Mấy ngày nay, nông dân các xã ven sông La Ngà (huyện Đức Linh, Bình Thuận) vào mùa thu hoạch dưa vụ Tết Bính Thân.
Dưa của bà con Đức Linh tập kết tại tỉnh lộ 713 không ai mua - Ảnh: Quốc Hà |
Tuy nhiên, hàng nghìn tấn dưa hấu được thu hoạch xong thương lái không mua. Giá dưa hấu dù chỉ 1.500 đồng/kg nhưng nông dân vẫn không bán được. Hàng chục nghìn tấn dưa hấu của nông dân các xã Mê Pu, Sùng Nhơn, Đức Tân, Võ Xu… có nguy cơ bỏ thối vì không có đầu ra.
Theo quan sát của chúng tôi, quãng đường giáp ranh giữa hai xã Võ Xu và Mê Pu (tỉnh lộ 713) đang được bà con tập kết hàng nghìn tấn dưa hai ven đường để bán. Bà Nguyễn Thị Linh ở xã Sùng Nhơn cho hay, giờ này năm ngoái thương lái đến gom dưa đi Phan Thiết và xuống Đồng Nai, dù giá có bị ép nhưng vẫn bán được. “Năm nay không có ai đến hỏi mua, trong khi hôm nay đã gần tới ngày rằm tháng chạp rồi”, bà Linh nói.
Tương tự, ông Huỳnh Ngọc Quân, nông dân xã Nam Chính cho biết, ông phải thuê nhân công vận chuyển 7 km đến đây tập kết bán lứa dưa tết: “Cả chục tấn dưa chất đống ở đây, không ai hỏi mua khiến chúng tôi như ngồi trên đống lửa”.
Theo bà con nông dân, chi phí đầu tư cho 1 héc-ta dưa hấu phải mất từ 60 đến 80 triệu đồng. Cứ 1 héc-ta thu hoạch được khoảng 25-30 tấn dưa. Hiện tại, nếu thương lái có đến mua, thì dưa to đẹp nhất chỉ bán được với giá 1.500 đồng/kg. Còn loại bình thường là 1.000 đồng/kg. Với giá rẻ mạt như vậy, nông dân sẽ bị lỗ hơn 50 triệu đồng/1 héc-ta dưa.
Ông Nguyễn Minh Nghị, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đức Linh, cho biết nghề trồng dưa hấu bán tết ở đồng bằng La Ngà, huyện Đức Linh hình thành từ hơn 20 năm qua. Năm nay toàn huyện Đức Linh trồng hơn 170 héc-ta dưa hấu tết, tổng sản lượng đạt trên 6.000 tấn.
“Chúng tôi đang lo, vì năm nay được mùa, dưa đẹp nhưng lại khó tiêu thụ. Cứ tình trạng này bà con lỗ nặng, ảnh hưởng đến cuộc sống của bà con khi tết đã cận kề”, ông Nghị nói.
Theo lãnh đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đức Linh, hiện nay sức tiêu thụ yếu là do việc xuất khẩu sang Trung Quốc bị tắc nghẽn. Trong khi đó, dưa chỉ tiêu thụ nội địa, nên bị dồn ứ.
Bình luận (0)