Nông, thủy sản lao đao vì thị trường Trung Quốc

19/02/2022 06:37 GMT+7

Cửa khẩu biên giới phía bắc lại đóng vì Trung Quốc kiểm soát gắt gao dịch bệnh. Chưa bao giờ các loại nông sản phụ thuộc vào thương lái mậu biên Trung Quốc lại gặp tình cảnh khó khăn như hiện nay.

Chặt bỏ thanh long vì giá rẻ

Ngày 18.2, thanh long kéo dài chuỗi ngày rớt giá thê thảm vì không ai mua, xuống dưới mức 2.000 đồng/kg, nhưng cũng chỉ có vài vựa lấy để bán nội địa. Khắp nơi ở tỉnh Bình Thuận, người trồng thanh long đổ trái ra cho những người xung quanh lấy miễn phí.

Anh Huỳnh Châu, một chủ vườn thanh long tại Bình Thuận, tâm sự: “Mình khổ cũng khổ rồi. Công sức làm ra trái thanh long mà giờ đây giá rẻ mạt. Tôi thà mang ra cho người dân ăn miễn phí. Thấy họ tranh nhau mang về rất nhiệt tình, mình cảm thấy rưng rưng và cũng được an ủi phần nào”. Anh Lê Thanh, nhà vườn tại Phan Thiết, tuyên bố chặt bỏ vườn thanh long chứ nhất quyết không bán rẻ. Vung dao chặt bỏ những trái thanh long đang chín đỏ, anh bức xúc: “Làm ra được thanh long nghịch mùa phải tốn chi phí rất cao, mà giờ đây giá rớt chỉ còn 1.000 - 2.000 đồng/kg thì tôi chặt bỏ để những người khác bán được giá, phải bán đúng giá trị chứ không bán rẻ như vậy được”. Còn anh Nguyễn Trúc Linh, chủ vườn tại H.Hàm Thuận Nam, cho biết: “Vườn tôi có 450 trụ và đã quyết định nhổ bỏ để trồng cây khác. Trồng thanh long mà giá dưới 5.000 đồng/kg thì nhổ bỏ làm phân bón hoặc cho bò ăn, chứ bán lỗ thì càng đau lòng thêm”. Cùng chung suy nghĩ, chị Nguyễn Thị Sen, nông dân trồng thanh long tại Phan Thiết, trăn trở: “Nhà tôi bao nhiêu năm nay sản xuất thanh long, dù biết rằng chỉ có Trung Quốc tiêu thụ nhiều nhất, nhưng mưu sinh thì cái gì có lợi mình làm. Nhưng 2 năm nay, giá thanh long bèo bọt, còn giá phân bón thì tăng gấp mấy lần, người trồng thanh long sau vụ này chắc đổ nợ”.

Theo thống kê của Sở NN- PTNT tỉnh Bình Thuận, hiện nay tổng diện tích thanh long ở tỉnh Bình Thuận là hơn 33.000 ha, sản lượng hằng năm khoảng 700.000 tấn, sản lượng thu hoạch đến cuối tháng 2.2022 là 120.000 tấn. 90% sản lượng thanh long VN là xuất sang Trung Quốc nên khi thị trường này đóng cửa hoặc siết chặt kiểm soát thì lập tức ảnh hưởng hết sức nghiêm trọng, dù lãnh đạo địa phương và các cơ quan chức năng luôn theo dõi sát sao và họp bàn tìm giải pháp, nhưng cũng không thể cứu một lượng lớn thanh long trong thời gian ngắn ngủi.

Giá tôm hùm, thanh long và nhiều loại trái cây khác bị ảnh hưởng nặng nề từ thị trường Trung Quốc

Quang Thuần - Công Hân

Người nuôi tôm hùm mừng hụt

Ở thời điểm trước Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, người nuôi tôm hùm tại Khánh Hòa đã phấn khởi trước sức mua tăng mạnh sau một thời gian dài giá giảm vì dịch bệnh. Tôm hùm xanh được mua từ 800.000 - 850.000 đồng/kg, tôm hùm sao có giá bán cao hơn, từ 1,6 - 1,7 triệu đồng/kg. So với thời điểm giữa năm 2021, giá mua tôm hùm đã tăng từ 100.000 - 200.000 đồng/kg. Còn tại vịnh Vũng Rô (Phú Yên) hiện có hơn 14.700 lồng bè nuôi tôm hùm.

Với thị phần rộng lớn ở gần cùng sự tham gia chặt chẽ, sâu rộng của mạng lưới thương nhân Trung Quốc đã khiến cho người nông dân thấy lợi trước mắt mà quên đi sự đầu tư lâu dài, vì vậy họ luôn chịu cảnh bấp bênh về giá cả mỗi khi Trung Quốc “cựa mình”

Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Trái cây VN

Ông Lê Xuân Hoàng, Chủ tịch Hội Nông dân TP.Cam Ranh, thông tin những tháng cuối năm 2021, giá tôm hùm xanh tăng mạnh, có thời điểm lên đến 1,2 triệu đồng/kg. Cả năm 2021, giá tôm hùm luôn nằm ở mức thấp, tuy nhiên mấy tháng cuối năm, đặc biệt là trước Tết Nguyên đán giá tôm hùm xanh đã tăng gấp đôi nên người nuôi tiếp tục mở rộng số lồng nuôi tôm trên vịnh Cam Ranh với số lượng khoảng 40.000 lồng. Tuy nhiên, ngay sau tết, trước tình hình ách tắc ở cửa khẩu, mấy ngày gần đây có một số trường hợp xe chở tôm hùm phải quay đầu tại cửa khẩu và bán giảm giá tại Hà Nội, Hải Phòng. Việc đóng cửa khẩu cũng gây ảnh hưởng tiêu cực đến giá thu mua.

Ghi nhận tại các chợ đầu mối ở TP.HCM, giá tôm hùm xanh tươi sống đang giảm khoảng 100.000 đồng/kg, đứng ở mức 890.000 đồng/kg. Một số chủ lồng nuôi tại Khánh Hòa cho biết: “Số lượng tôm hùm xuất khẩu bị kẹt tại cửa khẩu đã được rải bán hết ở khu vực phía bắc, còn giá tôm hùm trong nước chỉ điều chỉnh nhẹ. Hiện tại sản lượng tôm sau tết không có nhiều nên cũng không gây thiệt hại nhiều”. Giá các loại tôm hùm ngộp cũng dao động ở mức 470.000 - 550.000 đồng/kg. Đại diện một doanh nghiệp (DN) có lô tôm hùm xuất sang Trung Quốc xác nhận đã cho xe quay đầu về Hà Nội sáng 16.2 và bán xả cho các tiểu thương và nhà hàng với giá chỉ 550.000 - 650.000 đồng/kg. “Với mức giá này chúng tôi phải chịu lỗ hàng trăm triệu. Nếu nằm chờ thêm sẽ lỗ nặng. Tôm hùm khó bảo quản lâu, nên quá một tuần chúng sẽ chết, phát sinh nhiều chi phí”, vị đại diện DN nói.

Theo lãnh đạo Chi cục Thủy sản tỉnh Khánh Hòa, điểm mấu chốt khiến giá cả tôm hùm luôn bấp bênh là do 90% lượng tôm sống và đông lạnh của VN xuất đi phục vụ cho thị trường Trung Quốc theo đường tiểu ngạch, chỉ 10% tiêu thụ nội địa. Ông Nguyễn Trọng Chánh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Khánh Hòa, thừa nhận: “Người dân không chịu nghe theo hướng dẫn của cơ quan quản lý mà đua nhau nuôi tự phát nên hàng chưa đủ tiêu chuẩn để xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc và nhiều thị trường khó tính khác”.

Cần chuyển đổi sang đường chính ngạch

Sau khi tỉnh Lạng Sơn thông báo dừng tiếp nhận xe chở hàng đổ về cửa khẩu để hạn chế tình trạng ùn tắc từ ngày 16.2, vào sáng 17.2 đến lượt Ban Quản lý cửa khẩu H.Hà Khẩu, tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) thông báo tạm dừng nhập khẩu hàng hóa của VN qua các cửa khẩu Hà Khẩu - Lào Cai (VN) để thực hiện phòng, chống dịch Covid-19. Một số DN cho biết bên cạnh mục đích phòng chống dịch, phía Trung Quốc cũng chủ trương giảm nhập khẩu nông sản theo đường tiểu ngạch vì sản lượng trong nước này đang dư thừa, một số vùng phải đổ bỏ hoa quả.

Xuất khẩu thanh long đường bộ bị ách tắc, tuy nhiên xuất khẩu chính ngạch theo đường biển vẫn tiếp tục. Mặc dù chi phí đường biển tăng cao, nhưng giá mua thanh long đang rẻ nên cũng có thể cân đối được.

Bà Nguyễn Thùy Thuận, Giám đốc công ty Trà Thanh Long

Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Trái cây VN, nhận định: “Câu chuyện ùn ứ ngay cửa khẩu do phía Trung Quốc chậm nhập khẩu nông sản hay tạm ngưng bế quan đã là “điệp khúc” tái diễn thường xuyên. Với các DN chuyên xuất khẩu trái cây thì vấn đề nâng cao chất lượng phải được quan tâm để mở rộng thị trường xuất khẩu sang các thị trường khó tính, không thể tập trung xuất sang thị trường một quốc gia nào. Ngoài ra, cần đẩy mạnh hoạt động chế biến trái cây xuất khẩu, giảm tải xuất khẩu trái cây tươi. Để làm được điều này, khâu liên kết giữa nhà vườn, DN và nhà khoa học tiếp tục duy trì và nhân rộng trong sản xuất nông sản hàng hóa”. Theo ông Nguyên, từ nhiều năm trước, vấn đề nâng cao sản xuất, làm ra sản phẩm sạch để giảm lệ thuộc vào thị trường Trung Quốc đã được tính đến, nhưng với thị phần rộng lớn ở gần cùng sự tham gia chặt chẽ, sâu rộng của mạng lưới thương nhân Trung Quốc đã khiến cho người nông dân thấy lợi trước mắt mà quên đi sự đầu tư lâu dài, vì vậy họ luôn chịu cảnh bấp bênh về giá cả mỗi khi Trung Quốc “cựa mình”.

Còn ông Đoàn Văn Sang, Giám đốc Công ty TNHH chế biến Nông sản Cát Tường (Tiền Giang), thì nói thẳng công ty ông có nhiều đối tác ở các thị trường khó tính cần trái thanh long, nhưng phải đủ sản lượng và đáp ứng các tiêu chuẩn sạch. Trong khi đó, trái thanh long ở Tiền Giang và khu vực ĐBSCL chưa đáp ứng điều kiện này. “Không phải DN mình không xuất mà vì không có sản lượng, chất lượng trái thanh long để đi. Bây giờ DN và hợp tác xã phải đồng lòng với nhau để định hướng thị trường, muốn xuất khẩu thị trường nào thì phải làm theo quy trình tiêu chuẩn thị trường đó”, ông Sang nhấn mạnh.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.