6 năm trước, khi đang là giọng đơn ca sung sức của Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam (Hà Nội), NSƯT Hồng Vy theo chồng - nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng, “Nam tiến”. Lần này, chị trở lại Hà Nội với đêm nhạc Tình yêu và đam mê để chinh phục khán giả với dòng nhạc vốn được “gắn mác” hàn lâm: thính phòng cổ điển.
Cách đây 2 năm, chương trình Tình yêu và đam mê do chị khởi xướng diễn ra tại TP. HCM đã gây tiếng vang lớn, nhưng chị đã phải chịu lỗ?
NSƯT Hồng Vy: Đến giờ nhớ lại từng khoảnh khắc trong đêm nhạc, tôi và những người đã “liều” cùng tôi vẫn thấy “sướng” vô cùng. Hiếm khi nào trong đời làm nghề của mình, mình lại có những giây phút thăng hoa tuyệt vời như thế. Mà đã “sướng” như thế thì chuyện lỗ lãi đâu còn quan trọng nữa. Chúng tôi không đặt nặng chuyện lợi nhuận cho chương trình này, và thực sự mình làm cho chính mình, để mình được hát một cách sung sướng, cho nên cái lãi lớn nhất là cảm giác mình có được, cùng với sự yêu thích mà khán giả dành cho. Còn tiền thì kiếm lại mấy hồi (cười).
Năm nay, chị quyết định đưa Tình yêu và đam mê ra Hà Nội. Vì sao vậy?
Đó là một phần chương trình Tình yêu và đam mê đã được diễn trong liveshow của anh Đăng Dương Mặt trời của tôi tại Hà Nội vào năm ngoái, mà theo tôi thấy thì khán giả Hà Nội rất thích.
Đưa cả một show Tình yêu và đam mê ra đây thì hơi khó, nên trước hết, tôi với anh Đăng Dương rủ nhau làm một chương trình trong không gian vừa phải, ấm cúng, theo phong cách thính phòng. Chúng tôi cũng may mắn có được một nghệ sĩ đồng hành nữa là nghệ sĩ piano Thuyên Hà. Tiếng đàn tuyệt vời và phong cách trình diễn của Thuyên Hà chắc chắn sẽ làm cho đêm nhạc này hay và đẹp hơn. Coi như một sự mở đầu cho chuỗi chương trình mà anh em chúng tôi dự tính sẽ làm. Quyết tâm lớn vẫn là đưa Tình yêu và đam mê “phiên bản đầy đủ” đến với khán giả thủ đô.
Đúng như tên của chương trình, tình yêu và đam mê là những gì chị đang dành cho dòng nhạc thính phòng cổ điển. Nhưng “có thực mới vực được đạo”, nhiều người tò mò về “tiềm lực kinh tế” đã giúp chị có thể “chịu chơi” trong những chương trình âm nhạc mang tính hàn lâm tốn kém như vậy?
Nói là chúng tôi tự bỏ tiền túi thì có người không tin, nhưng đúng là như thế đấy. Và có làm mới biết dù là khó, nhưng mình không đến nỗi đơn độc. Hóa ra cũng còn nhiều khán giả ủng hộ mình, chẳng qua họ không tìm được những chương trình phù hợp với họ, nếu có là họ sẵn sàng mua vé ngay.
Tôi luôn có niềm tin là ít nhất ở những thành phố lớn như Hà Nội hay TP.HCM luôn có một số lượng không nhỏ khán giả tinh hoa, muốn thưởng thức những tác phẩm âm nhạc tinh túy của Việt Nam và thế giới.
|
Mình đã theo đuổi những dòng nhạc như vậy thì hãy biết cách tìm đến những khán giả như thế. Không phải lúc nào cứ choáng ngợp lộng lẫy mới thu hút người xem. Giản dị, chân tình, ấm cúng và tôn vinh âm nhạc tối đa thì khán giả cũng vẫn tìm đến. Còn nói về tiềm lực kinh tế thì thực tế là chúng tôi chạy sô để có những lúc được làm nghề như thế này. Tất nhiên, không thể đắt sô như ngôi sao nhạc trẻ, nhưng cũng không đến nỗi nào.
Có nghịch lý không khi để thực hiện chương trình cho riêng mình, những ca sĩ thính phòng cổ điển đã phải rất nỗ lực, nhưng có vẻ họ lại khá “đắt sô” trong các hội nghị?
Show hội nghị thì không chỉ ca sĩ thính phòng, mà ca sĩ dòng nào cũng có cơ hội. Tuy nhiên, có những dạng hội nghị đặc thù thì đúng là ca sĩ thính phòng - cổ điển, hay ca sĩ dòng nhạc dân gian có nhiều show hơn. Dù sao thì chúng tôi cũng rất cảm ơn các nhà tổ chức những chương trình hội nghị và cả các doanh nghiệp đã luôn nhớ đến chúng tôi. Anh Đăng Dương mới là ca sĩ đắt sô hội nghị, còn tôi thì cũng bình thường thôi. (cười).
Chính tình yêu và đam mê đã gắn bó tôi với dòng nhạc này. Lúc tôi mới chuyển vào TP.HCM cũng có nhiều bạn bè là người trong giới âm nhạc ở đó gợi ý tôi hát nhiều dòng nhạc khác có thể gần gũi khán giả hơn, dễ có show hơn, và họ nghe tôi hát họ nghĩ tôi hát ngon lành các thể loại ấy.
Tôi cũng thử và thấy mình cũng có thể hát được nếu muốn. Cái chính là chữ “muốn” ấy. Có lẽ, tình yêu của tôi dành cho các dòng nhạc khác chưa mạnh như với dòng nhạc thính phòng. Mình đã yêu thì đôi khi chấp nhận mù quáng chút đi. Như người ta đã yêu say đắm thì bất chấp giàu nghèo vẫn đến với nhau. Mình đam mê rồi thì tạm coi chuyện tiền đứng thứ hai, thứ ba, thứ tư đi.
Sau chương trình tại Hà Nội, những dự án ấp ủ tiếp theo của chị trên con đường nghệ thuật là gì?
Trước mắt, tôi vẫn muốn làm những đêm nhạc nho nhỏ như thế này. Tôi may mắn có được người đồng hành là anh Đăng Dương, người tôi luôn kính trọng về tài năng và cả cách sống của anh. Chúng tôi sẽ biểu diễn cùng nhau nhiều hơn. Những chương trình lần sau sẽ có thêm những nghệ sĩ khác.
Dòng nhạc của chúng tôi đã là chuẩn mực rồi nên cũng không phải quá lo nghĩ nhiều đến chuyện làm mới hay gây sốc làm gì. Cứ trân trọng tác phẩm, trân trọng những khán giả của dòng nhạc ấy và quan trọng là nuôi dưỡng tình yêu và đam mê, thì mình sẽ tới đích con đường mình muốn đi thôi.
Bình luận (0)