Nồng nã mắm cua

29/12/2020 20:35 GMT+7

Mắm cua nồng nã có thể gây khó chịu với những ai lần đầu gặp. Nhưng khi thưởng thức, hương vị đặc trưng ấy cứ vấn vương trong lòng.

Lũ rút ra sông, xuôi về biển. Ruộng đồng lầy lội sau những ngày ngập sâu trong làn nước bạc. Người lớn, trẻ thơ men bờ ruộng mò hang bắt cua. Rồi một ngày, các loại cua bò lổm ngổm trên đồng sau những tháng dài nằm trong hang. Dân gian gọi đấy là mùa cua ra, kéo dài từ giữa đông đến lúc thu hoạch xong lúa xuân.
Ngày lạnh, người dân quê tôi xách xô nhựa rảo bước trên ruộng, cắm cúi bắt cua. Chân bước vội, tay nhanh nhẹn lượm cua bỏ vào xô để tránh bị chiếc càng to kẹp đau điếng. Đêm tối, ánh đèn pin loang loáng, đồng quê thao thức theo bước chân. Gió lạnh lượn lờ. Những con cua bò lểnh nghểnh lần lượt bị tóm gọn. Xóm làng chó sủa râm ran giữa đêm khuya thanh vắng đón bước chân trở về. Xách xô nặng tay, lòng rộn lên niềm vui khi nghe cua bò lạo xạo.
Ngày sau, lũ trẻ hồ hởi lựa bắt những con cua kình (cua lớn), ngắt bỏ chân rồi rửa sạch. Bếp củi được nhóm với ngọn lửa bập bùng, ớt cay giã nhuyễn cùng muối hạt. Cả bọn phì phò thổi lửa, nướng cua, râm ran chuyện trò, mặt ửng hồng bên bếp ấm nồng nàn khói quê. Chúng khều cua chín ra khỏi bếp rồi chia nhau gỡ mai, lấy phần thịt chấm muối ớt ăn ngon lành. Nụ cười hồn nhiên nở trên những gương mặt thơ ngây.
Cua đồng được chế biến nhiều món ngon: canh chua, xào cùng sả ớt, bún riêu... Mùa cua ra cùng lúc với khế chua lủng lẳng trên cành, những vòi măng từ thân tre vươn thẳng giữa gió mưa. Vị chua của khế cùng vị đăng đắng từ măng hòa cùng mùi vị của cua đồng cho món canh thêm đậm đà. Dăm nhánh sả cùng vài trái ớt cay trong vườn nhà cho món cua xào "hút" cơm vào ngày mưa lạnh.
Nhưng ấn tượng nhất là món mắm cua, ngon đến ngỡ ngàng khi được thưởng thức. Cua được rửa sạch rồi gỡ bỏ mai, xay hoặc cho vào cối giã nhuyễn. Sau đó, đổ thêm nước vào rồi lọc bỏ phần xác. Thuở trước, người dân quê tôi thường sử dụng nồi gang nấu mắm cua. Nồi nước cua xám đục được cho vào ít muối, đun trên bếp lửa liu riu đến khi sôi nhẹ thì nhấc xuống khỏi bếp. Đợi nước âm ấm thì cho lá gừng xắt nhỏ và ớt xắt lát vào nồi đậy kín nắp rồi vùi vào tro nóng bên bếp.
Vào những ngày nắng ấm, cho nước cua vào hũ thủy tinh, đậy kín nắp rồi phơi ngoài trời. Chừng mươi ngày sau, mắm cua chín tỏa hương đặc trưng khi mở nắp. Những người chưa quen hẳn quay mặt đi bởi mùi mắm nồng nã xộc lên mũi. Nhưng khi thưởng thức rồi dần quen thì mắm cua dân dã gây "thương nhớ". Món mắm quê như người nông dân cục tính nhưng khi thân tình thì mặn nồng khó phai.
Mắm cua có thể chan ăn cùng cơm nóng, là nước chấm tuyệt hảo đối với rau luộc, nhưng ngon nhất là khi ăn kèm với bún. Gắp ít bún vào tô rồi chan mắm, vắt tí nước cốt chanh, ăn kèm rau sống cùng bánh tráng nướng, ngon khó gì sánh bằng. Ớt cay nồng đưa hương thơm từ lá gừng và mùi mắm lên tận mũi khiến cho tinh thần thêm phấn khích. Chỉ chừng đó thôi đủ gây vấn vương trong tâm trí bao người.
Lũ vừa ra sông, về với biển. Đồng quê đón bước chân người làng lội ruộng bắt cua. Bữa cơm gia đình có thêm món ngon, gian bếp nhỏ thêm hũ mắm nồng nã sau bao ngày đợi chờ mùa cua ra.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.