NSND Lý Huỳnh với bộ phim cuối và lần thách đấu Lý Tiểu Long qua lời kể của con trai

Đỗ Tuấn
Đỗ Tuấn
22/10/2020 17:00 GMT+7

Tây Sơn hào kiệt là bộ phim cuối cùng mà NSND Lý Huỳnh đạo diễn và đây cũng là bộ phim đặc biệt trong sự nghiệp của ông. Ông cũng là người từng được báo giới miền Nam trước 1975 và Hồng Kông đăng tin thách đấu với Lý Tiểu Long.

Dồn vốn liếng làm bộ phim hoành tráng nhất Việt Nam

Ngày đó, NSND Lý Huỳnh muốn làm nên những bộ phim dã sử phục vụ cho khán giả trong nước, thay vì mãi đi xem phim dã sử, huyền sử của các nước khác. Ông dồn vốn đến 12 tỉ đồng làm phim mong tạo ra những hình ảnh hoành tráng, sinh động chiếu tết 2010. Phim tập hợp cả vài ngàn diễn viên quần chúng, gần 50 voi và hàng trăm ngựa chiến Năm 2015, phim Tây Sơn hào kiệt được Trung tâm Kỷ lục Việt Nam chứng nhận là Bộ phim được dàn dựng hoành tráng nhất Việt Nam.
Tây Sơn hào kiệt kể về chiến công lừng lẫy của anh hùng áo vải Quang Trung - Nguyễn Huệ trong việc đánh đuổi quân Thanh ra khỏi bờ cõi. Lồng vào đó là mối tình đẹp giữa vua Quang Trung (Lý Hùng) và công chúa Ngọc Hân (Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2008 Thùy Lâm). Ngoài ra phim còn có sự tham dự của nhiều diễn viên nổi danh khác như: NSND Đoàn Dũng (Tôn Sĩ Nghị), NSND Thế Anh (Nguyễn Hữu Chỉnh), Công Hậu (Vua Lê Chiêu Thống), NSƯT Hùng Minh (Vũ Văn Nhậm)…

Voi chiến 50 con trong cảnh quay Tây Sơn hào kiệt tại Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk)

Ảnh: Lữ Đắc Long

Đoàn phim đã thực hiện nhiều cảnh quay tại Củ Chi, Hóc Môn, chùa Huệ Nghiêm, trường đua Phú Thọ… (TP.HCM), sau đó lặn lội ra tận Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk), Bình Định, Huế rồi quay về Long Hải, Bình Dương suốt 2 tháng dài. “Dù chẳng ai bảo nhưng mọi người đều lập bàn thờ cúng tổ, van vái vua Quang Trung phù hộ để đoàn phim có thể thực hiện những cảnh quay có số lượng voi và ngựa thuộc hàng khủng”, diễn viên Lý Hùng - con trai ông nhớ lại kỷ niệm khi quay Tây Sơn hào kiệt.
Theo lời diễn viên Lý Hùng, vào vai hàng trăm binh sĩ là bộ đội chính quy của Tây Nguyên. Trước khi bấm máy, viên sĩ quan chỉ huy đã căn dặn các chiến sĩ dù là đóng phim nhưng các anh bộ đội phải tự bảo toàn thân thể, cố gắng hạn chế những rủi ro có thể xảy ra. Đây chính là nguyên nhân đoàn phim phải trông cậy vào bộ đội bởi diễn viên quần chúng là sinh viên, học sinh hoàn toàn không thể có kỹ năng tự bảo vệ lúc hiểm nguy được. Lý Hùng kể tiếp đến cảnh quay đêm khi nhân vật vua Quang Trung điều đàn voi chiến đánh quân Mãn Thanh, cả đoàn phim đều sợ vì voi không quen với ánh đèn. Giải pháp sau cùng là đưa 3, 4 "chú" voi vào thử, chẳng ngờ "các chú chịu đèn” nên mới tiếp tục cảnh quay này.

NSND Lý Huỳnh trực tiếp chỉ đạo diễn xuất phim Tây Sơn hào kiệt

Ảnh: Lữ Đắc Long

 “Khi ba tôi - đạo diễn, NSND Lý Huỳnh ra lệnh, hàng trăm người (cũng là bộ đội) trong vai quân Mãn Thanh quăng cờ, giáo mác, cung tên bỏ chạy. Đàn voi mấy chục con hùng hổ đuổi theo. Đám đông rất hỗn loạn và mất kiểm soát. Đến lúc vua Quang Trung xua quân tràn lên, cả đàn voi tự động xếp hàng dài, nép vào một vách núi để quân Tây Sơn chạy bộ ào lên tiêu diệt quân Thanh. Cảnh quay này cực kỳ nguy hiểm vì binh lính Tây Sơn tay cầm gươm, giáo, tay cầm đuốc, lửa cháy phừng phừng, nóng rực rất dễ kích động đàn voi. Nhưng rồi mọi chuyện đều tốt đẹp, dường như vua Quang Trung linh thiêng đã phù hộ chúng tôi thực hiện bộ phim này. Quay xong những đại cảnh có voi tham chiến mà không ai bị thương là điều quá may mắn”, Lý Hùng nhớ lại.

NSND Lý Huỳnh cùng vợ và hai con: diễn viên Lý Hùng và Lý Hương

Ảnh: Lữ Đắc Long

Từng hạ gục võ sĩ Pháp và thách đấu Lý Tiểu Long

Diễn viên Lý Hùng luôn xem cha là thần tượng. “Từ nhỏ tôi chẳng bao giờ nghĩ mình trở thành diễn viên điện ảnh bởi gần như thú vui của tôi ngoài giờ học là… võ đài. Mới 5, 6 tuổi, ba (NSND Lý Huỳnh - NV) đã cho luyện những thế võ Thiếu lâm tự đầu tiên, tiếp đến là Vovinam rồi quyền anh. Mới 17 tuổi, tôi đã là võ sư. Ba chính là thần tượng của tôi lúc ấy và tôi mơ có một ngày được thượng đài như ông, thi đấu với những võ sư danh tiếng đến từ các nước. Tuy nhiên mẹ lại không muốn tôi lao vào nghiệp võ vì từng chứng kiến cảnh ba bị “bầm dập” như thế nào trên võ đài, đôi khi đổ cả máu. Bà cứ nói với tôi rằng: “Mình đánh người ta 3, 4 cái thì cũng phải nhận lại ít nhất là đôi ba cú đấm, đá”. Ngày xưa ba tôi từng được mệnh danh là “Nam kỳ Tứ tú”, từng hạ gục võ sĩ vô địch quân đội Pháp là Léauté Francoise", Lý Hùng nói về cha mình bằng những lời trân trọng.

Võ sư Lý Huỳnh (trái) thời trẻ và võ sĩ Pháp Léauté Francoise

ẢNH: L.Đ.L CHỤP LẠI T.L

Võ sư, nghệ sĩ Lý Huỳnh cũng là người được báo giới miền Nam trước 1975 và Hồng Kông đăng tin thách đấu với Lý Tiểu Long. Năm 1972, khi Lý Huỳnh đang là một võ sư nổi tiếng cả trên võ đài lẫn màn ảnh thì báo chí Sài Gòn đồng loạt đăng tin: “Võ sư - diễn viên Lý Huỳnh đòi thách đấu Lý Tiểu Long”. Khi đó Lý Tiểu Long là ngôi sao điện ảnh thế giới với những bộ phim võ thuật ăn khách như Long tranh Hổ đấu, Tinh võ môn, Mãnh Long quá giang, Đường Sơn đại huynh... nên việc một võ sư Việt Nam nổi tiếng thách đấu thực sự là chuyện đình đám.
Người viết từng gặp NSND Lý Huỳnh cách đây nhiều năm, ông kể: “Vì tự ái dân tộc tôi nhận lời từ câu hỏi của võ sư Hồng Kông Hàn Anh Kiệt (từng đóng vai ông chủ hãng nước đá trong Đường Sơn đại huynh – NV): "Dám đấu với Lý Tiểu Long không?" khi Hàn Anh Kiệt sang Việt Nam những năm 1970 tìm diễn viên cho phim Long hổ sát đấu do hãng Trần Quốc Bình trong Chợ Lớn (TP.HCM) sản xuất. Với tôi, Lý Tiểu Long không chỉ là một diễn viên mà còn là một võ sư bậc nhất thế giới. Được đấu võ với Lý là một vinh dự lớn, tiếc rằng Lý mất quá sớm”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.