NSƯT Hải Phượng: Âm nhạc dân tộc chưa được phổ biến tốt

Nguyên Vân
Nguyên Vân
07/07/2019 09:00 GMT+7

45 năm gắn bó với đàn tranh, với âm nhạc dân tộc, NSƯT Hải Phượng đưa tiếng đàn của mình chu du hàng chục nước. Sau mỗi lần trở về, chị càng mong muốn được đóng góp nhiều hơn cho âm nhạc dân tộc nước nhà.

Hiện tại CLB Tiếng hát quê hương của chị đang tổ chức (cũng như vận động hỗ trợ kinh phí) Liên hoan Em yêu đàn tranh lần 2, dành cho các em 15 tuổi trở xuống. Theo chị: “Khi trẻ em đi thi thì có bố mẹ, ông bà… đưa đi, như vậy sẽ nối kết được cả gia đình, tính lan tỏa vì thế cũng rộng rãi hơn”.
Gần đây, Hải Phượng còn là một trong những nghệ sĩ khách mời của các hoạt động thuộc chuỗi dự án Di sản kết nối (dự án nhằm giúp nhiều cộng đồng khác nhau đóng góp và hưởng lợi từ sự bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa phi vật thể) do Hội đồng Anh tại VN tổ chức. “Lẽ ra các hoạt động này phải do VN mình chủ động thực hiện, chứ không phải nhờ đến “người khác”. Vì trong nước, chính mình mới biết mình đang thiếu gì, cần gì và phải làm gì để bảo tồn”, Hải Phượng chia sẻ.

Hải Phượng (trái) cùng thầy là GS Trần Văn Khê và các nghệ sĩ tại Nhạc hội đàn tranh châu Á lần 1

Ảnh: N.V

Chị cho rằng: “Về mặt bảo tồn, chúng ta có. Vì từ những năm 1970 - 1980, khi nhạc sĩ Lưu Hữu Phước còn sống, làm việc ở Phân viện Văn hóa Nghệ thuật VN tại TP.HCM, đã mời các thầy - những tên tuổi lớn, những ngón đàn cùng thời với nhạc sư Vĩnh Bảo - đàn và thu âm lại tất cả những bản tổ của nghệ thuật đờn ca tài tử để làm tài liệu. Có cả những giọng ca như cô Bạch Huệ (nghệ nhân dân gian Bạch Huệ), thầy Tấn Đạt (NSƯT Tấn Đạt)… cũng còn được giữ lại hết. Mà tài liệu đó đến nay không phải ai cũng biết, người muốn tìm hiểu cũng chưa chắc biết tìm ở đâu! Dù tất cả tài liệu, từ đờn ca tài tử đến các lễ hội, có lẽ đang nằm ở viện thôi, nhưng để tiếp cận nguồn tài liệu đó thì không phải dễ. Đó là điều đáng tiếc”.

Cần có kênh riêng cho đờn ca tài tử

Nhìn lại những nghệ sĩ ra nước ngoài có vị trí trên thế giới thì đều đi từ cái gốc là chất liệu âm nhạc dân tộc. Bên cạnh những giá trị học được của phương Tây, phải có những điều tuyệt vời mang dấu ấn của dân tộc mình 

Hoạt động lâu năm trong lĩnh vực âm nhạc dân tộc, chị có thể đề xuất cách thức phổ biến loại hình này, một cách khả thi?
Các nghệ sĩ hiện nay hầu như đều có kênh YouTube của mình, có ca sĩ đã lấy nút vàng nút bạc, thì tôi nghĩ nếu lĩnh vực âm nhạc dân tộc, cụ thể như đờn ca tài tử mà có kênh chính thống có lẽ cũng không quá khó để được như thế. Bởi vì chúng ta có nhiều tài liệu quý. Ngoài 20 bản tổ, khi đờn ca tài tử được UNESCO vinh danh thì trước đó chúng ta phải làm hồ sơ; bộ hồ sơ này cũng được đi qua nhiều địa phương thực hiện rất tỉ mỉ, và cũng là tài liệu cần được phổ biến. Nếu có một kênh riêng, tôi nghĩ việc quảng bá, “nuôi dưỡng”, phát triển cũng không phải khó.
NSƯT Hải Phượng: Âm nhạc dân tộc chưa được phổ biến tốt

NSƯT Hải Phượng

Ảnh: Hữu Vinh

Nhưng hiện nay, gõ từ khóa “20 bản tổ” vẫn có thể tìm được để tham khảo trên một số kênh YouTube?
Đúng là có, nhưng những bài được đưa lên YouTube đều do cá nhân, không phải là một tổ chức mang tính chính thống. Mà đúng ra, sau khi đờn ca tài tử được vinh danh thì chúng ta phải có một kênh riêng, chính thống. Kênh này sẽ phải thường xuyên cập nhật từ cổ (tư liệu) tới kim (những cái mới) để công chúng, người quan tâm, nghiên cứu có thể tiếp cận được. Nó phải được sống với quần chúng, được phổ biến để người nghe nhận biết ngày xưa các cụ đánh như thế thì bây giờ mình sẽ học sao cho đúng, phát triển sao cho hay mà hợp lý. Tài liệu đó giúp người học hôm nay có sự so sánh để tự điều chỉnh.
Thật ra lâu nay sinh viên của chúng tôi thường xuyên cần và xin thì viện sẵn sàng tìm kiếm, cung cấp. Chỉ là viện không có bộ phận để làm chuyện phổ biến tài liệu thôi.
Do đó, bây giờ có nhiều lễ hội được (bị) làm… lệch chuẩn. Vì sao? Vì người làm không có những tài liệu truyền lại từ đời trước.

Sinh viên học nhạc cụ dân tộc nhiều, nhưng...

Được biết, từ năm 2017, sinh viên theo học chuyên ngành nhạc cụ dân tộc của Nhạc viện TP.HCM và các trường nghệ thuật thuộc Bộ VH-TT-DL được giảm 70% học phí so với sinh viên các ngành khác. Theo chị, đầu vào của chuyên ngành này có khả quan hơn trước đó không, và đầu ra thì sao?
Thật sự là các em thi vào đông hơn nhiều. Nhưng không phải lý do chỉ vì học phí giảm. Mà bởi những năm gần đây trên truyền hình, YouTube (chủ yếu của ca sĩ) có những game show, chương trình có sử dụng nhạc dân tộc, và các em xem thấy thích.
20 năm đứng lớp, học trò của tôi chỉ có 1 em bỏ ngang vì lý do gia đình. Cả trong khoa âm nhạc dân tộc cũng ít có trường hợp bỏ ngang, vì thật ra các em phải thật đam mê mới thi vào.
NSƯT Hải Phượng: Âm nhạc dân tộc chưa được phổ biến tốt

Nghệ sĩ Hải Phượng biểu diễn trong chương trình Duyên dáng Việt Nam ở Singapore năm 2007

Ảnh: Ngọc Hải

Dù sinh viên học âm nhạc dân tộc đông nhưng các nhóm nhạc dân tộc ở TP.HCM (cũng như cả nước) vẫn không nhiều?
Thật ra việc lập nhóm nhạc dân tộc biểu diễn ở các sự kiện, hay chơi cho các nhà hàng rất nhiều. TP.HCM có nhiều nhà hàng phục vụ khách nước ngoài (thường thích thưởng thức âm nhạc dân tộc khi đến VN), nên các sinh viên cũng chạy show dữ lắm.
Không chỉ ở VN, mà các nước khác cũng vậy, việc đào tạo một sinh viên ngành nhạc rất khó, mất thời gian, mà ra đời không chắc chắn các bạn sẽ có hoạt động nghề nghiệp tốt. Như Mỹ, hằng năm ra trường hàng ngàn “cây” violon nhưng dàn nhạc ở Mỹ thì đã định hình rồi, đâu phải lúc nào cũng có chỗ trống để có thể thi vào. Cũng không ai chắc chắn học nhạc xong sẽ kiếm tiền tốt và sống được bằng nghề nhạc.
Đó là lý do vì sao nhà trường đào tạo nhiều “món” để ra trường các em không biểu diễn thì có thể đứng lớp dạy ký xướng âm, dạy ở những trường tiểu học hay trung học, làm ở nhà văn hóa…

Tạo sự khác biệt từ chính bản sắc văn hóa dân tộc

Chị nghĩ gì khi gần đây, các ca sĩ thực hiện nhiều dự án âm nhạc trong đó kết hợp âm nhạc dân tộc?
Đó cũng là cách làm mới của nghệ sĩ, nhưng cũng phản ánh xu hướng người ta cần phải tìm những gì độc đáo, khác biệt, từ chính bản sắc văn hóa dân tộc mình, để tạo dấu ấn cho chính mình. Ví dụ tại sao bài Despacito nổi tiếng toàn cầu, theo tôi, là vì nó có tính dân tộc trong đó.
Nhiều nghệ sĩ VN như anh Nguyên Lê hay sau này là Ngô Hồng Quang được thế giới biết đến từ các dự án âm nhạc trong đó luôn kết hợp với chất liệu âm nhạc truyền thống VN.

Ai cũng phải tìm kiếm chất liệu cho mình để tạo dấu ấn. Nhìn lại những nghệ sĩ ra nước ngoài có vị trí trên thế giới thì đều đi từ cái gốc là chất liệu âm nhạc dân tộc. Bên cạnh những giá trị học được của phương Tây, phải có những điều tuyệt vời mang dấu ấn của dân tộc mình. Như nghệ sĩ Trí Nguyễn, dù đánh piano rất giỏi vẫn phải tìm những chất liệu dân tộc với cây đàn tranh cho những sáng tác của anh mang màu sắc riêng.

Chị có đang nghĩ đến dự án mang dấu ấn như thế?
Tôi đang tiến hành đấy chứ, dù hơi lười và ham chơi (cười). Dự kiến là đĩa than, sẽ hạn chế lượng người nghe, nhưng bù lại âm thanh quá tuyệt vời. Tôi chỉ mới thu được một bài thôi.
Đĩa này không dành cho đại bộ phận công chúng VN mà đi thị trường nước ngoài. Âm nhạc vừa mang tính cổ truyền, vừa có cái mới ở mức độ vừa phải. Nhạc cụ chính có 3 đổ lại: đàn tranh, nguyệt hay một giọng ca nào đó.
Nếu có mong ước dành cho âm nhạc dân tộc, điều chị nghĩ đến đầu tiên là gì?
Mong muốn thì nhiều, không phải một người nói một lần… Nhưng nếu nói vấn đề cụ thể, mà tôi nghĩ thành phố có thể làm được, là sử dụng nhà của thầy Trần Văn Khê làm điểm du lịch. Lưu diễn nhiều và có cơ hội tham quan nhiều, tôi thấy những nơi đó có khi là nhà của nhà thơ Puskin, lăng mộ của Tagore, cũng đi một vòng rồi ra, và hết. Nhưng nhà thầy Khê, khi thiết kế lại để tham quan, sẽ có cái mà những nơi khác không có, là biểu diễn. Mà biểu diễn thì dưới sự quản lý của Sở VH-TT, không thiếu các đoàn nghệ thuật luân phiên nhau (chưa kể các đoàn tư nhân), có thể giới thiệu về các loại hình từ cải lương, múa rối, hát bội, chèo…
Thành phố đang muốn đẩy mạnh hoạt động đưa du lịch đến nhà các nghệ sĩ tham quan. Đó là dự án hay. Nhưng bên cạnh dự án này dành cho du khách, phải có sân khấu nào dành cho chính những nghệ sĩ biểu diễn, cũng là phục vụ nhu cầu thưởng thức của du khách và công chúng trong nước.
Mà thực tế thì TP.HCM quá ít sân khấu như vậy. Thậm chí điểm sinh hoạt cho chính chúng tôi cũng không đủ.

Tiếng đàn tranh qua 3 thế hệ


Tiến sĩ - NSƯT Hải Phượng tên đầy đủ là Nguyễn Thị Hải Phượng, sinh năm 1969, trong gia đình có truyền thống âm nhạc dân tộc. Từ 5 tuổi, chị đã được mẹ - Nhà giáo Ưu tú Phạm Thúy Hoan (Trường Quốc gia âm nhạc lúc bấy giờ) truyền dạy về đàn tranh; 7 tuổi chị được theo học đàn tranh tại Nhạc viện TP.HCM, khóa đầu tiên (1976). Chị hiện là Phó trưởng khoa Âm nhạc dân tộc, Nhạc viện TP.HCM.
Trong chuyên ngành sư phạm biểu diễn nhạc cụ dân tộc, Hải Phượng là một trong hai thạc sĩ đầu tiên của nhạc viện lúc đó. Năm 1981, Hải Phượng cùng mẹ và em gái - nghệ sĩ Hải Yến thành lập CLB Tiếng hát quê hương.
Năm 1993, chị sang Paris (Pháp) cùng GS Trần Văn Khê thực hiện đĩa nhạc La Music Hier et Aujourd’hui?. Đĩa chương trình do nhóm Tiếng hát quê hương của chị biểu diễn trong lần dự liên hoan âm nhạc ở Nhật hiện được lưu giữ tại nhiều thư viện ở Nhật và Mỹ. Cá nhân chị đã có 7 CD gồm độc tấu đàn tranh, hòa tấu tranh - sáo - bầu hay chuyên về nhạc cổ truyền.
Chị đã tham gia trình diễn tại nhiều liên hoan âm nhạc và các sự kiện âm nhạc lớn ở hơn 20 nước. Gần đây nhất, chị tham gia nhóm thực hiện CD kêu gọi bảo vệ môi trường, do nhạc sĩ Ấn Độ khởi xướng. Sau khi ra mắt, nhóm được mời đi nhiều nước để quảng bá đĩa cũng như đánh động việc bảo vệ môi trường bằng âm nhạc.

Cống hiến bền bỉ cho âm nhạc dân tộc

NSƯT Hải Phượng được đồng nghiệp đánh giá cao về tình yêu nghề và những cống hiến bền bỉ cho nền âm nhạc dân tộc của nước nhà, được khán giả yêu mến nhiều năm qua. Tên tuổi chị được xem là sự bảo chứng cho những sản phẩm nghệ thuật chất lượng, đậm bản sắc dân tộc và tinh tế. Những chương trình nghệ thuật lớn của TP.HCM hoặc lưu diễn ngoài nước, với những tác phẩm có sự tham gia của NSƯT Hải Phượng đều để lại ấn tượng tốt đẹp. Là giảng viên lâu năm tại Nhạc viện TP.HCM, chị còn tham gia sáng lập và duy trì hoạt động của CLB âm nhạc dân tộc Tiếng hát quê hương với mẹ mình, Nhà giáo Ưu tú Phạm Thúy Hoan - Chủ nhiệm CLB. Từ nhiều năm qua, CLB này đã trở thành điểm hẹn thân quen của đông đảo người yêu thích loại hình nghệ thuật truyền thống của dân tộc, góp phần giữ gìn và lan tỏa vốn quý về văn hóa dân gian thông qua việc giảng dạy những kiến thức, kỹ năng phổ thông về âm nhạc dân tộc. Trong lĩnh vực đào tạo, chị đã góp phần lưu truyền tình yêu đối với âm nhạc dân tộc và những giá trị tốt đẹp đó cho nhiều thế hệ học trò, nhất là đối tượng thiếu nhi của thành phố.
NSƯT Thanh Thúy, Phó giám đốc Sở VH-TT TP.HCM

Là hạt giống quý về âm nhạc dân tộc

NSƯT Hải Phượng: Âm nhạc dân tộc chưa được phổ biến tốt
Hải Phượng là nghệ sĩ biểu diễn nhạc cụ dân tộc đa năng, không chỉ có đàn tranh mà còn nhiều nhạc cụ khác nữa và biểu diễn đều rất thành công. Đóng góp của Phượng không chỉ ở việc phục vụ đồng bào khán giả yêu nhạc VN mà còn góp phần lan tỏa giá trị nghệ thuật âm nhạc truyền thống của VN ra khắp thế giới, bằng hàng trăm cuộc biểu diễn khắp năm châu. Đối với tôi, Hải Phượng vừa là cô giáo, nghệ sĩ và là một trong những hạt giống quý của Nhạc viện TP.HCM về âm nhạc dân tộc. Sở dĩ tôi nói hạt giống quý vì Hải Phượng góp phần cho sự bảo tồn, phát triển nền nghệ thuật âm nhạc dân tộc không chỉ cho nhạc viện, mà còn ươm mầm nảy nở nhiều tài năng trong tương lai cho lĩnh vực này.
NSƯT Tạ Minh Tâm, Phó giám đốc Nhạc viện TP.HCM
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.