Nông dân vào hội

10/11/2011 08:41 GMT+7

Trong những ngày qua, TP.Sóc Trăng trở nên quá nhỏ bé so với con số hàng trăm ngàn lượt người đổ về đây để vui hội lúa gạo. Một không khí hội hè thật sự sôi nổi và náo nhiệt bất kể ngày đêm dành cho những người nông dân chân lấm tay bùn.

Trong những ngày qua, TP.Sóc Trăng trở nên quá nhỏ bé so với con số hàng trăm ngàn lượt người đổ về đây để vui hội lúa gạo. Một không khí hội hè thật sự sôi nổi và náo nhiệt bất kể ngày đêm dành cho những người nông dân chân lấm tay bùn.

Thành phố “đi bộ”

Để đảm bảo giao thông không bị ùn tắc, lực lượng CSGT công an tỉnh Sóc Trăng đã tiến hành lập các chốt chặn ở các cửa ngõ để hạn chế xe ô tô và mô tô vào khu vực nội ô thành phố. Vậy là hàng đoàn người cứ nối đuôi nhau “cuốc bộ” cả cây số hướng về Khu văn hóa - triển lãm Hồ nước ngọt (Hồ nước ngọt) - nơi diễn ra nhiều hoạt động chính của Festival. Lúc này, các tuyến đường dẫn về khu vực lễ hội đều trở thành phố đi bộ. Dù vậy nhưng ai nấy đều hớn hở. Ông Thạch Sơn, một nông dân đến từ tỉnh Bạc Liêu, nói: “Bình thường cũng lội đồng lội ruộng, hôm nay lội bộ đi xem hội thì có hề gì. Đã hơn 50 tuổi rồi nhưng tới giờ tui mới được chứng kiến một ngày vui như vầy”. Cùng chung tâm trạng, ông Lâm Khem nhà ở thị xã Vĩnh Châu (Sóc Trăng) tâm sự: “Năm nào tôi cũng lên thành phố chơi hội Óoc-om-bóc. Năm nay nghe nói có thêm lễ hội lúa gạo lớn lắm nên tranh thủ đưa cả gia đình đi luôn cho biết chớ không thì chắc còn lâu lắm mới có lễ hội lớn như vậy”.

Đến gần nửa đêm, khi những hoạt động ở Hồ nước ngọt đã tạm ngưng thì mọi người lại kéo nhau đi “diễu hành” quanh thành phố. Họ vừa thả bộ, vừa chuyện trò rôm rả. Mỏi chân thì ghé vào quán ăn uống, xong lại đi. Với nhiều người, những đêm hội như thế này đều là…đêm trắng!  Chị Trần Thị Phượng, chủ một quán bún nước lèo bên đường, nói: “Quán vỉa hè của tôi vậy chứ từ xế chiều đến lúc nửa đêm cũng bán được gần 100kg bún. Mọi năm, riêng dịp lễ hội Óoc-om-bóc đã đông lắm rồi. Năm nay có Festival, người dân các tỉnh thành khác đổ về càng đông, bán buôn được lắm”! 


Mô hình hạt lúa cao 10m, một trong những điểm nhấn của khu triển lãm, gây ấn tượng mạnh với người xem - Ảnh: T.T.PH 

Hương sắc đồng bằng

Một trong những điều đọng lại ở du khách tham dự Festival có lẽ chính là lễ khai mạc. Một chương trình khéo dài 90 phút nhưng đã khái quát được những nét đặc trưng của nền văn minh lúa nước và sự khu biệt của văn hóa Nam bộ. Khu Hồ nước ngọt trở thành một sân khấu lớn với điểm nhấn là sân khấu nổi giữa hồ. Xung quanh sân khấu chính là những chiếc xuồng ba lá, ghe tam bản và cả ghe ngo… nhằm tái hiện lại một nền văn hóa miệt vườn sông nước Cửu Long với các phiên chợ nổi trên sông. Theo BTC, có gần 500 diễn viên quần chúng và chuyên nghiệp tham gia biểu diễn phục vụ lễ khai mạc. 

Khu Hồ nước ngọt rộng 20 ha cũng trở nên chật chội với toàn người là người. Theo BTC, có trên 1.200 gian hàng tham gia triển lãm, hội chợ tại Festival lần này, tăng hơn 200 so với dự kiến ban đầu. Không khi mua bán diễn ra rôm rả vì ai cũng muốn tranh thủ mua vài món đặc sản Sóc Trăng, những loại gạo thơm ngon về làm quà.

Những màn biểu diễn trên sân khấu chính đã gây ấn tượng mạnh đối với khán giả. Đặc biệt tiết mục biểu diễn trống hào khí non sông do dàn trống hội kỷ lục Việt Nam gồm 100 trống chầu và 9 trống sấm đổ hồi - tượng trưng cho 9 nhánh sông Cửu Long. Bên cạnh đó nhiều tiếc mục văn nghệ ấn tượng khác như: hoạt cảnh ca múa huyền thoại cây lúa Việt Nam, huyền thoại quê hương Sóc Trăng… và màn bắn pháo hoa tầm trung kéo dài 15 phút. Một buổi lễ khai mạc đặc sắc đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng người xem. BTC cũng đã bố trí nhiều màn hình lớn quanh hồ để phục vụ cho nhiều người không vào được khu vực khán đài theo dõi trực tiếp. 

Theo ông Nguyễn Trung Hiếu, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng-Trưởng BTC Festival Lúa gạo Việt Nam lần 2, thì Festival là dịp để tôn vinh, tri ân bà con nông dân - những người trực tiếp làm ra hạt gạo hạt lúa và ghi nhận những đóng góp lớn lao của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, doanh nghiệp…trong việc “chấp cánh” cho hạt ngọc Việt vươn xa. Ngoài ra, đây còn là cơ hội để thúc đẩy các hoạt động gia tăng giá trị của chuỗi ngành hàng lúa gạo Việt Nam; đồng thời còn là dịp để Sóc Trăng và các tỉnh thành trong cả nước có cơ hội tiếp cận thị trường và công nghệ tiên tiến trên thế giới trong sản xuất và kinh doanh lúa gạo, góp phần cải thiện tăng thu nhập, làm giàu cho bà con nông dân ở nước nhà.

Bên Lề

46 đội nhe ngo tranh tài

Giải đua ghe ngo trong khuôn khổ Festival lúa gạo có  39 đội nam và 7 đội nữ trong khu vực ĐBSCL tham gia. Giải  diễn ra trong 2 ngày 9 và 10.11, với 2 cự ly 1.000 m nữ và 1.200 m nam. Ngày 9.11 là  cuộc tranh tài của các đội ghe nữ và vòng đấu bảng của đội nam. Ngày 10 sẽ thi đấu những vòng còn lại của nam. Đội vô địch ở cả nội dung nam và nữ  nhận được giải thưởng trị giá 30 triệu đồng.

Nhiều hoạt động hưởng ứng Festival

Đó là chương trình diễn đàn “Hướng tới Festial lúa gạo Việt Nam lần 2 - Sóc Trăng 2011”. Đối tượng tham gia là tất cả những tổ chức, cá nhân trên phạm vi toàn quốc, hiến kế cho ngành nông nghiệp. Đến thời điểm này đã nhận được 25 bài tham gia diễn đàn.

Bên cạnh đó là Lễ hội đâm cốm dẹp nhằm mục đích tái hiện làng nghề làm cốm dẹp tại Sóc Trăng với sự tham gia của 6 đơn vị trong tỉnh. Ngoài ra còn có các chương trình biểu diễn nghệ thuật đặc sắc của các dân tộc, trong 2 đêm  9 - 10.11.

Khách sạn “cháy phòng”

Do lượng khách đến tham dự Festival rất đông nên đã xảy ra tình trạng “cháy phòng” khách sạn, nhà nghỉ. Các khách sạn ở khu trung tâm đã được BTC đặt trước cho đại biểu nên nhiều du khách đã phải ra vùng ven để tìm phòng trọ. Giá phòng trọ cũng vì thế mà bị đẩy lên khá cao. Nếu bình thường một phòng trọ bình dân chỉ có giá khoảng 100.000 đồng thì những ngày này đã tăng đến 150.000 - 180.000 đồng/ phòng.

Trần Thanh Phong - Chí Nhân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.