Tiết kiệm 3 - 5 triệu đồng/ha lúa
Cùng kỳ năm trước, từ người nông dân đến các doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp đều kêu trời vì giá phân bón quá cao "ăn hết lợi nhuận". Để hạ nhiệt giá phân bón, đã có nhiều ý kiến đề xuất áp thuế xuất khẩu đối với mặt hàng này. Tuy nhiên sang năm 2023, tình hình đã thay đổi hoàn toàn khi giá phân bón liên tục giảm. Trong khi nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu đặc biệt như sầu riêng, chuối, thanh long, mít, gạo vẫn tăng trưởng mạnh cả về lượng và giá. Sự tích cực càng lớn khi lợi nhuận thật sự quay về với bà con nông dân chứ không rơi vào túi ngành phân bón như trước.
Theo nông dân Nguyễn Thành An (Tri Tôn, An Giang), nếu lấy mốc đỉnh điểm hồi năm ngoái, thời điểm đầu vụ giá phân bón mới giảm nhẹ 20 - 30%; hiện nay giảm đến 30 - 50% tùy loại. Loại phân sử dụng nhiều nhất là u rê (đạm) giảm đến 50% chỉ còn từ 470.000 - 480.000 đồng/bao (50 kg). Cả vụ đông xuân, nếu tính trung bình một công lúa sử dụng từ 20 - 25 kg u rê, phân kali và DAP mỗi loại
15 kg. "Do tôi thu hoạch lúa cách đây hơn 10 ngày và mình mua phân bón từ đầu vụ với giá còn khá cao nên chi phí phân bón chỉ giảm khoảng 300.000 đồng/công. Còn nếu đơn thuần so với giá phân bón tại thời điểm này với mức đỉnh của năm 2022 thì giá phân bón giảm khoảng 500.000 đồng/công. Với mức giá phân bón hiện tại thì nông dân mới yên tâm sản xuất", ông An nói.
Lúa là cây ngắn ngày nên cần nhiều phân bón. Thế nên việc giá phân giảm mạnh mang lại lợi nhuận cao cho nông dân trồng lúa. Cùng tâm trạng phấn khởi như ông An, ông Lý Thành Tài (H.Cờ Đỏ, Cần Thơ) nói: "Một héc ta lúa kéo dài hơn 3 tháng trời với bao nhiêu công sức lời 40 - 50 triệu đồng cũng không phải là nhiều. Bây giờ chỉ cơ bản thấy dễ thở và còn có động lực làm lúa chứ như năm ngoái, lúa làm vẫn có lời nhưng được bao nhiêu cũng không đủ bù vào giá phân cho vụ sau nên càng làm càng chán nản. Khổ nỗi đây là cái nghề của mình rồi không bỏ được. Bây giờ chỉ mong sau giá phân bón ổn định ở mức này để bà con yên tâm sản xuất", ông Tài nói.
Tại H.Kế Sách, nơi chuyên canh nhiều loại cây ăn trái lớn của tỉnh Sóc Trăng, nhiều nông dân cũng vui mừng khi giá phân bón giảm mạnh. Anh Nguyễn Văn Hoàng, một chủ vườn và cũng là vựa thu mua trái cây tại địa phương, cho biết: Khu vực này gần biển nên chúng tôi không trồng được các loại có giá trị kinh tế cao như sầu riêng mà chỉ trồng được các loại cây ăn trái thông thường như mận, ổi, xoài, cóc, chuối, nhãn…
Những loại này giá cả rất bấp bênh, từ đầu năm đến nay chỉ khoảng 10.000 - 20.000 đồng/kg. Nhưng sau mỗi vụ thu hoạch lại phải sử dụng khá nhiều phân bón để dưỡng cây cho vụ tiếp theo được trúng mùa, sai trái. "Với giá phân bón như năm ngoái u rê 15.000 - 16.000 đồng/kg, kali 19.000 - 20.000 đồng/kg thì cơ bản bà con không dám đầu tư nên năm nay năng suất giảm thấy rõ. May quá năm nay giá phân bón giảm mạnh nên hiện tại nhiều người đang lên kế hoạch chăm sóc lại vườn cây khi vào mùa mưa", anh Hoàng nói.
Nhu cầu thấp, giá phân bón giảm mạnh
Theo khảo sát của chúng tôi, ở thời điểm đầu tháng 4, tại thị trường nội địa mặt hàng phân u rê chỉ còn 9.100 - 9.200 đồng/kg (cùng kỳ 2022 là 17.500 - 18.000 đồng/kg); phân kali từ 11.500 - 12.500 đồng/kg (cùng kỳ 18.000 đồng/kg), phân DAP từ 17.500 - 19.000 đồng/kg (cùng kỳ 22.000 - 27.000 đồng/kg)… Đây mà mức giá được xem là thấp nhất trong hơn 2 năm qua.
Xuất khẩu phân bón giảm
Theo Tổng cục Hải quan, trong 2 tháng đầu năm 2023 cả nước xuất khẩu gần 278.000 tấn phân bón các loại, đạt giá trị 129 triệu USD, giá trung bình 463,5 USD/tấn, giảm 21% về khối lượng, giảm 46,6% về kim ngạch và giảm 32,4% về giá so với 2 tháng đầu năm 2022. Phân bón của VN chủ yếu được xuất khẩu sang Campuchia, Hàn Quốc, Malaysia và Myanmar…
Hiệp hội Phân bón VN nhận định đầu năm 2022 giá phân bón tăng tỷ lệ thuận với giá dầu khí thế giới. Nhưng từ quý 4/2022 giá dầu khí tuy không tăng và thế giới đứng trước tình trạng suy thoái ở nhiều thị trường quan trọng làm giá các loại phân bón lại liên tục giảm mạnh, đặc biệt là u rê.
Bên cạnh đó, đầu năm 2022 việc giá phân bón trong nước và thế giới tăng quá cao đã vượt ngưỡng chịu đựng của người nông dân, ảnh hưởng tiêu cực đến sức tiêu thụ. Điều này làm tồn kho tăng nhanh, chưa kể chi phí khí đốt tự nhiên, nguyên liệu quan trọng để sản xuất phân bón và nhu cầu của nông dân cùng giảm dẫn đến giá phân bón giảm mạnh. Mặt khác, Trung Quốc bắt đầu mở cửa trở lại thị trường và dỡ bỏ các quy định hạn chế xuất khẩu 29 loại phân bón, nguồn cung phân bón trên thị trường thế giới không còn tình trạng khan hiếm cục bộ như trước.
Đại diện một doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu phân bón lớn ở miền Nam thừa nhận: Nhu cầu tiêu thụ nội địa và xuất khẩu đều giảm nên tồn kho cao, doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn do tồn kho tăng. Các chỉ tiêu doanh thu và lợi nhuận đều bị ảnh hưởng vì dựa theo kế hoạch của năm trước. Hiện tại đang vào giữa tháng 4, hy vọng khoảng một tháng nữa khi vào mùa mưa là giai đoạn cao điểm tiêu thụ phân bón trong năm thì thị trường sẽ khởi sắc trở lại.
Trong hơn 2 năm qua, giá phân bón đã tăng đến 2 - 3 lần và ngành này trở thành ngành kinh doanh siêu lợi nhuận đặc biệt là các doanh nghiệp khí điện đạm. Thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy năm 2022 xuất khẩu phân bón của VN đạt trên 1,6 triệu tấn tăng tới 2,2 lần so với năm 2021 và vượt kim ngạch 1 tỉ USD. Khi doanh nghiệp bội thu thì nông dân khốn khó nhưng ở thời điểm hiện tại, người nông dân đã dễ thở hơn khi giá các loại phân bón giảm mạnh trở lại.
Bình luận (0)