NSND Vương Hà cho biết khoảng năm 1997-1998, cô và 7 cô đào khác của 5 đoàn cải lương ở miền Bắc có cơ hội tham gia khóa tập huấn do Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch tổ chức. NSND Bạch Tuyết là người đứng lớp về nghệ thuật ca - diễn. Vai diễn tốt nghiệp của khóa học ấy là Thái hậu Dương Vân Nga trong trích đoạn Hoàng hậu hai vua.
“Thời điểm đó chúng tôi thiếu thốn rất nhiều. Nhưng tình yêu nghề đã giúp chúng tôi vượt qua tất cả. Cô trò phải tập luyện trong thời tiết oi bức. Hôm trời mưa, nước chảy lênh láng. Cô trò phải dùng giẻ lau cho sạch sàn tập”.
Theo lời NSND Vương Hà, lần đầu xem NSND Bạch Tuyết diễn trên sân khấu, cô nghĩ mình khó chạm đến được. “Tuy nhiên, trong khóa học đó, chúng tôi may mắn được cô chỉ dạy vai Thái hậu Dương Vân Nga. Điều cô dạy chúng tôi đầu tiên là phải thuộc kịch bản, thuộc lời. Chỉ trong một tuần chúng tôi học xong trích đoạn này. Tôi kính nể sự sáng tạo của cô. Kịch bản Hoàng hậu hai vua được cô biên tập lại ngắn gọn trong vài tờ giấy. Tôi không dám tin một vai diễn đồ sộ có thể được gói gọn như thế”, cô kể.
NSND Vương Hà cho rằng để một nghệ sĩ thành công ngoài tài năng còn là sự biết ơn với Tổ nghề, tiền bối… đã dìu dắt mình. Cô nói thế hệ vàng của cải lương như NSND Bạch Tuyết, NSND Minh Vương, NSND Lệ Thủy, NSND Thanh Kim Huệ… đều là những tấm gương cho thế hệ đi sau noi theo.
NSND Vương Hà cũng ủng hộ sự đổi mới trong cải lương với thế hệ trẻ sau này. Theo cô, điều cần giữ là nền tảng, sau đó phát triển thêm. “Hơi thở thời đại chắc chắn tồn tại trong các bạn trẻ rồi. Vì thế, chỉ cần nền tảng vững chắc, hòa quyện sự đổi mới sẽ thành công. Ví dụ điển hình là Về nghe mẹ ru của cô Bạch Tuyết và Hoàng Dũng”, cô phân tích.
Nữ nghệ sĩ cho rằng mỗi thế hệ đều có xu hướng tiếp nhận khác nhau. Chẳng hạn, người trẻ thích sự tươi mới, đơn giản, còn thế hệ cũ có thể thích chất truyền thống hơn. “Vì thế, cải lương cũng cần có sự thể hiện đa dạng để đáp ứng đối tượng khán giả trải rộng”, NSND Vương Hà bộc bạch.
Bình luận (0)