Hiện nay, Olam có hệ thống chuỗi cung ứng tiên tiến ở tỉnh Gia Lai cũng như các nhà máy chế biến hiện đại tại Việt Nam. Có thể nói Việt Nam là thị trường hoạt động lớn nhất của Olam tại châu Á.
Ông Amit Verma, Tổng giám đốc Công ty Olam Việt Nam cho biết quyết định đầu tư vào thị trường Việt Nam là một quyết định dễ dàng.
Ông chia sẻ: “Lực lượng lao động lành nghề, ngành nông nghiệp phát triển mạnh, vị trí chiến lược, mạng lưới giao thương mạnh mẽ cũng như nhiều hiệp định thương mại đã được ký kết là những lý do mà chúng tôi chọn Việt Nam là điểm đến”.
Ông Verma cũng nói thêm rằng chìa khóa cho sự tăng trưởng liên tục của Olam ở Việt Nam chính là sự thừa nhận về vị thế dẫn đầu của công ty không chỉ trong lĩnh vực sản xuất và xuất khẩu nông sản như gạo, cà phê, điều và hạnh nhân mà còn trong lĩnh vực chế biến gia tăng giá trị.
|
Câu chuyện tăng trưởng
Olam được thành lập vào năm 1989 và khi đó công ty chỉ chuyên một sản phẩm duy nhất - hạt điều ở Nigeria và cũng chỉ có hai nhân viên. 30 năm sau, công ty đặt trụ sở ở Singapore đã có mặt tại hơn 60 quốc gia và vùng lãnh thổ, với 74.500 nhân viên và 47 sản phẩm ở tất cả các điểm của chuỗi cung ứng.
Các sản phẩm này bao gồm nguyên liệu bánh kẹo và đồ uống như cà phê và ca cao; các loại hạt và đồ gia vị như hạnh nhân, điều, lạc, hành, tỏi, ớt và hạt tiêu; thực phẩm thiết yếu như bơ, dầu ăn, ngũ cốc, gạo, đường và thực phẩm đóng gói; và nguyên liệu công nghiệp thô như phân bón, sợi bông, cao su và sản phẩm gỗ.
Olam mang hướng tiếp cận tổng hợp này đến Việt Nam vào năm 1999, cũng là năm mà Olam Việt Nam được thành lập. Cho đến năm 2008, công ty chỉ tập trung chủ yếu vào kinh doanh và thu mua nông sản như điều và hạt tiêu phục vụ xuất khẩu. Trong thời gian này, công ty cũng xây dựng nhà máy chế biến và làm sạch ở thành phố Biên Hòa (Đồng Nai) và nhà máy chế biến hạt điều ở Pleiku (Gia Lai).
Vào năm 2008, Olam bắt đầu mở rộng hệ thống sản xuất, bắt đầu từ việc xây dựng nhà máy ở thành phố Biên Hòa để chế biến và xay tiêu thành phẩm và sau đó mở nhà máy cà phê hòa tan ở tỉnh Long An.
Vào năm 2017, Olam mở rộng năng lực sản xuất ở Biên Hòa với hai nhà máy mới - một nhà máy chế biến hạnh nhân và một nhà máy chế biến hạt điều.
|
Ngành tiêu phát triển trong điều kiện khó khăn
Trên mảnh đất cát khô cằn ở xã Ia Le , huyện Chư Pưh (Gia Lai), Olam Toàn cầu đã xây dựng thành công trang trại trồng tiêu chất lượng.
Trong vòng 4 năm vừa qua, Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng Trường Thịnh - Olam đã phát triển 325 ha trồng tiêu trên vùng đất rừng suy thoái. Các chuyên gia nông nghiệp và kỹ thuật viên đã cải tạo đất thành công sử dụng hệ thống nông nghiệp và khoa học hiện đại để cải thiện chất lượng đất với các vi dưỡng chất còn thiếu để có thể trồng tiêu.
Các giống tiêu bao gồm tiêu Vĩnh Linh, Lộc Ninh, Mrech Bay (giống Campuchia) và tiêu Malaysia đã được trồng cùng với các chất dinh dưỡng được chọn lựa kỹ càng nhằm tránh sâu bệnh và giúp cây tăng trưởng khỏe mạnh. Các vườn trồng và vườn ươm được trang bị hệ thống tưới và phân bón nhỏ giọt. Ngoài ra, máy tính theo dõi tình trạng đất - bao gồm độ ẩm đất, độ ẩm không khí và nhiệt độ cũng giúp cây tiêu tăng trưởng hiệu quả. Nhà kính, ví dụ như vườn ươm được bảo vệ bởi hệ thống mái che. Nhân viên khi vào vườn ươm phải được khử trùng để tránh mang bệnh vào vườn.
Các vùng trồng được bảo vệ bởi rãnh thoát nước để tránh ngập. Kết quả là, vườn tiêu đã tăng trưởng khỏe mạnh trên 170 ha đất đã trồng.
Ông Lingaiah Veluswamy - Giám đốc dự án trồng tiêu ở xã Ia Le cho biết: “Trên diện tích 697 ha đất, chúng tôi đã trồng tiêu và cả trồng rừng. Mục tiêu của chúng tôi là thiết lập nông nghiệp bền vững trong vùng cũng như xây dựng nông trại tiêu kiểu mẫu. Sản phẩm tiêu của chúng tôi đạt chuẩn Global G.A.P, do chúng tôi tuân thủ chặt chẽ thực hành nông nghiệp tốt để trồng tiêu sạch”.
|
Đảm bảo khả năng thích ứng của nông dân
Olam thí điểm Dự án trồng tiêu sạch ở huyện Chư Pưh, tỉnh Gia Lai nhằm xây dựng mô hình để người dân trồng tiêu có thể cải thiện sinh kế nhờ sản lượng cao hơn và quản lý chi phí tốt hơn, và đảm bảo sản xuất tiêu chất lượng và “sạch” hơn.
Dự án bắt đầu từ năm ngoái với 106 nông dân. Hiện nay, 275 nông dân tham gia và được đào tạo toàn diện về thực hành nông nghiệp tốt và cách sử dụng thuốc trừ sâu hiệu quả. Olam cũng đã đầu tư để đảm bảo rằng họ được tiếp cận dịch vụ y tế, nước, vệ sinh và hạ tầng. Chương trình này đã giúp nông dân giảm chi phí đầu vào và nhân công, phát thải ít khí nhà kính hơn, sử dụng ít nước hơn và cải thiện chất lượng đất cũng như sản xuất tiêu đen có thể truy xuất nguồn gốc 100%.
Ông Veluswamy cho biết, ngoài ươm mầm phát triển vùng trồng tiêu của tập đoàn ở xã Ia Le, các giống tiêu từ vườn ươm của công ty sẽ được cung cấp cho nông dân địa phương với mức giá hợp lý. Ông nói thêm: “Đây là một tin tốt và sẽ giúp rất nhiều cho bà con nông dân”.
Bình luận (0)