Nông dân ồ ạt đốn bưởi Năm Roi

25/03/2013 10:02 GMT+7

Dịch bệnh hoành hành, giá cả không ổn định, đầu ra bấp bênh khiến nhiều nhà vườn chuyên canh bưởi Năm Roi ở H.Châu Thành (Hậu Giang) lo lắng phải đốn bỏ. Trong khi đó, chính quyền tỉnh Hậu Giang đang xúc tiến các thủ tục để Cục Sở hữu trí tuệ công nhận thương hiệu bưởi Năm Roi của Hậu Giang.

Bưởi GlobalGAP cũng đốn

 

Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang Trần Công Chánh cho biết: “Sẽ chỉ đạo các ngành chuyên môn tổ chức tọa đàm, đối thoại trực tiếp với người dân xoay quanh vấn đề nhà nước phải làm gì để chăm lo cho vùng nguyên liệu cam sành và bưởi Năm Roi. Đồng thời, sẽ có cơ chế chính sách đầu tư cụ thể trong quá trình sản xuất, để sản phẩm người dân làm ra có nơi tiêu thụ ổn định”.

H.Châu Thành từ lâu được biết đến là vùng chuyên canh bưởi Năm Roi đặc sản của Hậu Giang. Nhờ cây bưởi mà nhiều hộ nông dân thoát nghèo làm giàu. Tuy nhiên, thời gian gần đây giá bưởi bấp bênh, sâu bệnh hoành hành chưa có thuốc đặc trị, làm ảnh hưởng rất lớn đến năng suất và thu nhập của bà con nông dân. Song song đó, nhiều vườn bưởi bị lão hóa, cho năng suất thấp khiến người trồng bưởi không còn mặn mòi với loại cây đặc sản này. Theo ghi nhận của chúng tôi, tại ấp Phú Lợi (xã Phú Hữu) và xã Phú Tân, một trong những vùng trồng bưởi có tiếng, hầu như nhà vườn nào cũng tỉa thưa dần những cây lão hóa để trồng các loại cây khác như: cam sành, măng cục, bòn bon…

Ông Phạm Văn Công có 10 công bưởi, là hội viên CLB Tiến Lên, đã được công nhận đạt chuẩn GlobalGAP cũng vừa phá 2 công bưởi để trồng cam sành. Ông Công đưa ra lý do: “Vì vườn bưởi trồng lâu năm nay đã cằn cỗi, gặp nhiều khó khăn trong khâu chăm sóc, bón phân nên tôi đốn hạ để trồng cam thay thế, thu nhập sẽ nhiều hơn”.

Lão nông Nguyễn Văn Minh có trên 30 năm kinh nghiệm trồng bưởi Năm Roi, cho biết: “Tôi vừa đốn 4 công bưởi đã được công nhận sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP để đắp mô trồng cam. Bưởi Năm Roi hiện giờ bán không được giá, 1 tấn bưởi chỉ cho khoảng 350 kg bưởi loại 1. Do vậy 1 công bưởi chỉ cho thu nhập khoảng 22 triệu đồng/năm, trong khi trồng 1 công cam trúng mùa cũng được trên 110 triệu đồng”.

Nông dân ồ ạt đốn bưởi Năm Roi
Đặc sản bưởi Năm Roi của H.Châu Thành (Hậu Giang) - Ảnh: Công Hân

Tìm cách giữ vườn bưởi

Ông Châu Văn Hải, Phó chủ tịch xã Phú Hữu (H.Châu Thành), cho biết Cách nay khoảng 3 năm diện tích bưởi Năm Roi của xã khoảng gần 500 ha, nhưng thời điểm hiện tại chỉ còn chưa đến 70 ha và dự báo sẽ không còn diện tích bưởi nào trong một vài năm tới nếu đà phá bỏ bưởi để trồng cam diễn ra nhanh như hiện nay.

Ông Trần Quang Hành, Trưởng phòng NN-PTNT H.Châu Thành, cho biết xã Phú Hữu là một trong số ít địa phương có thổ nhưỡng rất tốt để cây bưởi Năm Roi phát triển, cho trái ngon nhất. Vì thế chính quyền đang xúc tiến làm thương hiệu cho cây bưởi. “Hiện thủ tục đang được Sở KH-CN gửi Cục Sở hữu trí tuệ chờ công nhận thương hiệu bưởi Năm Roi Hậu Giang, mặc dù nhãn hiệu bưởi Năm Roi của hợp tác xã Phú Thành, Phú Hữu được cấp từ năm 2007”, ông Hành nói.

Cũng theo ông Hành, nhằm giữ lại diện tích bưởi, trước mắt huyện đã chi ra 100 triệu đồng để hỗ trợ cây giống, giúp công tác khuyến nông, hỗ trợ phân hữu cơ… cho các nhà vườn. Địa phương rất cần tỉnh hỗ trợ thêm kinh phí để xây dựng tiêu chuẩn GlobalGAP cho dân, giúp phân bón, thuế, đầu ra cho nhà vườn, thực hiện các chương trình xúc tiến thương mại để nông dân an tâm mà giữ lại vườn bưởi Năm Roi.

Trước tình hình trên, theo các sở, ngành tỉnh, chính quyền địa phương cần xem xét quy hoạch lại vùng sản xuất và phát triển các cây trồng thích hợp. Nhưng bằng mọi giá phải giữ lại diện tích bưởi Năm Roi, vì đây là trái cây đặc trưng và mang thương hiệu riêng của Hậu Giang mà nhiều người biết đến.

Nguyễn Đức

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.