bao nhiêu là vừa. Từ đó chính quyền địa phương có biện pháp quy hoạch, quản lý và khai thác phù hợp.
Theo TS Lê Văn Bảnh, Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL, tình trạng khai thác lấy đất mặt ruộng, đất sét để làm gạch, gốm tràn lan như hiện nay là bởi quản lý nhà nước lỏng lẻo trong khi bà con nông dân thì vì lợi ích trước mắt mà không thấy cái hại lâu dài. Việc này không chỉ thiệt hại cho hộ bán đất mà cho cả những hộ xung quanh vì muốn đất ruộng trở lại như cũ phải mất từ 5 - 10 năm.
“Tôi cho rằng, để khắc phục tình trạng trên, chính quyền địa phương phải khẩn trương có quy hoạch cụ thể và quy định về khai thác, vùng nào cho khai thác lấy đất làm công nghiệp, vùng nào làm nông nghiệp thì không được khai thác”, TS Bảnh đề xuất.
Bình luận (0)