Nhiều năm trở lại đây, địa danh gò Thì Thùng ở xã vùng cao An Xuân, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên trở nên rất quen thuộc đối với người dân xứ Nẫu. Cứ mỗi dịp đầu xuân, dòng người lại lũ lượt đổ về An Xuân để dự khán lễ hội đua ngựa duy nhất trong năm và của cả miền Trung. Trường đua có một không hai này luôn thu hút sự quan tâm của du khách thập phương. Trong ký ức của người An Xuân, lễ hội có từ xa xưa, được truyền phát từ thế hệ này qua thế hệ khác bất kể dòng lịch sử có nhiều biến đổi.
Đua ngựa ở gò Thì Thùng đến nay vẫn đậm chất dân gian, trở thành một nét văn hóa rất riêng so với nhiều lễ hội khác trên khắp mọi miền Tổ quốc mỗi dịp xuân về. Những chú ngựa tung vó và các kỵ sĩ tranh tài tại trường đua với phong cách rất... nghiệp dư, nhưng không kém phần lý thú. Địa hình An Xuân đồi núi trập trùng, hiểm trở. Ngựa ở đây vốn là gia súc nuôi để tạo sức thồ lúa, ngô, mía và hàng hóa... Kỵ sĩ là những anh nông dân thứ thiệt, quanh năm lăn lộn với nương rẫy, đầu trần chân đất bước vào cuộc tranh tài trước sự chờ đợi háo hức của người xem.
|
Cuộc đua ngựa ở gò Thì Thùng vào sáng mùng 9 tháng giêng năm Mậu Tý tưng bừng khai diễn với sự tham gia tranh tài của 32 kỵ sĩ. Trang phục thi đấu của các nài ngựa rất đơn sơ. Có người không dép, không giày, đầu chẳng đội mũ mà chỉ vận bộ quần áo mong manh. Sau vài lượt đua, nhiều kỵ sĩ tím tái, run bần bật bởi gió núi lạnh buốt. Ngựa cũng không thắt yên. Đã 25 năm tranh tài qua các cuộc đua ngựa, ông Võ Văn Chín (sinh năm 1948) nay là "kỵ sĩ nông dân" lớn tuổi nhất cho biết "quy chế thi" đến nay vẫn không có gì thay đổi. Các kỵ sĩ thích gì mặc đó, tự biên tự diễn. Có năm vài kỵ sĩ ngã lộn trên đường đua nhưng chưa có ai bị thương. Với lại, ngựa thắt yên thì các nài cưỡi... không quen. Đều là nông dân, tiền hạn chế nên việc mua sắm trang phục thi đấu, bảo hộ bài bản dường như chẳng ai nghĩ tới. Những năm sau ngày đất nước thống nhất, giải thưởng của cuộc đua chỉ là một cái bình thủy kèm vài chai rượu, trên tinh thần vui xuân là chính. Cuộc đua năm nay được một đơn vị doanh nghiệp tài trợ, nhưng kỵ sĩ về nhất cũng chỉ nhận thưởng... 1 triệu đồng, sau 4 lượt đua với chặng đường dài 5 km.
Không giống như các cuộc đua chuyên nghiệp khác, toàn bộ ngựa đua ở gò Thì Thùng đều là... ngựa cái, ngày thường là vật kéo phục vụ mưu sinh của bà con nông dân! Trên địa bàn tỉnh Phú Yên, và đặc biệt là ở An Xuân những năm gần đây trở nên khan hiếm ngựa đực. Trước nguy cơ số lượng đàn ngựa "teo" dần, UBND xã An Xuân từng làm công văn xin kinh phí mua... ngựa đực về phối giống, nhưng cũng chỉ mua được 1 con. Ban tổ chức không dám cho "ngựa hoàng tử" vào trường đua, vì sợ "đàn ngựa công chúa" vây quanh, không chịu tung vó! Thường thì ngựa quen đường cũ, có con không được tập luyện cẩn thận nên dù đã có lệnh xuất phát nhưng lại thủng thẳng bước đến các đám cỏ bên cạnh vô tư đứng gặm, có con lại nhắm đến khán đài lao tới vì cứ ngỡ là chuồng của mình, có con tung vó mới được 1 vòng thì... dừng lại thở. Cố "thuyết phục" bao nhiêu, các kỵ sĩ cũng không thể nào lay chuyển được tình thế, đành bẽn lẽn xuống ngựa nép nhìn mọi người ôm bụng cười... nứt cả núi!
Theo sách Đại Nam Nhất Thống Chí (Quốc sử quán triều Nguyễn), vùng đất Phú Yên ngày nay từng là khu vực giao tranh giữa các vương triều phương Bắc và Chiêm Thành, từ thế kỷ 15. Sau cuộc Nam tiến thành công đến tận sông Phan Rang, vua Lê Thánh Tông lập ra Thừa Tuyên thứ 13 (1471) gọi là Quảng Nam Thừa Tuyên, gồm 6 phủ: Thăng Ba (nay là Quảng Nam), Tư Ngãi (Quảng Ngãi), Hoài Nhơn (Quy Nhơn), Phú An (Phú Yên), Thái Ninh (Khánh Hòa), Hòa Thuận (Phan Rang). Phú Yên là một xứ nổi tiếng về ngựa, cả trong chiến đấu và trong cuộc sống dân sinh gắn liền với nhiều lễ hội. Ông Phan Đình Phùng, Phó giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin tỉnh Phú Yên cho biết lễ hội đua ngựa gò Thì Thùng sẽ được duy trì thường niên vào mùng 9 tháng giêng, nhằm duy trì truyền thống văn hóa của các bậc tiền nhân. Ở khu vực gò Thì Thùng đến nay vẫn còn lưu giữ một địa đạo khá nguyên vẹn với chiều dài gần 2 km, vốn là căn cứ cách mạng trọng yếu của tỉnh thời chiến tranh, đang được Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch xem xét công nhận di tích cấp quốc gia. Theo đó, lễ hội đua ngựa gò Thì Thùng sẽ là điểm nhấn trong tuyến du lịch Về nguồn của Phú Yên những năm tới. |
Đình Phú
Bình luận (0)