NSƯT Thế Anh: Tuổi sáu mươi, nhìn lại...

23/12/2005 15:36 GMT+7

Gặp anh, người yếu lòng rất dễ bị "ngộ cảm" bởi nụ cười răng khểnh duyên dáng, đầy thách thức. Có lẽ vì vậy mà không mấy ai có thể tin ngay rằng, anh đã ra đời đúng vào năm Mậu Dần... lần trước, nghĩa là cuộc đời đã vừa tròn sáu mươi năm.

Tốt nghiệp loại ưu Trường Nghệ thuật sân khấu VN khóa chính qui đầu tiên năm 1964, Thế Anh đã nhanh chóng được biết đến ở cả hai lĩnh vực: sân khấu và điện ảnh. Trong mắt công chúng, Thế Anh không chỉ là một bác sĩ Hải tài hoa trong vở kịch Đôi mắt, một chàng thủy thủ Rubacốp nồng nhiệt trong Chuông đồng hồ điện Kremli, một anh con trai Paven rực lửa trong Paven Coócsaghin, một Miva Stavinsky, tay gián điệp Đức lịch lãm trong Nila - cô bé đánh trống trận, một thiếu tá Ralph quyến rũ trong Hòn đảo thần vệ nữ... mà còn là một trung úy Phương hào hoa trong phim Nổi gió, một bác sĩ Lê Huy điển trai trong Tiền tuyến gọi, một chiến sĩ Dư đáng yêu trong Đường về quê mẹ... Anh chinh phục trái tim người xem không chỉ vì dáng vẻ "lừng lững" điển trai, mà hơn hết, còn vì khả năng diễn đạt tâm lý nhân vật một cách tinh tế, sắc sảo. Cuộc hành trình đi tìm nhân vật của Thế Anh như kẻ tiều phu vào rừng tìm gỗ quý. Thoạt đầu, anh khiến người xem "hoa mắt" vì nét phong lưu, nhưng càng lúc, nhân vật như càng thăng hoa, thoát xác, để lộ ra những ngóc ngách sâu kín của tâm hồn, bao phủ cả cái hiện hữu bề ngoài của diễn viên. Chẳng mấy ai được như anh, gần bốn mươi năm liên tục sống đời diễn viên, bước vào tuổi lục tuần, vẫn được tín nhiệm vào các vai mang dáng dấp chàng "Don Juan".

Công chúng Sài Gòn vẫn còn nhớ một Thế Anh "bén ngót" trong vai Piôt, anh con trai cả trong vở kịch Người cha thô bạo của Nhà hát kịch VN, được diễn tại rạp Rex vào năm 1983. Người con trai thành đạt nhất của gia đình ấy đã "ăn miếng trả miếng" với ông bố khi ông phản đối việc anh ta cố tình cho xây dựng nhà cao tầng bất chấp hậu quả ô nhiễm môi trường. Tuy đã thành danh với những vai chính diện hào hoa quyến rũ, nhưng ở vai Piốt này, Thế Anh đã vào vai một người con ngỗ ngược. Anh nói, nó càng "mất dạy" bao nhiêu thì càng làm bộc lộ được nhân cách đáng quý của người cha bấy nhiêu. Thời lượng vai diễn của anh xuất hiện trên sân khấu tương đối ngắn, nhưng đoạn cãi nhau giữa hai bố con đã là một cao trào và là một trong những đoạn hay nhất vở. Ngược lại, trong vai Pháp quan Cléon trong vở Eroxtrat, được biểu diễn tại Nhà hát TP.HCM vài năm sau đó, người ta lại được chiêm ngưỡng một Thế Anh khác: đĩnh đạc, uy dũng trong việc đấu tranh quyết liệt với cái xấu. Trên màn ảnh, ngoài một trung úy Phương trong Nổi gió, Ba Duy trong Mối tình đầu là sự giao duyên đầu tiên của anh với khán giả Sài Gòn. Năm ấy, đã bước qua tuổi bốn mươi, Thế Anh vẫn có khả năng làm cho người ta tin mình là một chàng sinh viên hai mươi tuổi, yếu đuối, bạc nhược, không đủ sức giành lại người yêu trong tay gã đàn ông ngoại kiều. Vai diễn đã đem lại cho anh giải nhất diễn viên trong LHPVN lần thứ 5.

Nhưng với Thế Anh, trong số trên 80 vai diễn có được trong gần 40 năm tuổi nghề ấy, "háo hức" trong anh một chút tự hào lại là một vai diễn mà công chúng Việt Nam ít biết đến nhất: vai ông Cọp trong phim Điện Biên Phủ của đạo diễn Pierre Schoendoerffer. Tự hào vì anh là người duy nhất được chọn sau khi đạo diễn đã thử hàng loạt diễn viên. Nhưng tự hào hơn, vì ông Cọp là một vai diễn "không giống ai". Đó là một chủ tiệm buôn người Hoa, một kẻ nương nhờ vào chiến tranh để trục lợi. Suốt mười mấy phân đoạn trên phim, lão ta chỉ có một tư thế là ngồi trước chiếc bàn của mình. Chỉ có khuôn mặt được tham gia diễn xuất mà thôi. Thế Anh vận dụng hết kinh nghiệm nghề nghiệp, đã cho đôi mắt và cặp lông mày phải chở cả gánh nặng tính cách của một tay lái buôn. Vai diễn này, ngay lần thử vai đầu tiên, đã nhận đến ba cái bắt tay chúc mừng của ba phó đạo diễn phim Điện Biên Phủ. Còn đạo diễn chính, cương vị buộc ông kín đáo hơn, nhưng khi chính thức trao lời mời, ông nói với Thế Anh: "Bây giờ thì tôi phải nhờ anh. Chính anh mới là người lái đò qua sông". 5 năm sau, 1997, gặp lại Thế Anh ở Paris, đạo diễn Pierre Schoendoerffer tặng anh cuốn sách về phim Điện Biên Phủ với lời đề tặng: "Vous êtes un grand acteur" (Anh là một nghệ sĩ lớn).

Trong mấy mươi năm làm nghệ thuật, Thế Anh đã đoạt được nhiều phần thưởng, được có mặt tại nhiều LHP quốc tế với tư cách khách mời (Đức, Algérie, Pháp), với tư cách giám khảo (LHP ngắn tại Pháp 1996); có mặt tại sàn diễn Liên Xô, Lào; được Nhà nước trao tặng danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú (1984) và Huân chương chống Mỹ cứu nước hạng 2 (1986). Song song đó, anh còn làm phó đạo diễn cho nhiều vở kịch và phim, được Viện Phát triển châu Á - Thái Bình Dương cấp bằng đạo diễn (1989).

Năm 1998 này, năm đầu tiên bước vào khoảng trời của bậc "nguyên lão". Thế Anh vẫn có sự tươi trẻ của thời trai tráng. Ngày ngày, anh vẫn hăng hái đội mũ ra khỏi nhà, tất bật với hàng "núi" công việc. "Con hổ" trong anh vẫn luôn mai phục để "vồ" mồi! "Vồ" một bộ phim để mình làm vua trường quay chẳng hạn. Bật ra được điều "tế nhị" này, anh thẹn thùng cười, vẫn cái nụ cười răng khểnh!

Cát Vũ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.