Giữ tròn khí tiết
Đêm 22 rạng sáng 23.10.1945, quân và dân Nha Trang - Khánh Hòa đồng loạt nổ súng bắt đầu cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Sau 101 ngày đêm đánh địch tại thị xã Nha Trang, đầu tháng 1.1946, quân ta rút về vùng nông thôn huyện Diên Khánh. Lúc này, Đặng Thị Kim (tên thường gọi là Đặng Thị Oanh) công tác ở Đội tuyên truyền xung phong, hoạt động bí mật tại Nha Trang. Tháng 7.1946, chị được cử vào Ban chấp hành Hội Phụ nữ cứu quốc Nha Trang và tham gia lãnh đạo cuộc biểu tình ngày 30.10.1946, đòi Chính phủ Pháp phải thi hành Hiệp định sơ bộ 6.3 và Tạm ước 14.9.1946. Tháng 12.1946, chị vinh dự được kết nạp Đảng, sau đó được bổ sung vào Ban chấp hành lâm thời Thị ủy Nha Trang.
Đầu năm 1948, địch khủng bố gắt gao, nhiều cán bộ bị bắt và bị giết hại; nhưng Đặng Thị Kim vẫn không nản chí, tiếp tục bám sát địa bàn. Ngoài công tác phụ nữ, chị đã xây dựng một tiểu đội nữ du kích làm nhiệm vụ canh gác, dẫn đường cho cán bộ và tiếp tế lương thực, thuốc men lên chiến khu. Tháng 8.1948, từ Nha Trang, chị cùng hai cán bộ nam đi thuyền qua eo biển về chiến khu ở huyện Vĩnh Xương dự hội nghị, thì bị ca-nô của địch đón bắt. Địch đưa một kẻ phản bội nhận diện và biết chị là vợ ông Trương An, Phó bí thư Tỉnh ủy lâm thời Khánh Hòa.
|
Khí phách anh hùng
Bà Đặng Phi Hoàng, em gái liệt sĩ Đặng Thị Kim, kể: “Trước năm 1954, khi Hải Phòng còn bị địch chiếm đóng, có một thanh niên đến phòng khám đông y (hiệu Chu Sỹ) của ông Nguyễn Tư Phấn, cậu ruột của tôi. Dường như nỗi day dứt, ân hận bao năm khiến anh ta không thể chịu đựng được và thôi thúc anh lặn lội từ Nha Trang ra Hải Phòng. Hai ngày liền, người này xin bắt mạch nhưng lại lân la hỏi ông Phấn có phải người Nam Định không? Khi ông Phấn bảo đúng, anh ta run rẩy kể: “Cháu tham gia công tác thanh niên cùng chị Oanh từ năm 1945. Sau khi mặt trận Nha Trang vỡ, cháu bị ép vào quân dịch. Đêm chị bị sát hại, cháu làm phiên dịch cho viên thiếu úy trẻ người Pháp. Lúc đó, họ tra tấn chị rất dã man. Chị đã trút những lời lẽ căm thù vào bọn họ; chị bảo cháu là kẻ phản bội và nhổ nước bọt vào mặt cháu. Mấy năm rồi, cháu vẫn có cảm giác nước bọt còn dính trên mặt... Sau đó, một tên gí súng vào tai chị và hỏi cần nói gì trước khi chết. Chị điềm tĩnh: “Chúng mày coi tao là có tội thì cứ giết tao, nhưng con tao trong bụng vô tội, hãy để tao sinh con rồi hãy giết...”. Bọn họ định bắn chị ngay tại đó, nhưng sợ tiếng súng có thể làm vang động đến dân chúng địa phương, nơi chị từng hoạt động và có ảnh hưởng rộng lớn, nên đã xúm vào cắt cổ chị... Có lẽ cái chết oanh liệt của chị đã khiến viên sĩ quan trẻ người Pháp khiếp sợ. Ngay trong đêm đó, anh ta viết đơn xin về nước”.
Đặng Thị Kim sinh ngày 19.12.1929 trong một gia đình viên chức nghèo ở làng Hành Thiện, xã Xuân Hồng, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định. Chị cũng là cháu của cố Tổng bí thư Trường Chinh (tức Đặng Xuân Khu). Năm 1945, chị vào Nha Trang sống với cậu ruột là ông Nguyễn Tư Tề. Ông Tề vừa làm nghề bốc thuốc vừa là cơ sở bí mật của ông Nguyễn Minh Vỹ (sau này là Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến hành chính đầu tiên của tỉnh Khánh Hòa). Từ đây, chị đã giác ngộ cách mạng và tham gia kháng chiến. |
Năm 1957, chị được Chính phủ truy tặng bằng Tổ quốc ghi công. Bốn năm sau, chị tiếp tục được Bác Hồ truy tặng Huân chương Kháng chiến hạng III.
Truy điệu tại quê nhà
Đầu tháng 12.2009, một nhà ngoại cảm ở Hà Nội cho gia đình liệt sĩ Đặng Thị Kim biết tại TP Nha Trang vừa tìm thấy 3 ngôi mộ; trong đó phần mộ không có hộp sọ là mộ liệt sĩ Đặng Thị Kim. Theo chỉ dẫn, gia đình chị liên hệ với UBND phường Vĩnh Nguyên, Nha Trang và được biết: từ ngày 15-26.10.2009, khi thi công hệ thống thoát nước ở hẻm 74, đường Trần Phú, đã phát hiện 3 bộ hài cốt (đánh số 159, 160, 161), trong đó một bộ không có hộp sọ; tất cả đã được an táng. Gia đình chị Đặng Thị Kim đã xin phép chính quyền địa phương đưa hài cốt ngôi mộ số 160 (không có hộp sọ) về an táng tại quê nhà; sau đó lấy mẫu để giám định. Viện Công nghệ sinh học (thuộc Viện Khoa học - Công nghệ VN) xác nhận: Mẫu hài cốt đã phân tích (mẫu xương lấy từ hài cốt ngôi mộ số 160) có quan hệ huyết thống với mẫu ADN của ông Trương Việt Dũng là anh em con dì con già với liệt sĩ Đặng Thị Kim.
Hơn 60 năm sau ngày chị hy sinh, lễ truy điệu đã được tổ chức trọng thể tại quê nhà. Cảm kích trước gương hy sinh oanh liệt của chị, Giáo sư - Anh hùng lao động Đặng Vũ Khiêu đã tặng chị câu đối:
Vì nước quên thân, năm tháng chưa khô dòng máu biếc
Về quê gửi cốt, gió mưa vẫn vọng tiếng Oanh Vàng.
Đề nghị truy tặng danh hiệu Anh hùng Nhà thơ Giang Nam, 82 tuổi, nguyên Phó chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, xúc động: “Tôi đã rơi nước mắt khi đọc tài liệu về sự hy sinh oanh liệt của Đặng Thị Kim, người đồng chí cùng hoạt động trên một chiến trường. Tôi vô cùng khâm phục người đồng chí cùng tuổi với tôi nhưng đã sống rất anh hùng, “cứng như thép, vững như đồng”. Tim tôi như muốn vỡ ra khi biết chị đã nói trước lúc hành hình: “Chúng mày coi tao là có tội thì cứ giết tao, nhưng con tao trong bụng vô tội, hãy để tao sinh con rồi hãy giết…”. Một đảng viên trẻ, một bà mẹ mới 19 tuổi và đang mang thai đứa con đầu lòng đã nói những lời mà đến trời đất, quỷ thần cũng phải xúc động! Tôi xin kiến nghị tỉnh Khánh Hòa và TP Nha Trang phối hợp với gia đình liệt sĩ Đặng Thị Kim sớm hoàn chỉnh hồ sơ đề nghị Nhà nước truy tặng chị danh hiệu cao quý: Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”. |
Tìm thấy mộ liệt sĩ Đặng Thị Kim, nhưng gia đình chị vẫn day dứt về hai nấm mộ vô danh số 159 và 161 nêu trên. Đó có phải là hài cốt của hai cán bộ bị sát hại cùng với chị? Theo thông tin từ một nhà ngoại cảm có uy tín, phần mộ số 159 và 161 chính là di hài các liệt sĩ Vũ Tiến Trung (quê Phú Yên), Nguyễn Văn Đài (quê Khánh Hòa). Trong đơn gửi Tỉnh ủy Khánh Hòa, Sở LĐ-TB-XH Khánh Hòa, gia đình liệt sĩ Đặng Thị Kim mong muốn các cơ quan hữu quan nhanh chóng xác định nhân thân hai bộ hài cốt nêu trên và đưa họ về vị trí xứng đáng… Được biết, mỗi năm Viện Khoa học - Công nghệ VN tự bỏ kinh phí 100 triệu đồng để giám định gien hài cốt liệt sĩ. Với kinh phí hạn hẹp như vậy, hằng năm, Viện chỉ có 2 dịp thông báo kết quả giám định nhân ngày Thương binh - Liệt sĩ và ngày Thành lập Quân đội nhân dân. Thiết nghĩ nếu có một dự án cấp quốc gia xây dựng “Ngân hàng ADN hài cốt liệt sĩ vô danh” thì chắc chắn việc tìm kiếm thân nhân liệt sĩ sẽ được nhanh chóng hơn. |
Xuân Hòa
Bình luận (0)