Nông dân Đồng Nai quyết liệt khởi kiện Vedan

01/08/2010 01:54 GMT+7

Hôm qua 31.7, nhiều luật sư (LS) tiếp tục về các xã bị thiệt hại do ô nhiễm giúp nông dân làm thủ tục khởi kiện Vedan.

Đoàn công tác (do Hội Luật gia (HLG) tỉnh Đồng Nai tổ chức, theo yêu cầu của UBND tỉnh) gồm 17 thành viên đã đến xã Long Phước để tư vấn thủ tục pháp lý khởi kiện Vedan cho khoảng 400 người dân. Các LS chia ra tư vấn pháp lý cho từng nhóm 15-20 hộ dân. Cũng giống ngày tư vấn đầu tiên (30.7), LS Nguyễn Hữu Dzoãn, Phó chủ nhiệm Đoàn LS Đồng Nai cũng giải thích: “Bà con không cần thiết phải có hóa đơn chứng từ mua con giống, thức ăn mà chỉ xác nhận chủ thu mua tôm cá, bán thức ăn, con giống… rồi chính quyền địa phương xác thực việc đánh bắt hoặc nuôi trồng thủy sản là đủ cơ sở khởi kiện”.

Nhận xét sau 2 ngày tư vấn, LS Nguyễn Đức, Chủ tịch HLG Đồng Nai phát biểu: “Do từ ngày Vedan bị phát hiện xả thải, có quá nhiều đoàn (từ 5-6 đoàn) đến địa phương thu thập chứng cứ, đề nghị kê khai thiệt hại... Rồi sau đó không “hồi âm” nên nông dân không mấy hào hứng. Chúng tôi phải giải thích, trước đây là thu thập để khiếu nại, còn bây giờ là khởi kiện Vedan ra tòa”. Theo thống kê của HLG, đến nay các LS đã tham gia tư vấn pháp lý và trực tiếp soạn thảo đơn cho khoảng 1.650 trường hợp tại xã Phước Thái và Long Phước (H.Long Thành). Ba xã còn lại của H.Nhơn Trạch (An Phước, Long Thọ và Phước Khánh) sẽ được HLG tư vấn trong những ngày tới.      

Ngày 30.7, tại cuộc họp với UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, ông Trần Văn Cường, Trưởng ban Chỉ huy thống kê thiệt hại kinh tế và môi trường vụ Vedan cho biết, đã có gần 500 hồ sơ khởi kiện Vedan của nông dân gửi đến TAND H.Tân Thành. Xung quanh việc Vedan đề nghị hỗ trợ 40 tỉ đồng, ông Trần Ngọc Thới, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nói: “UBND tỉnh không có quyền chấp nhận mức hỗ trợ của Vedan vì vụ việc là do người dân khởi kiện. Vedan nên ra tòa gặp người dân để đàm phán và giải quyết vụ việc”. Ông Thới chỉ đạo UBND các xã, phường bị ảnh hưởng do Vedan xả thải lập mỗi xã một tổ để kết hợp với Ban chỉ huy thống kê, Hội Nông dân và Đoàn LS thu thập các số liệu, chứng cứ phục vụ cho việc tranh tụng tại tòa.

Nguyễn Long

Cũng theo LS Đức, phía chính quyền địa phương hứa sẵn sàng xác thực việc nuôi trồng hoặc đánh bắt của người dân nên khá thuận tiện trong việc thu thập chứng cứ. Riêng về án phí, LS Đức nói: “Ngoài việc Bộ TN-MT hứa dùng quỹ bảo vệ môi trường để nộp cho người dân, TAND tỉnh Đồng Nai cũng đã chỉ đạo TAND H.Long Thành không áp dụng thu theo giá ngạch mà chỉ thu 200.000 đồng/đơn khởi kiện, trường hợp khó khăn có sự xác nhận của chính quyền địa phương thì được miễn phí. Như vậy, bài toán về án phí cơ bản đã được giải quyết.

Trước đó, vào sáng ngày 30.7, TAND H.Long Thành cũng đã chính thức thụ lý đơn kiện Vedan của nông dân Nguyễn Lam Sơn (xã Phước An, H.Nhơn Trạch). Theo ông Sơn, hồ tôm của ông quy mô 7 ha, nuôi theo hình thức quảng canh. Năm 1995 thu nhập bình quân từ 9-10 triệu đồng/tháng. Đến năm 1999, giảm xuống còn 5 triệu đồng/tháng. Những năm tiếp theo bắt đầu giảm dần và đến năm 2008 chỉ còn 2 triệu đồng/tháng. “Tổng tổn thất thu nhập là 652 triệu đồng, trong đó trách nhiệm Vedan bồi thường 77% nên tôi kiện Vedan phải bồi thường thiệt hại số tiền hơn 502 triệu đồng” - ông Sơn nói.

Ngay khi nhận đơn, TAND H.Long Thành đã giao biên nhận cho ông Sơn; đồng thời yêu cầu người khởi kiện đi nộp tiền tạm ứng án phí 200.000 đồng. Ngoài ra, ông Sơn cũng đã làm thủ tục ủy quyền cho tiến sĩ khoa học luật Nguyễn Vân Nam, đại diện giải quyết tranh chấp trước tòa án để yêu cầu Vedan bồi thường thiệt hại. LS Nguyễn Văn Hậu (Đoàn LS TP.HCM) cho biết: “Trường hợp tòa án yêu cầu anh Sơn đi nộp tiền tạm ứng án phí xem như đã chính thức thụ lý vụ kiện”. Lãnh đạo TAND H.Long Thành cũng xác nhận, chính thức thụ lý đơn kiện của công dân Nguyễn Lam Sơn.           

Hoàng Tuấn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.