NSƯT Hồ Kiểng: Diễn viên đa tài nhất của Guinness Việt Nam

23/12/2005 14:55 GMT+7

Cái số của tôi kể ra cũng… hẩm hiu bởi không được “bô trai”, lại… lùn nên thường dính vào những vai “đau khổ”: không độc ác, xu nịnh thì cũng là bợm nhậu, già dê, không ăn mày thì cũng cơ cực…

Ông được cuốn Guinness Việt Nam (tác giả Huy Vĩnh) ghi nhận là diễn viên đa tài nhất. Số phim ông đóng cũng đáng gọi là “kỷ lục Việt Nam” (127 bộ phim). Thế nhưng ông tự nhận là mình có số phận… hẩm hiu, bởi luôn phải đóng những vai… “đau khổ”.

Trong bộ phim Những nẻo đường phù sa (đạo diễn Châu Huế), Hồ Kiểng đã có một đoạn diễn thật bi thiết, tạo được ấn tượng mạnh cho người xem là cảnh một ông già nghèo khổ đi mò cua, bắt cá trong ruộng bị địa chủ (chủ ruộng) bắt được, buộc ông phải ăn sống những con cá còn dính đầy bùn, giãy giụa trong miệng… Từ đó, gặp Hồ Kiểng ở bất cứ chỗ nào, người ta cũng chỉ chỗ: “Đó, đó! Ông già ăn cá sống đó!”.

Bọn trẻ ở khu vực đường Cao Thắng (Q.3, TP Hồ Chí Minh) đã chỉ cho tôi “căn nhà” của “ông già ăn cá sống”. Đó là căn phòng chứa chiếc máy phát điện dự phòng của khu tập thể Đài Truyền hình. Cơ ngơi của ông là cái gác xép áp mái. “Ở trên đó nóng lắm. Thôi ra quán nước ngoài lề đường ngồi nói chuyện”. Và câu chuyện bắt đầu…

- Tôi sinh năm 1926 tại xã Phước Long (Giồng Trôm, Bến Tre) là con trai độc nhất trong gia đình. Thuở nhỏ tôi rất thèm muốn được đứng trên sân khấu biểu diễn, bất kể là đóng kịch, cải lương hay hát bội. Thuở ấy chưa biết “xi-nê” là… giống gì! 17 tuổi tôi đã được đóng vai chính trong một vài vở kịch, cải lương ở quê nhà. Sau Cách mạng Tháng Tám vì là học sinh lại có khiếu vẽ nên tôi được giác ngộ và tham gia Việt Minh, được kết nạp Đảng lúc 20 tuổi. Sau đó, tôi đi bộ đội và được tập kết ra Bắc, tham gia các đoàn nghệ thuật nghiệp dư, có cả tham gia làm phim hoạt hình… Mãi đến tuổi “băm” tôi mới được về Kịch đoàn điện ảnh của Hãng phim truyện Việt Nam. Phim đầu tiên tôi có mặt là Lửa trung tuyến (1960, đạo diễn Phạm Văn Khoa).

* Trong cuốn Guinness Việt Nam có ghi nhận: “Hồ Kiểng là diễn viên đa tài nhất”. Ông nghĩ sao?

- Đời tôi là những con số: 76 tuổi đời, 53 tuổi Đảng. Đã đóng 127 bộ phim. Lồng tiếng thú (cọp, gà, rắn…) cho 16 bộ phim múa rối; vẽ 4 phim hoạt hình Việt Nam đầu tiên; có mặt trong 304 vở kịch của chuyên mục “Câu chuyện xóm làng miền Nam”,  ngoài chuyên mục này còn tham gia 48 vở kịch khác; xuất hiện trong 12 tuồng cải lương; sáng tác được 662 bài thơ (có 19 bài đã đoạt giải các cuộc thi); viết 241 bài vọng cổ, tiểu phẩm, tấu hài…

* Quả là “những con số biết nói”. Hơn 40 năm trong nghề, đâu là những vai diễn tâm đắc nhất của ông?

- Ngoài vai “ông già ăn cá sống” thì vai ông già mù ăn xin trong phim Cát bụi hè đường (đạo diễn Khánh Dư) đã để lại trong tôi một ấn tượng khó quên. Số là máy quay được đặt bí mật trên một tòa nhà cao tầng. Đạo diễn yêu cầu đóng cho thật đạt, nếu có người cho tiền thì cứ nhận. Ngoài việc hóa thân vào vai diễn, tôi còn sáng tác một bài cải lương theo điệu Huế tình rất dễ… làm mủi lòng người qua đường: “Đời tôi ôi trôi nổi đắng cay. Nhờ cô bác miếng ăn qua ngày. Ơn nghĩa cao dày, củ khoai hạt gạo. Ông cháu tôi cầu xin. Đời tôi ôi một kiếp lênh đênh. Nhờ cô bác bốn phương thương tình. Giúp ông cháu tôi miếng cơm đồng bạc. Sống thác nào quên…”. Kết quả thật bất ngờ, chỉ một đoạn đường khoảng 300 mét mà “ông cháu” (với bé Kim Hiền, 13 tuổi) người ăn xin đã “thu hoạch” được 262.000đ và một ổ bánh mì kẹp thịt của một người đạp xích lô (chưa kịp ăn) trao tặng. Đó là chuyện “sinh nghề”, còn chuyện… “tử nghiệp” thì 3 lần tưởng đã… "đứt bóng": trong phim Rừng xà nu bị ngựa hất té xuống đất, gãy xương sống phải nằm bệnh viện Cao Bằng và Bạch Mai hết một năm. Phim Đêm săn tiền bị rắn hổ mang “hỏi thăm sức khoẻ” phải cấp cứu ở Bệnh viện Sài Gòn. Lần cuối là trong phim Cảnh sát hình sự bị… Đơn Dương ném vào tường, phải… mổ não vì tụ máu. “Quá tam ba bận”, từ nay xin “nghiệp tổ” nới tay…

* Đó là “chuyện nghề”, còn “chuyện nhà”?

- 18 tuổi tôi đã… có vợ nhưng rồi ly dị. Tập kết ra Bắc lại lấy vợ, lại ly dị. Bà cuối cùng là người Huế, “lịch sử cũng… lặp lại”; tôi không ở được trọn vẹn với ai. Nay tôi sống với đứa cháu gái 19 tuổi. Cháu đã thi đậu Đại học nhưng… đành ở nhà vì không đủ sức lo học phí. Lương hưu của tôi mỗi tháng chỉ 400.000 đồng. “Gà trống nuôi con” nên tôi phải xoay xở rất nhiều nghề: đóng phim, ca cải lương, tấu hài, sáng tác kịch bản chập cải lương, tấu hài. Cũng gian nan lắm!

Lên thăm “cơ ngơi” của ông, tôi thật sự ái ngại, xót xa: chiếc thang gỗ ọp ẹp, gần như dựng đứng, chông chênh và một ông già 76 tuổi hàng ngày phải trèo lên, tuột xuống. Cái gác áp mái chỉ vỏn vẹn dăm mét vuông, vừa đủ để kê một giường cá nhân, một bàn nhỏ, một ghế… Cả một đời cống hiến, được khán giả cả nước mến mộ. Vậy mà…

Hà Đình Nguyên
(TN 5/1/2002)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.