img
NSƯT HỮU CHÂU: “Chỉ mong góp cho đời những giá trị nghệ thuật tử tế” - Ảnh 1.

 

Xin hỏi anh, nếu tính từ năm 1985 anh tốt nghiệp Trường Sân khấu - Điện ảnh TP.HCM, đến nay anh đã gần 40 năm theo nghề hát. Anh có thể đúc kết về nghề của mình như thế nào? Người ta hay nói nghệ sĩ là "chiến sĩ" trên mặt trận văn hóa, anh thấy có đúng không?

À, nếu tính luôn lúc má tôi mang thai tôi mà vẫn lên sân khấu diễn cải lương thì tôi có 57 năm nghề, còn nếu tính từ lúc tôi 3 tuổi được bà nội cho lên sân khấu hát thì tôi cũng 54 năm nghề, và từ đó cứ được diễn hoài, tới 12 tuổi mới chính thức vô trường mà học. Hồi đó còn hệ vừa học phổ thông, vừa học nghề, chúng tôi còn nhỏ xíu. Nói vui như vậy để chứng minh một điều là tôi... không biết làm cái gì hết, ngoài chuyện đi hát. Tôi không biết buôn bán, không biết tính toán, kể cả chuyện giữ tiền cũng là bất đắc dĩ, vì tôi lớn nhất trong nhà, lo nuôi mẹ, nuôi em và cháu, thì tôi phải giữ tiền lương của mình để chi cho gia đình.

Tôi không thích đao to búa lớn, tôi chỉ xin nói về nghề của mình là "giống như bao ngành nghề khác". Người ta làm công nhân, bác sĩ, kỹ sư, nông dân, thợ may..., người ta cũng đóng góp rất nhiều cho xã hội. Tôi làm nghệ sĩ, tôi đóng góp cách khác, đơn giản vậy thôi. Chỉ may mắn là nghệ sĩ được nhiều người biết, đi đâu cũng được ưu tiên, sướng quá rồi còn gì! Tôi không dám ảo tưởng mình là "chiến sĩ", chỉ mong mình đóng góp cho đời những giá trị nghệ thuật tử tế là mừng lắm rồi, không làm bậy là mừng lắm rồi.

NSƯT Thành Lộc vai ông Tư, và NSƯT Hữu Châu vai ông Năm trong vở Dạ cổ hoài lang

Vì vậy tôi cảm ơn cái nghề đã cho tôi quá nhiều thứ, cảm ơn khán giả đã thương gia đình Thanh Nga cả trăm năm nay. Tôi cảm ơn bằng cách đi hát cho thật đàng hoàng; đi tập, đi quay cũng thật đàng hoàng. Đã xác định đây là cơm ăn áo mặc, thì phải làm cho tử tế, để khán giả thương mà xem nữa, để nhà tổ chức mến mà kêu nữa. À, tôi nhớ hồi nhỏ, khi diễn xong, ra quán mua đĩa hủ tiếu xào, trả bằng chính tiền cát sê mình vừa lãnh, thiệt vui làm sao! Vậy đó, mình nuôi nghề, và nghề nuôi mình, chính là hạnh phúc.

Anh cũng rất vất vả, thậm chí nguy hiểm khi làm nghề, anh có nghĩ mình "hy sinh" cho nghề?

Trời, hy sinh cái gì! Làm nghề thì phải mệt thôi, chứ khỏe thì đâu có gọi là "lao động". Vậy chứ lúc lãnh lương ngồi ăn cái đùi gà có than mệt không, hay thấy sung sướng? Nói thiệt, lương sân khấu tụi tôi không giàu nổi đâu, và khán giả xem vở là biết chúng tôi đã bỏ sức lao động cỡ nào. Vừa nói, gào, khóc, vừa hành động, hình thể, cải lương thì thêm vũ đạo nữa. Nhiều vai khi diễn xong một lớp, vô hậu trường chỉ biết ngồi thở. Như vai Nguyễn Trãi, cả một trường đoạn phải nói liên tục với nhiều cung bậc tâm lý rất mệt, tôi khan cả tiếng và thở không nổi luôn. Nhưng như vậy mới đúng là nghề. Mình đã chọn nghề thì không than vãn, ngược lại phải hạnh phúc khi có vai hay, vai rút ruột rút gan ra mà diễn.

NSƯT HỮU CHÂU: “Chỉ mong góp cho đời những giá trị nghệ thuật tử tế” - Ảnh 3.

NSƯT Hữu Châu vai Tô Định, NS Hồng Loan vai Trưng Trắc trong Tiếng trống Mê Linh

Với một "lý lịch gia đình nghệ thuật" đáng nể như vậy, có lẽ anh học hỏi được rất nhiều từ gia đình của mình?

Tôi nhớ bà nội tôi có nói câu: "Nghệ sĩ là con ngựa bất kham. Nhưng khi mình thương người ta thật tình thì người ta sẽ chân tình và trung thành lại với mình". Tôi áp dụng câu đó khi dạy học trò, khi dàn dựng vở. Diễn viên có người vầy người khác. Người thì kêu tới nói nhỏ nhẹ đã nghe mình. Người thì phải rầy, phải la mới chịu nghe. Nhưng trên hết vẫn phải xuất phát từ tình thương, lòng thông cảm, đừng ỷ thế áp đặt, thì họ sẽ hợp tác tốt với mình.

Ngoài ra, bà nội, cha mẹ, cô chú tôi đều làm nghề rất nghiêm túc, đó là bài học đạo đức mà tôi học suốt đời. Đặc biệt không ai có "bệnh ngôi sao". Chảnh là bị nội trị liền. Nhìn lại, tôi có bằng cô Ba Thanh Nga và chú Sáu Bảo Quốc không, mà dám chảnh? Và đặc biệt nữa, là không bao giờ tìm hiểu mức lương của người khác. Nội và má tôi nói: "Khi con để ý đến điều đó thì tự khắc sinh tâm bực bội, ganh tị, không chuyên tâm làm nghề. Nếu thấy người ta trả lương cho mình phù hợp thì mình vui vẻ nhận, rồi thôi, khỏi so đo với người khác làm gì".

Nhưng thật ra khi tôi ra trường thì nơi tôi học được nhiều nhất chính là đoàn kịch Kim Cương. Tôi được diễn chung với ngoại Bảy Nam, ngoại Năm Sa Đéc, chú Vân Hùng, cô Kim Cương... Đó là những người thầy dạy cho tôi rất nhiều, và giai đoạn đó là giai đoạn hạnh phúc nhất của tôi. Có lúc diễn suốt 7 tháng trời, đi dài từ Sài Gòn ra các tỉnh miền Trung, tới Quảng Trị, rồi từ Quảng Trị đi ngược vô, ghé diễn khắp các tỉnh, vui không kể xiết, tới đâu khán giả cũng chào đón tưng bừng.

NSƯT HỮU CHÂU: “Chỉ mong góp cho đời những giá trị nghệ thuật tử tế” - Ảnh 4.

Tôi học ở ngoại Bảy Nam là bất kể suất đó mình có mặt lúc nào thì mình vẫn đến sân khấu từ đầu khi chưa mở màn. Như bây giờ, vở 12 bà mụ, đến 10 giờ 40 mới tới vai của tôi xuất hiện, nhưng từ 7 giờ tôi đã đến rạp, ngồi hóa trang hoặc ngồi chơi với anh em. Tôi đã xác định đêm nay mình đi hát, thì phải đi hát, ai muốn rủ đi đâu xin từ chối, muốn gì thì chờ vãn hát tôi mới đi. Bởi vậy không bao giờ có chuyện đến trễ, hoặc lính quýnh, làm phiền người khác. Tôi còn học ở ngoại nữa, là khi vô hậu trường chuẩn bị hóa trang, đầu tiên phải nhìn lên sào đồ, coi trang phục của mình đầy đủ chưa, hay quên cái này, thiếu cái kia, hư cái nọ, thì còn kịp bổ sung. Nhớ phong thái của ngoại Bảy, lúc nào cũng từ tốn, nhẹ nhàng, thư thả, là nhờ vậy đó. Ngoại nói: "Mình nên nhớ chén cơm không chỉ của mình, mà còn của nhiều người trong đoàn, đừng gây ảnh hưởng".

Ngoại Năm Sa Đéc thì dạy tôi sự tinh tế, tỉ mỉ. Ngoại đóng vai bà hội đồng trong vở Lá sầu riêng, lấy cây son thoa một chút lên mu bàn tay, rồi lại lấy vaseline thoa lên. Ngoại nói: "Bà hội đồng bất cẩn nhúng tay vô thau nước nóng của cô Diệu bưng vào, thì tay bị phỏng, mà phỏng thì phải ửng đỏ như vầy nè". Chúng tôi chỉ biết thán phục.

NSƯT HỮU CHÂU: “Chỉ mong góp cho đời những giá trị nghệ thuật tử tế” - Ảnh 5.

NSƯT HỮU CHÂU: “Chỉ mong góp cho đời những giá trị nghệ thuật tử tế” - Ảnh 6.

Anh đã trải qua nhiều sân khấu, như đoàn Kim Cương, sân khấu 5B, Nhà hát Hòa Bình, kịch Sài Gòn, kịch IDECAF, và nay là Thế Giới Trẻ. Anh cũng có đủ các loại vai, từ vai bi (như Nguyễn Trãi trong Bí mật vườn Lệ Chi, ông Năm trong Dạ cổ hoài lang…), vai độc (như Tô Định trong Tiếng trống Mê Linh…), vai lẳng (như Lỗ Quý trong Lôi Vũ…), và nhiều nhất là vai hài. Chưa kể mấy chục vai trong chương trình Ngày xửa ngày xưa khiến khán giả nhí mê mẩn. Anh yêu thích loại vai nào nhất?

Loại vai nào tôi cũng yêu thích. Tôi cố gắng làm một diễn viên mà nói theo thuật ngữ trong nghề là "rộng xài", có nghĩa là đa năng. Như vậy mới đủ sống chứ. Tôi dạy học trò cũng khuyến khích các em rèn luyện để được đa năng. Tất nhiên, vai nào ra vai đó, vai nào cũng phải đạt yêu cầu, chứ không phải đa năng là cái gì cũng biết một chút mà không giỏi cái gì. Nếu dàn trải tùm lum thì thà giỏi một cái thôi.

Anh thấy loại vai nào khó nhất? Chắc là bi?

Ồ không. Hài mới khó nhất. Diễn bi nếu khán giả không khóc được thì cũng không sao, có thể họ cũng bùi ngùi, cảm động. Nhưng diễn hài mà khán giả không cười coi như "tiêu".

Thật ra diễn bi rất mệt ở chỗ nó vận vào thần kinh, vào tâm lý rất dữ, diễn xong còn mệt rất lâu. Vì vậy diễn viên giỏi là phải vào vai nhanh và xả vai cho lẹ, nếu không thì chẳng thể nào vào vai mới được, hoặc đem cả nhân vật về nhà, đem tới cả hôm sau, thì sống sao nổi. Cho nên khán giả thường thấy diễn viên chúng tôi đùa giỡn, làm khùng làm điên trên facebook chính là cách xả vai cho nhẹ đó. Xả hết để trở lại cuộc sống bình thường.

NSƯT HỮU CHÂU: “Chỉ mong góp cho đời những giá trị nghệ thuật tử tế” - Ảnh 7.

NSƯT Hữu Châu vai Nguyễn Quốc công, NSƯT Thành Lộc vai vua Lê Thánh Tôn, vở Vua thánh triều Lê

Trên sân khấu thường thấy có những cặp bạn diễn ăn ý, chẳng hạn Minh Vương - Lệ Thủy, Thanh Tuấn - Thanh Kim Huệ, Mỹ Châu - Minh Phụng, Thành Hội - Ái Như, Hồng Vân - Lê Vũ Cầu… đến nỗi khán giả cứ muốn họ diễn chung với nhau hoài. Chắc anh cũng tìm được bạn diễn ăn ý cho mình? Có phải là NSƯT Thành Lộc?

Đúng vậy. Tôi với Thành Lộc diễn chung suốt 27 năm, có lẽ là cặp đôi ăn ý lâu nhất của kịch nói hiện nay. Hai chúng tôi có thể ngồi cùng nhau bàn luận vở diễn, sáng tạo, ứng khẩu cùng nhau ngay trong lúc tập tuồng, tung hứng, phối hợp thật tốt, làm nên những tác phẩm ngoài dự kiến. Tất nhiên, tôi cũng có thể diễn với người khác, nhưng với Lộc vẫn là hạnh phúc nhất.

Giờ anh và Thành Lộc đều nghỉ ở IDECAF, làm sao diễn chung được nữa?

Ồ, vẫn được chứ. Sẽ có những dự án mới để chúng tôi tái ngộ. Chúng tôi đâu có bỏ sàn diễn, không diễn chỗ này thì diễn chỗ khác, con tằm luôn luôn phải nhả tơ. Đời còn dài mà, chúng tôi chắc chắn sẽ sát cánh bên nhau.

NSƯT HỮU CHÂU: “Chỉ mong góp cho đời những giá trị nghệ thuật tử tế” - Ảnh 8.

NSƯT HỮU CHÂU: “Chỉ mong góp cho đời những giá trị nghệ thuật tử tế” - Ảnh 9.

Anh có thấy hiện nay sân khấu đang có tỷ lệ đáng ngại khi hầu hết là hài kịch, còn chính kịch thì quá ít ỏi?

Tất nhiên hài vẫn dễ bán vé, nên nhà đầu tư ưu ái hơn. Nhưng không có nghĩa là chính kịch mất hẳn. Thế Giới Trẻ vẫn có Đời như ý, Ngược gió rất tốt đó thôi, và hàng loạt vở của Hoàng Thái Thanh đều là chính kịch, bi kịch. Vấn đề là phải có kịch bản hay thì mới kéo được khán giả đến rạp. Dù sao mỗi sân khấu đều nên dựng chính kịch vì đó là đất để diễn viên nuôi nghề, rèn luyện bản lĩnh làm nghề, nếu không thị trường sẽ kéo diễn viên đi trượt khỏi những mơ ước thiêng liêng. Tất nhiên, vở hài dễ bán vé thì nuôi được đời sống, nhưng đã làm nghề thì ai cũng mơ ước những vở hay, những vai hay để được thăng hoa.

NSƯT HỮU CHÂU: “Chỉ mong góp cho đời những giá trị nghệ thuật tử tế” - Ảnh 10.

Anh còn một công tác rất thú vị là giảng dạy cho nhiều nơi như trường Sân khấu, lò đào tạo của Hồng Vân, Hoàng Thái Thanh… Anh nhận thấy lớp trẻ hôm nay ra sao? Anh truyền tải những gì cho các em?

Công bằng mà nói, tôi thấy học trò mình thông minh, chịu khó, lễ phép, biết tiếp thu. Có vậy mình mới còn phấn khởi mà dạy. Tôi dạy nghề chủ trương nghiêm túc, nhưng vẫn dành đất cho các em ngẫu hứng sáng tạo. Cây phải có cành lá sum suê thì mới đẹp, miễn đừng đi xa khỏi gốc. Ngẫu hứng, sáng tạo mà không ảnh hưởng tới mục tiêu chính thì cứ làm.

Đôi khi, diễn chung hoặc quay phim chung với người không phải học trò của mình, nhưng tôi vẫn chỉ dẫn kinh nghiệm cho em nếu em chịu nghe. Hôm trước đi quay quảng cáo, tôi đóng vai cha, cậu em kia đóng vai con, tôi hướng dẫn em cách lấy cảm xúc, và truyền cái lửa của mình cho em nương vào mà diễn, dẫn dắt tâm lý cho em khóc được. Vậy là tôi vui rồi.

NSƯT HỮU CHÂU: “Chỉ mong góp cho đời những giá trị nghệ thuật tử tế” - Ảnh 11.

NSƯT Hữu Châu vai pháp sư, NSƯT Mỹ Duyên vai công chúa trong vở Nàng công chúa và chiếc áo tầm gai

Tôi còn dạy học trò về đạo đức làm nghề, y như ngày xưa tôi học được ở các vị tiền bối. Nhất là không được giành vai, diễn hỗn. Trong vở có A thì phải có B, có C; nếu bạn mình đóng chánh thì mình lùi lại một chút, rồi khi tới mình đóng chánh thì người ta sẽ lùi lại; hoặc tới lớp ai thì người đó diễn bật lên, mình đừng ráng chen vô diễn lấn lướt.

Tôi cũng nhắc các em về cách sống, người nghệ sĩ càng giản dị càng được khán giả thương. Tôi chỉ ước sau này mình được mời diễn tới già như cô Phi Điểu vậy đó. Ai cũng kính trọng cô. Làm nghệ sĩ được biết thì dễ, được thương thì khó hơn nữa, và được kính trọng thì cực kỳ khó. Mình ráng rèn luyện thôi.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.