|
Trồng giỏi được thưởng
Trong các vụ đông - xuân, hè - thu và thu - đông này, tổng diện tích trồng lúa Nhật ở TP.Long Xuyên và 3 huyện Thoại Sơn, Tri Tôn, Châu Thành (An Giang) là 2.333 ha, cho sản lượng khoảng 16.000 tấn, trị giá 1.200 tỉ đồng. Lợi nhuận của các nông dân tham gia dự án từ 35 - 38%, có hộ đạt trên 40%. Giá hợp đồng thu mua lúa tươi và lúa khô được Hội Nông dân tỉnh và Công ty Angimex-Kikotu thống nhất từ 5.800 - 6.300 đồng/kg lúa tươi, lúa khô từ 7.500 - 8.600 đồng/kg.
|
Sự ổn định đầu ra là yếu tố quyết định thuyết phục nông dân Nguyễn Lợi Đức (ấp Giồng Cát, xã Lương An Trà, H.Tri Tôn) tham gia dự án với diện tích 30 ha. “Giống lúa họ đưa, làm lúa kiểu Nhật đầu ra ổn định, không sợ bị rớt giá như các loại lúa khác”, ông Đức nói. Ông Nguyễn Văn Bình (ấp Tân Huề, xã Vọng Thê, H.Thoại Sơn) thì cho biết nông dân thích nhất khi tham gia trồng lúa Nhật là biết trước giá bán lúa, giá cả ổn định cả năm (2 hoặc 3 vụ), nhà nông an tâm đầu tư sản xuất. Ông Bình nói trồng lúa Nhật lợi hơn so với sản xuất lúa bình thường từ 1 - 2 triệu đồng/ha, vì vậy ở vụ đông - xuân 2013 - 2014 này, ông đã thuê thêm 20 ha để trồng lúa Nhật. Ông Bình tính toán, vụ lúa này mỗi héc ta trừ hết chi phí ông thu lợi nhuận trên 35 triệu đồng.
Tổ hợp tác sản xuất lúa Nhật ở khóm Tây An, P.Mỹ Thới, TP.Long Xuyên đã phát triển trên 200 ha, với hơn 100 hộ tham gia, đồng thời chọn ra 32 thành viên nòng cốt cử đi tập huấn và ứng dụng kiến thức canh tác, để giảm giá thành sản xuất và tăng lợi nhuận, tăng thu nhập cho nông dân.
Nông dân Trần Văn Ngon (xã Mỹ Khánh, TP.Long Xuyên) hóm hỉnh nói: Trồng lúa Nhật “ngon” cái là nếu trồng tốt, lúa vượt chuẩn là được công ty thưởng từ 100 - 500 đồng/kg lúa. Ông nói từ khi trồng lúa Nhật đến nay ông chỉ có một lần bị mất thưởng do bị rầy gây hại quá nặng. Theo ông Ngon, gần đây nông dân rất “kết” trồng lúa Nhật là bởi điều khoản thưởng này. Trước khi bắt đầu mùa vụ mới, công ty đều thông qua hội nông dân các huyện thị tổ chức họp nông dân để trao đổi giá cả, loại lúa cần trồng để lấy các ý kiến bổ sung, trao đổi và khắc phục những vấn đề còn hạn chế cũng như kỹ thuật canh tác.
Yên tâm đầu ra
Ông Nguyễn Thành An, Tổ sản xuất lúa Nhật xã Tân Tiến (Tri Tôn, An Giang), cho biết: “Chúng tôi đang chuẩn bị ký hợp đồng với công ty cho vụ mùa mới. Trồng lúa Nhật khó hơn lúa thường nhưng nếu có kinh nghiệm sẽ lời hơn và yên tâm sản xuất do được bao tiêu”. Tổ sản xuất lúa Nhật xã Tân Tiến đã ra đời được 7 năm. Từ vài chục héc ta ban đầu đến nay đã lên tới 600 ha, mỗi năm 3 vụ. “Làm ở tổ sản xuất này, tôi chỉ thấy người ta xin vào, mỗi năm một tăng thêm thôi chứ gần như không thấy ai xin ra. So với lúa thường của mình thì tốt hơn nhiều. Nó cũng có rủi ro, đòi hỏi kỹ thuật cao nhưng cái quan trọng nhất là có hợp đồng bao tiêu nên yên tâm sản xuất theo giá cố định từ đầu vụ”, ông An cho hay.
Ông Akira Omori, Phó giám đốc Công ty Angimex-Kitoku, cho biết: “Năm 2014, công ty đã xây dựng kho tại H.Thoại Sơn để có thể mua lúa tươi và lúa khô trong khu vực”.
Theo Hội Nông dân tỉnh thì từ năm 2000, Công ty Angimex-Kitoku đã triển khai thực hiện hợp đồng tiêu thụ lúa Nhật với nông dân nhưng lúc đó công ty trực tiếp ký hợp đồng với người nông dân nên nhiều nông dân vẫn chưa an tâm, hay hiểu rõ đầu ra tiêu thụ thế nào. Thời điểm đó mỗi năm tỉnh chỉ trồng lúa Nhật khoảng 200 - 400 ha. Từ sau năm 2009, sau khi Hội Nông dân tỉnh đứng ra đại diện ký kết giá thu mua với công ty thì bình quân mỗi năm diện tích sản xuất lúa Nhật ở An Giang tăng, có từ 1.500 đến 2.000 ha tập trung ở các vùng như TP.Long Xuyên, Châu Thành, Châu Phú, Thoại Sơn và Tri Tôn. Hiện mô hình “Liên kết sản xuất lúa Nhật” đã có hơn 4.000 nông dân tham gia sản xuất.
Ông Châu Văn Ly, Phó chủ tịch Hội Nông dân tỉnh, cho biết trong năm 2014, Hội đã thống nhất tiếp tục phát triển hợp tác sản xuất lúa Nhật theo mô hình liên kết 4 nhà với quy mô lớn. Hội sẽ hướng dẫn tập hợp nông dân tham gia và thành lập từ 10 - 15 tổ hợp tác sản xuất lúa Nhật có ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm với diện tích từ 2.000 - 2.500 ha. Phía công ty tạm ứng giống, tập huấn kỹ thuật canh tác, thưởng trên đầu ký lúa đạt chất lượng theo hợp đồng, thưởng khách hàng hợp đồng sản xuất với công ty từ 3 năm trở lên…
Cách làm đúng hướng
Trao đổi với Thanh Niên, GS-TS Bùi Chí Bửu, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học nông nghiệp miền Nam cho biết: “Người Nhật đã đến VN đầu tư vào cây lúa từ cách đây 20 năm. Thời đó, quy mô của họ cũng nhỏ thôi nhưng hiệu quả kinh tế rất cao. Họ mang giống xác nhận (Japonica) của họ đến cho mình trồng, lúa thu hoạch được họ thu mua theo giá hợp đồng “không nói tới nói lui” nên nông dân tin tưởng, yên tâm sản xuất. Họ có thể mang gạo về nước hoặc xuất khẩu trực tiếp sang nước khác với giá 800 - 1.000 USD/tấn. Vì cách làm đó nên dù lượng không nhiều nhưng lợi nhuận của họ rất cao”.
Chuyên gia nông nghiệp TS Nguyễn Quốc Vọng nhận định: Giống lúa India mà Nhật đang triển khai trồng tại một số nước nhiệt đới chủ yếu để phục vụ thị trường tại chỗ làm món sushi, xuất khẩu sang các nước khác ngoài Nhật hoặc mang về Nhật thì dùng để làm rượu sake hoặc một số sản phẩm làm từ gạo. “Theo tôi được biết, doanh nghiệp Nhật trồng lúa Nhật tại VN không để xuất sang Nhật, nhưng nhu cầu loại gạo này hiện rất cao tại các nước trên thế giới và sản xuất tại Nhật không đủ để cung cấp”, TS Vọng cho biết.
Việc xuất hiện vùng chuyên canh lúa như ở An Giang là hướng phát triển nông nghiệp công nghệ cao, bền vững của VN. Hiện gạo Nhật bán ở nước ngoài có giá có thể lên đến 1.200 USD/tấn, cao gấp 2,5 - 3 lần giá xuất khẩu gạo VN.
Để có thể có nhiều hơn những vùng chuyên canh hợp tác như vậy, theo TS Vọng, vai trò chính thuộc về Bộ NN-PTNT, các tổng công ty lương thực, các tổ chức nghiên cứu khoa học... Ông khẳng định sẽ không thiếu cơ hội hợp tác nếu các tổ chức quản lý nông nghiệp nỗ lực tìm kiếm. Người Nhật triển khai trồng giống lúa của họ đại trà tại Thái Lan, Ấn Độ do chính sách phát triển nông nghiệp kỹ thuật cao của các nước này rất tốt. VN cũng cần có chính sách khuyến khích mô hình hợp tác sản xuất nông nghiệp kỹ thuật cao như vậy.
Hướng đi không thể khác được Mô hình liên kết sản xuất theo hướng ký hợp đồng cung ứng đầu vào và tiêu thụ đầu ra là hướng đi không thể khác nếu muốn giúp nông dân có thu nhập tốt hơn. Đơn giản bởi khi sản xuất liên kết, chắc chắn sẽ giảm chi phí đầu vào… Mấy năm nay, Viện Nghiên cứu phát triển ĐBSCL cũng đã phối hợp với một số địa phương trong vùng chuyển giao quy trình sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGap cho một số mô hình sản xuất HTX và đã đạt được nhiều thành công. Nổi bật là HTX Tân Cường ở xã Phú Cường (H.Tam Nông, Đồng Tháp) và HTX Nông nghiệp Hồi Tường (xã Xuân Hiệp, H.Trà Ôn, Vĩnh Long). TS Vũ Anh Pháp Từ bỏ tư duy về số lượng và thay vào bằng chất lượng Theo tôi, để ngành lúa gạo VN phát triển, phải từ bỏ tư duy về số lượng mà thay vào bằng chất lượng. Chúng ta cứ đặt chỉ tiêu xuất khẩu 6 - 7 triệu tấn để làm gì trong khi gạo mình xuất khẩu chỉ có 300 - 400 USD/tấn. Phải tư duy theo hướng “mình nên bán cái gì để thu được lợi nhuận cao nhất” có như vậy thì nông dân mới giàu lên được. GS-TS Bùi Chí Bửu Đình Tuyển (ghi) |
Cần tích cực liên kết, nhân rộng mô hình hợp tác với các quốc gia có thế mạnh về công nghệ chế biến sản phẩm nông nghiệp để hỗ trợ nông dân. Đó là ý kiến nhiều bạn đọc sau khi đọc bài Nông dân “mần ăn” với Nhật đăng trên Thanh Niên ngày 13.11. Giải tỏa bế tắc Tôi nghĩ với mô hình này, nếu nhân rộng ra ở nhiều vùng, thì nông dân sẽ tích cực sản xuất, đời sống sẽ dễ thở hơn. Giải quyết bế tắc việc bấp bênh giá cả nông sản cũng sẽ tạo điều kiện cho đại đa số nông dân bám ruộng vườn, bớt gây áp lực về dân số cho các đô thị. Dũng Tâm Ứng dụng công nghệ chế biến nông sản Tôi thấy nông dân làm ruộng liên kết với Nhật là một mô hình hay. Từ đó, có thể thấy triển vọng từ sản phẩm nông nghiệp nếu nhà nước có chính sách tốt hỗ trợ nông dân. Tại sao chúng ta không tìm tòi, mở hướng mạnh hơn bằng cách tìm hiểu ứng dụng công nghệ chế biến nông sản cho nông dân đỡ khổ? Hoàng Không thiếu cách Sản phẩm nông nghiệp VN rất phong phú, thời tiết thuận lợi, nhân lực dồi dào nhưng vì sao chúng ta vẫn chưa phải là một nước có nền sản xuất nông nghiệp mạnh? Phải chăng chúng ta thiếu những mô hình hợp tác với các nước như bài báo nêu? Tôi nghĩ không thiếu cách, nếu có tâm huyết, có sự hỗ trợ tốt thì nông dân VN sẽ không nghèo. Điều cốt yếu là nhà nước phải hoạch định chính sách hỗ trợ nông dân cách khoa học, rõ ràng, cụ thể. Nguyễn Long Giang
Ban CTBĐ |
Thanh Dũng - Anh Phan - Chí Nhân - Nguyên Nga
Bình luận (0)