"Tự do hóa thương mại đem đến cho Việt Nam cơ hội mở rộng thị trường xuất khẩu hàng nông sản", ông Diệp Kỉnh Tần khẳng định. Để đón nhận và triển khai có hiệu quả các cơ hội mới, Việt Nam đã và đang điều chỉnh cơ chế, chính sách phù hợp với thông lệ quốc tế, tạo môi trường đầu tư bình đẳng, nhất là thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cho ngành nông nghiệp. 781 dự án FDI vào ngành nông nghiệp với tổng số vốn đăng ký trên 1,75 tỷ USD đang góp phần thúc đẩy ngành nông nghiệp phát triển, tăng tính cạnh tranh cho hàng nông sản Việt Nam.
Qua việc triển khai các dự án FDI, ngành nông nghiệp có thêm một đội ngũ lao động có trình độ kỹ thuật, có năng lực quản lý điều hành, xây dựng dự án. Trong quá trình hội nhập, các doanh nghiệp cũng đã nâng cao được năng lực cạnh tranh, xây dựng thương hiệu, tiếp cận thị trường thế giới.
Tuy nhiên, quá trình hội nhập càng sâu rộng, thách thức đặt ra đối với ngành càng lớn. Trước hết, quy mô kinh tế nông hộ nhỏ đã làm hạn chế khả năng ứng dụng khoa học kỹ thuật. Công nghiệp chế biến - bảo quản nông sản lạc hậu đã làm cho hàng nông sản Việt Nam bị yếu thế ngay trên sân nhà, và dự báo mức độ cạnh tranh này có thể sẽ gay gắt hơn khi các cam kết cắt giảm thuế quan trong AFTA và WTO được thực hiện.
Trong khi đó, kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn, lưu thông hàng nông sản chậm phát triển, chi phí bến bãi, kho cảng, vận chuyển lại thường cao hơn các nước trong khu vực đã làm cho nhiều nhà đầu tư nước ngoài không mặn mà khi đầu tư vào ngành nông nghiệp.
Để hạn chế những thách thức trên, ngành nông nghiệp đang triển khai mạnh nhiều chương trình, giải pháp đồng bộ bao gồm điều chỉnh cơ cấu nông nghiệp theo hướng phát huy lợi thế từng vùng; nâng cao chất lượng, khả năng cạnh tranh của hàng nông sản; phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất, mua bán nông sản; rà soát, điều chỉnh các chính sách phù hợp với thông lệ quốc tế; đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại.
Ngành cũng đang tập trung đào tạo nguồn nhân lực, nhất là xây dựng đội ngũ cán bộ khuyến nông giỏi chuyên môn, có khả năng tiếp cận nhanh với các tiến bộ khoa học kỹ thuật và có kiến thức thị trường.
Về tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của ngành, ông Diệp Kỉnh Tần cho biết hiện Việt Nam đã đưa 91% số dòng thuế hàng nông sản vào chương trình cắt giảm thuế quan có hiệu lực chung (CEPT) trong khuôn khổ Khu vực mậu dịch tự do ASEAN, và theo kế hoạch đến đầu năm 2006 sẽ hoàn thành việc giảm thuế xuống 0-5%.
Đối với Khu vực mậu dịch tự do ASEAN-Trung Quốc, Việt Nam đã tham gia Chương trình thu hoạch sớm đối với một số mặt hàng nông sản và đã hoàn tất đàm phán lịch trình cắt giảm thuế đáng kể cho những mặt hàng nông sản khác.
Về Hiệp định Thương mại Việt-Mỹ (BTA), Việt Nam đã cam kết giảm thuế đối với hơn 200 dòng thuế nông sản; loại bỏ hạn chế định lượng nhập khẩu; mở rộng quyền xuất nhập khẩu, quyền phân phối cho các công ty Mỹ sau 3-5 năm kể từ khi BTA có hiệu lực đối với các sản phẩm quan trọng.
Về vấn đề đàm phán gia nhập WTO, ông Diệp Kỉnh Tần thừa nhận nông nghiệp là một trong những lĩnh vực đàm phán khó khăn nhất, bởi nội dung đàm phán không chỉ về vấn đề thuế, phi thuế, mà còn về sự hỗ trợ trong nước, trợ cấp xuất khẩu đối với nông sản trên cơ sở hiệp định nông nghiệp.
Theo Sài Gòn Giải Phóng
Bình luận (0)