Nông dân Thái Bình hiến hàng chục tỉ đồng tiền đất làm đường

18/10/2021 08:00 GMT+7

Nhiều dự án làm đường giao thông ở H.Quỳnh Phụ, Thái Bình được người dân đồng tình và tự nguyện hiến đất, giúp ngân sách nhà nước tiết kiệm hàng chục tỉ đồng.

Những ngày này, trên công trường thi công tuyến đường ĐH78 đi qua 3 xã Quỳnh Ngọc, Quỳnh Hoàng và Quỳnh Lâm của H.Quỳnh Phụ (Thái Bình), không khí làm việc khá nhộn nhịp, khẩn trương để kịp hoàn thành đúng tiến độ. Đây là một trong những dự án giao thông trên địa bàn thực hiện việc giải phóng mặt bằng (GPMB) một cách nhanh chóng khi được gần 200 hộ dân đồng thuận, sẵn sàng góp đất.

Nhân dân H.Quỳnh Phụ hiến đất làm đường, giúp tiết kiệm ngân sách hàng chục tỉ đồng

H.G

“Nhà nào cũng tự nguyện”

Gia đình ông Nguyễn Văn Cường (ở thôn Tân Mỹ, xã Quỳnh Ngọc) tự nguyện hiến hơn 200 m2 đất cho dự án đường ĐH78. Ông Cường cho biết, lâu nay nhân dân địa phương mong mỏi có một con đường khang trang, sạch đẹp để đi lại dễ dàng và thúc đẩy phát triển kinh tế vùng quê.

“Khi xã tổ chức họp bàn, thông báo chủ trương làm đường, chúng tôi rất phấn khởi và đồng lòng hỗ trợ hết sức để sớm thi công. Ở đây, nhà nào cũng tự nguyện phá dỡ cổng, tường bao, đường mở rộng đến đâu hiến đất đến đó”, ông Cường chia sẻ.

Đường ĐH78 dài gần 4 km đi qua 3 thôn của xã Quỳnh Ngọc, diện tích đất cần GPMB là hơn 4.200 m2 của 161 hộ dân, trong đó có 2.000 m2 đất ở của 82 hộ. Theo ông Lưu Xuân Nhung, Chủ tịch UBND xã Quỳnh Ngọc, sau 3 ngày tuyên truyền, vận động, không chỉ có các hộ dân ủng hộ mà còn có các cơ sở tín ngưỡng tôn giáo như nhà thờ giáo xứ Quỳnh Lang, Tân Mỹ cũng đồng lòng hiến đất làm đường.

Việc bồi thường các tài sản trên đất diễn ra thuận lợi theo mức quy định hiện hành của nhà nước. “Việc này đã giúp tiết kiệm tiền đền bù cho ngân sách nhà nước hơn 10 tỉ đồng”, ông Nhung nói.

Sau khi hàng trăm hộ dân của 3 xã Quỳnh Ngọc, Quỳnh Hoàng, Quỳnh Lâm tự nguyện góp đất làm đường ĐH78, phong trào này đã lan tỏa đến nhiều địa phương khác trên địa bàn H.Quỳnh Phụ.

Tại xã An Thái, toàn bộ 74 hộ dân thôn Hạ, nơi có dự án đường ĐH76 đi qua dài gần 2 km, đồng thuận hiến đất, tháo dỡ nhà ở, công trình kiên cố. Đây là một phần của dự án ĐH72 đường cứu hộ, cứu nạn dài gần 18 km từ xã An Khê đi xã An Mỹ rất quan trọng nên nhiều hộ dân có nhà mái bằng, nhà 2 tầng mới xây dựng vẫn sẵn sàng tháo dỡ, hiến đất để công trình khởi công sớm.

Theo thống kê, nhân dân thôn Hạ, xã An Thái đã hiến 900 m2 đất ở và nhiều tài sản trên đất, giúp tiết kiệm ngân sách nhà nước khoảng 20 tỉ đồng.

“Dân biết, dân bàn, dân đồng thuận thì sẽ làm được”

Trao đổi với Thanh Niên, ông Nguyễn Ngọc Nhường, Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất H.Quỳnh Phụ, cho biết chỉ tính riêng 2 dự án đường giao thông ĐH78, ĐH76, gần 300 hộ dân đã hiến đất với tổng giá trị hơn 30 tỉ đồng, bằng mức đầu tư một công trình giao thông cấp huyện.

Bên cạnh đó, các dự án đường huyện như: tuyến từ xã An Cầu đi xã An Quý; từ xã An Ấp đi xã An Vinh; từ TT.An Bài đi xã An Thanh… đều nhận được sự ủng hộ, hiến đất bàn giao mặt bằng của toàn bộ gần 650 hộ dân liên quan.

Trả lời câu hỏi tại sao công tác đền bù, GPMB vốn rất phức tạp, khó khăn trong việc triển khai các dự án lâu nay mà H.Quỳnh Phụ lại làm thành công, ông Nhường cho biết, các cấp lãnh đạo quyết tâm tạo môi trường thuận lợi, thông thoáng để kêu gọi, thu hút đầu tư vào huyện nên việc nâng cấp hệ thống giao thông, cơ sở hạ tầng phải đi trước một bước.

Tuy nhiên, việc thu ngân sách của huyện hiện có nhiều khó khăn, nguồn kinh phí đầu tư mở rộng, nâng cấp các tuyến giao thông vì thế hạn chế, trong khi đó chi phí GPMB chiếm 20 - 40% tổng mức đầu tư nên “khó chồng khó”.

Để tháo gỡ khó khăn, giữa tháng 7 vừa qua, Huyện uỷ Quỳnh Phụ đã ban hành thông báo số 220 về việc vận động nhân dân tự nguyện góp đất để cải tạo, nâng cấp, mở rộng đường huyện, đường liên xã do huyện làm chủ đầu tư.

Bên cạnh việc đẩy mạnh tuyên truyền vận động, cần phải công khai, minh bạch, tạo sự đồng thuận cao của nhân dân, lựa chọn địa phương, công trình làm điểm trước khi nhân rộng. Nhờ vậy mà nhiều dự án giao thông quan trọng đã nhận được sự đồng lòng của nhân dân, giúp rút ngắn thời gian thi công, tiết kiệm được ngân sách để dành cho các công trình khác.

“Bài học kinh nghiệm rút ra là cần phải trọng dân, gần dân, dân biết, dân bàn, dân đồng thuận thì sẽ làm được”, ông Nhường chia sẻ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.