Nông sản khó tiêu thụ trong những ngày giãn cách

18/08/2021 06:34 GMT+7

Nông dân các tỉnh nam Trung bộ - Tây nguyên đang gặp khó khăn trong việc sản xuất và tiêu thụ hàng nông sản do dịch Covid-19 .

Tuy nhiên, nhiều địa phương vẫn cố gắng duy trì sản xuất nhằm đảm bảo nguồn cung tối thiểu cho các tỉnh đang có dịch.

Đổ bỏ vì không tiêu thụ được

Lâm Đồng là thủ phủ của các loại rau, cung cấp chủ yếu cho TP.HCM và các tỉnh phía nam. Hơn 2 tháng qua, do phải thực hiện giãn cách ở các tỉnh nên nhiều nhà vườn trồng rau xanh ở Đà Lạt và Đơn Dương - nơi có diện tích rau lớn nhất tỉnh Lâm Đồng, phải nhổ bỏ vì tiêu thụ không được. Một số chủ vườn rau mang tặng các nhóm thiện nguyện để chuyển về TP.HCM và các tỉnh đang có dịch; một số khác thì bán rẻ hoặc nhổ bỏ. Nhiều doanh nghiệp (DN) chuyên trồng và tiêu thụ rau xanh, dù đã có rất nhiều nỗ lực, song cũng chỉ tiêu thụ khoảng 50% lượng rau sản xuất. Điển hình như Công ty TNHH Đà Lạt GAP, trước đây cung cấp 50% sản lượng cho Đà Nẵng nhưng hơn tháng qua, Đà Nẵng giãn cách nên công ty phải giảm diện tích canh tác. Còn Công ty Thảo Nguyên, từ đầu tháng 8.2021 đến nay lượng rau đơn vị này cung cấp cho hệ thống các siêu thị giảm dần. Thời điểm đầu tháng 7.2021 mỗi ngày Công ty Thảo Nguyên cung cấp cho hệ thống siêu thị Co.opmart, Lotte Mart, Aeon từ 25 - 30 tấn rau củ quả thì hiện nay chỉ còn 7 - 10 tấn/ngày.
Hai vùng sản xuất rau lớn nhất của tỉnh Khánh Hòa là TX.Ninh Hòa và TP.Nha Trang cũng đang gặp khó khăn trong việc tiêu thụ vì đang thực hiện việc cách ly toàn bộ. Trước đây, lượng rau sản xuất được đều bán cho các siêu thị và các chợ truyền thống thì nay đang nằm yên tại ruộng. Rau cung cấp cho các khu bị phong tỏa rất “nhỏ giọt” vì qua các chốt kiểm soát rất khó khăn.
Rau xanh tiêu thụ khó khăn đã đành, các loại bí có “tuổi thọ” dài hơn cũng chung cảnh ngộ. Đắk Nông có nhiều vùng chuyên canh cây bí đỏ và bí đao. Nhiều hộ nông dân ở H.Tuy Đức sản xuất 200 tấn bí đao/vụ/hộ nhưng do khó khăn trong vận chuyển nên thương lái không đến các vườn để mua được. Những năm trước, tầm này thương lái từ TP.HCM đến các vườn bí đao mua với giá 4.000 - 5.000 đồng/kg tại ruộng. Tuy nhiên, năm nay giá tụt xuống còn 2.000 đồng/kg nhưng nhiều nhà vườn chỉ bán được 1/2 sản lượng thu hoạch nên lỗ nặng.

Vì Covid-19, nông dân Đắk Nông không bán được bí đao: lấy tiền đâu để con nhập học

Nông sản khó tiêu thụ trong những ngày giãn cách1

Một vựa thu mua sầu riêng ở H.Krông Pắk (Đắk Lắk)

ẢNH: TRUNG CHUYÊN

Tìm đầu ra cho nông sản

Ngày 17.8, trao đổi với PV Thanh Niên, ông Nguyễn Văn Sơn, Giám đốc Sở NN-PTNT Lâm Đồng, cho biết dù ảnh hưởng dịch Covid-19 nhưng tỉnh vẫn duy trì diện tích canh tác, riêng diện tích rau ngắn ngày tăng sau khi UBND tỉnh Lâm Đồng chỉ đạo tập trung sản xuất để cung ứng cho sự thiếu hụt của TP.HCM và các tỉnh Đông Nam bộ.
Theo Sở Công thương Lâm Đồng, bình thường tổng sản lượng rau củ của tỉnh Lâm Đồng cung ứng ra thị trường khoảng 6.000 tấn/ngày. Trong đó, thị trường TP.HCM tiêu thụ 2.600 tấn/ngày, chiếm tỷ trọng 43,33%; các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu hơn 1.000 tấn/ngày; số còn lại được cung cấp cho các tỉnh, thành khác và tiêu thụ nội tỉnh. Do dịch Covid-19, hiện TP.HCM thiếu 1.500 tấn rau củ mỗi ngày, trong đó nguồn cung từ tỉnh Lâm Đồng chiếm 55%, tương đương 825 tấn/ngày. Sở đã chủ động, phối hợp Sở Công thương TP.HCM hỗ trợ DN vận chuyển rau củ cập nhật thông tin để tạo luồng xanh cho 120 phương tiện vận chuyển rau củ về TP.HCM thuận tiện.
Sở cũng phối hợp với Bưu điện tỉnh Lâm Đồng cung cấp thông tin về năng lực vận chuyển của hệ thống bưu điện đến các DN cung ứng rau củ trên địa bàn nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc lưu thông hàng nông sản thiết yếu cung ứng cho TP.HCM và các tỉnh phía nam trong thời gian dịch diễn biến phức tạp như hiện nay.
Theo ông Đoàn Lê Anh, Chủ tịch Hội Nông dân H.Tuy Đức (Đắk Nông), mới đây huyện đã kết nối với một số đơn vị ở TP.HCM và giải cứu được 200 tấn bí đao. Hiện huyện cũng đang kết nối với TP.HCM để giải cứu thêm nhiều mặt hàng nông sản khác cho nông dân.
Còn ở Đắk Lắk, tuy bơ và sầu riêng chưa vào chính vụ, song tỉnh này đã xây dựng các kịch bản để tiêu thụ nông sản cho người dân. Có hai phương án được đưa ra. Cụ thể: đối với trường hợp dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp nhưng vẫn trong tầm kiểm soát (tình huống hiện nay) thì 80% sản lượng bơ (khoảng 32.000 tấn) và 20% sản lượng sầu riêng (khoảng 21.000 tấn) sẽ tiêu thụ trong nước. Còn lại dành cho thị trường xuất khẩu: bơ là 20% (khoảng 8.000 tấn); sầu riêng 70% (khoảng 72.000 tấn). Dự kiến sản lượng sầu riêng bóc tách, cấp đông, bảo quản lạnh là 10.000 tấn.
Trường hợp dịch ảnh hưởng hết sức phức tạp, tỉnh sẽ tập trung mọi nguồn lực hỗ trợ, giúp người dân từ công tác thu hoạch, chế biến và tiêu thụ bơ, sầu riêng. 90% sản lượng bơ được tiêu thụ trong nước (khoảng 36.000 tấn), 10% xuất khẩu (khoảng 4.000 tấn). 36% sản lượng sầu riêng được tiêu thụ trong nước (khoảng 37.000 tấn), 50% xuất khẩu (khoảng 51.000 tấn). Dự kiến sản lượng bóc tách, cấp đông, bảo quản lạnh 15.000 tấn sầu riêng.

Covid-19 sáng 18.8: Cả nước 293.301 ca nhiễm, 111.308 ca khỏi | TP.HCM kiến nghị hỗ trợ khẩn cấp 28.000 tỉ đồng

Theo kế hoạch, kênh tiêu thụ nội địa sẽ là các tập đoàn phân phối có hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện ích; các chợ truyền thống, tiểu thương, xe cóc, điểm cân nhỏ phục vụ cho tiêu thụ lưu động; tiêu thụ trên sàn thương mại điện tử; kinh doanh online; đồng thời kêu gọi, hỗ trợ từ các tỉnh, thành trong cả nước...
Ông Trần Hồng Tiến, Bí thư Huyện ủy Krông Pắk, thông tin huyện đã tổ chức gặp mặt, lắng nghe ý kiến phản ánh của các DN thu mua, tiêu thụ sầu riêng trên địa bàn để hỗ trợ kịp thời các đề xuất. Đến nay, huyện đã tạo điều kiện đón 50 lao động kỹ thuật từ Tiền Giang đến thu hoạch, chế biến, bảo quản sầu riêng. Những lao động này đã được xét nghiệm Covid-19, cách ly y tế, đảm bảo yêu cầu phòng dịch theo quy định.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.