NSND Kim Xuân trải lòng khi đồng hành cùng các chương trình về HIV

28/09/2024 10:46 GMT+7

Đảm nhận vai trò giám khảo của chương trình làm phim về chủ đề HIV, NSND Kim Xuân mong muốn qua dự án, các bạn trẻ sẽ lắng nghe và tìm hiểu kiến thức về HIV/AIDS một cách văn minh, rõ ràng, từ đó lan tỏa thông điệp tích cực cho xã hội.

NSND Kim Xuân trải lòng khi đồng hành cùng các chương trình về HIV- Ảnh 1.

NSND Kim Xuân chia sẻ về việc đồng hành cùng các chương trình liên quan đến HIV/AIDS

Ảnh: BTC

Chiều 28.9, chương trình tổng kết chuỗi workshop cung cấp kiến thức về làm phim mang tên Kính vạn hoa và vinh danh 6 tác phẩm về HIV/AIDS vừa được tổ chức tại TP.HCM. Sự kiện có sự góp mặt của NSND Kim Xuân, đạo diễn Ngọc Duyên, Tùy viên nghe nhìn từ Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam và Đông Nam Á - Jeremy Segay, nhà phê bình điện ảnh Lê Hồng Lâm và Phó chủ tịch Hội Phòng chống HIV/AIDS TP.HCM Nguyễn Anh Phong.

Với thông điệp chủ đề “HIV - Chuyện không của riêng ai”, dự án thu hút được nhiều bạn trẻ đam mê truyền thông, điện ảnh và cả công tác xã hội. Từ sinh viên, nhân viên công tác tại cộng đồng HIV/AIDS cho đến những đạo diễn, biên kịch, quay phim chuyên nghiệp. Danh sách tác phẩm dự thi gồm Đỏ, Lời ru ở lại, Tâm, Chị em chúng mình, Trên tường có bông hoa đang nở Viết tiếp câu chuyện dang dở của 6 nhóm được trình chiếu trước ban giám khảo.

NSND Kim Xuân trải lòng khi đồng hành cùng các chương trình về HIV- Ảnh 2.

Ban giám khảo cuộc thi phim ngắn về đề tài HIV mang tên Kính vạn hoa

Ảnh: BTC

Bên cạnh lời động viên, khích lệ, các giám khảo còn đưa ra góp ý thẳng thắn từ kịch bản, nội dung đến hình ảnh của mỗi tác phẩm dự thi. Theo NSND Kim Xuân, đề tài về HIV vốn nhạy cảm, ít người khai thác trên phim. Các bạn trẻ đã cho thấy sự nỗ lực, tìm hiểu để thực hiện là điều đáng ghi nhận. Tuy nhiên, vài lỗi mắc phải như cách truyền tải nội dung, hình ảnh, câu chuyện... khiến tác phẩm đầu tiên chưa được trọn vẹn.

"Dù vậy, chúng tôi thấy vẫn có những tác phẩm đạt được yêu cầu là lan tỏa thông điệp tốt cho xã hội. Hy vọng qua dự án lần này, các bạn trẻ sẽ thấy đây là nơi để các bạn có thể đào sâu hơn để nói nhiều hơn nữa. Tiếng nói của giới trẻ là tiếng nói mạnh mẽ nhất để làm cho cộng đồng ngày càng tốt hơn", nữ nghệ sĩ bày tỏ.

NSND Kim Xuân cho biết bà đồng hành cùng dự án Dải băng đỏ suốt nhiều năm. Nữ nghệ sĩ muốn cùng mọi người gửi đi thông điệp đến cộng đồng người có H và thế hệ trẻ rằng, HIV/AIDS hiện không còn là căn bệnh nan y của thế kỷ. Thậm chí, việc chữa trị có phác đồ nhẹ nhàng hơn những căn bệnh khác như ung thư. Diễn viên Quỷ cẩu kể bà từng chứng kiến một bé gái bị H ở Bến Tre do cả cha lẫn mẹ đều nhiễm căn bệnh này. Sau nhiều năm, cô bé trở thành thiếu nữ xinh đẹp, học hành giỏi giang, sống chung với H và được xã hội công nhận.

NSND Kim Xuân trải lòng khi đồng hành cùng các chương trình về HIV- Ảnh 3.

Phó chủ tịch Hội Phòng chống HIV/AIDS TP.HCM Nguyễn Anh Phong (bìa phải) cùng đạo diễn Ngọc Duyên

Ảnh: BTC

Anh Nguyễn Anh Phong, Phó chủ tịch Hội Phòng chống HIV/AIDS TP.HCM chia sẻ mong muốn lớn nhất của mình và ban tổ chức là làm sao truyền tải được kiến thức về HIV/AIDS đến cộng đồng. Với anh, thành công lớn nhất của dự án Kính vạn hoa là thấy các bạn trẻ chịu ngồi xuống nghe và tìm hiểu kiến thức về HIV/AIDS. Các bạn trẻ không chỉ hiểu về căn bệnh mà còn học cách bảo vệ bản thân, từ đó nâng cao nhận thức và trách nhiệm trong việc phòng chống HIV/AIDS.

Kết quả giải nhất thuộc về phim Chị em chúng mình. Giải nhì thuộc về dự án Lời ru ở lại. Giải ba được trao cho 2 tác phẩm Đỏ Tâm. Hai giải đồng hành là tác phẩm Trên tường có bông hoa đang nởViết tiếp câu chuyện dang dở.

NSND Kim Xuân trải lòng khi đồng hành cùng các chương trình về HIV- Ảnh 4.

Các thành viên trong nhóm làm phim Chị em chúng mình thắng giải nhất tại cuộc thi

Ảnh: BTC

Các sản phẩm đoạt giải sẽ được sử dụng làm tư liệu truyền thông cho hoạt động cộng đồng và công chiếu tại sự kiện Sống trọn vẹn 2024. Đồng thời, sẽ được Cục và Hội phòng chống HIV/AIDS sử dụng nhằm lan tỏa xa hơn giá trị cộng đồng cho cộng đồng người có H.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.