Nữ bác sĩ hết lòng vì trẻ sơ sinh trong câu chuyện của Đại sứ Anh

02/11/2021 09:21 GMT+7

Dù miệt mài ngày đêm ở bệnh viện để cứu chữa cho trẻ sơ sinh, bác sĩ Hằng vẫn đều đặn tham gia các hoạt động của tổ chức Newborns Việt Nam với hy vọng giảm thiểu tỷ lệ tử vong của trẻ.

Mới đây, trang cá nhân của ông Gareth Ward (Đại sứ Anh tại Việt Nam) chia sẻ hình ảnh về buổi nói chuyện với những phụ nữ có đóng góp quan trọng cho xã hội. Bài đăng nhận được nhiều lượt tương tác từ dân mạng. Theo tìm hiểu của Thanh Niên, một trong số đó là bác sĩ (BS) Trần Thị Thanh Hằng (32 tuổi, làm việc ở Trung tâm sơ sinh, BV Nhi Trung ương). BS Hằng thường xuyên tham gia các hoạt động của tổ chức Newborns Việt Nam (NBV).

Yêu thương trẻ, bác sĩ Hằng đã gắn bó với nghề 8 năm nay

DƯƠNG LAN

Cứu sống bé sinh non 25 tuần, nặng 450 gr

Năm 2013, chị Hằng tốt nghiệp đại học y ở Trung Quốc, về nước làm việc ở BV Nhi Trung ương đến nay. Cách đây 4 năm, chị quyết định tham gia tổ chức NBV, sau khi biết tổ chức này từng làm việc với BV sản nhi Đà Nẵng.

“Đó là cơ hội lớn với tôi. Ở Việt Nam chủ yếu đào tạo chuyên môn BS đa khoa nhi chung, còn chuyên sâu về sơ sinh rất ít. Trong khi NBV muốn chuyển tải kiến thức làm nền tảng để có thể thay đổi chất lượng chăm sóc trẻ sơ sinh. Tham gia NBV, chúng tôi muốn thêm kênh mở rộng kiến thức. Có thể nói sự hợp tác này là tư tưởng lớn gặp được nhau. Trong suốt 2 năm, chúng tôi được học tập, thăm khám bệnh nhân cùng các chuyên gia sơ sinh hàng đầu thế giới, lớn hơn là cùng nhau cập nhật, xây dựng những phác đồ điều trị cho trẻ sơ sinh”, BS Hằng chia sẻ, đồng thời cho biết chị và đồng nghiệp trong BV đang cùng NBV xây dựng mạng lưới điều trị trẻ sơ sinh ở Hà Nội, ở đó BV Nhi Trung ương sẽ hỗ trợ tuyến dưới điều trị trẻ sơ sinh từ mức độ thấp nhất.

Theo BS Hằng, thành tựu lớn với sự hỗ trợ từ các chuyên gia là triển khai lồng ấp da kề da (Kangaroo) cách đây 2 năm, từ đó giúp tăng hiệu quả điều trị với trẻ sinh non. Nhờ có mô hình Kangaroo, những trẻ sinh non dù chỉ vỏn vẹn vài trăm gram cũng có thể được ở cùng bố mẹ, thay vì phải cách ly hoàn toàn trong lồng ấp như trước đây.

Bác sĩ Hằng

“Cháu bé nhỏ, nhẹ cân nhất chúng tôi cứu sống đến giờ là bé Ốc. Khoảng tháng 11.2020, bé được sinh khi mới hơn 25 tuần, chỉ lớn bằng cổ tay, nặng 450 gr và phải nằm viện hơn 3 tháng. Sinh non nên não bé chưa phát triển, phổi không thở được, phải giữ ấm, chăm sóc từng li từng tí. Để cứu được bé, tôi và các đồng nghiệp phải sử dụng nhiều biện pháp, phối hợp nhau trong việc hỗ trợ thở máy, dùng các thuốc điều trị nhiễm trùng, chăm sóc tỉ mỉ từng bữa ăn, giấc ngủ… để bé tăng cân, nhưng quan trọng hơn là để bé phát triển bình thường, không để lại những di chứng nặng nề của việc sinh non. Cứu sống được bé như cả công trình thế kỷ, vì đó là nỗ lực của tất cả mọi người, từ bác sĩ, điều dưỡng đến bố mẹ, ông bà”, chị Hằng tâm tình.

Cũng theo BS Hằng, mỗi năm có khoảng 4.000 - 5.000 trẻ sơ sinh được chị và các đồng nghiệp cứu sống. Trong đó có một nửa là các bé sinh non, ngoài ra còn mắc các bệnh như: nhiễm trùng, ngạt…

Yêu thương trẻ nên gắn bó với nghề

Kể về cơ duyên gắn bó với trẻ sơ sinh, BS Hằng cho biết khi đi học chị tìm hiểu thấy ngành nào cũng hay, cũng thích nhưng nhìn những đứa trẻ sinh ra chị thấy yêu thương nên muốn gắn bó. “Trẻ sơ sinh không may mắn không được bố mẹ ở bên trong giai đoạn yếu nhất, mong manh nhất của cuộc đời. Tôi cảm thấy việc cứu sống đứa trẻ như sinh các bé lần thứ hai, điều này rất ý nghĩa. Đó là lý do để tôi đam mê, gắn bó với chuyên ngành sơ sinh. Nhìn những đứa trẻ được cứu sống, bố mẹ hạnh phúc đón con về chẳng có niềm vui nào sánh được”, chị bộc bạch.

BS Hằng chia sẻ chị vừa được làm mẹ năm vừa rồi. Tiếp xúc với các bé nhiều năm trời nhưng khi có con, chị càng thấu hiểu ba mẹ các bé. “Chẳng ngày nào đi về nhà không nghĩ đến BV, hỏi lại BS trực đêm cháu bé mình chăm sóc thế nào. Sáng hôm sau đi làm việc đầu tiên đếm có đủ các bé trong phòng không, vì trẻ sơ sinh diễn biến nhanh lắm. Niềm vui là được bố mẹ các bé báo con tăng cân, thở tốt… Chỉ cần thế thôi là thấy ngày hôm đó đẹp lắm”, BS Hằng tâm sự và “bật mí” chị cùng các đồng nghiệp đang phối hợp với tổ chức NBV triển khai xây dựng mạng lưới các BV với nhau để phân loại, đánh giá, cấp cứu bệnh nhân kịp thời. Ngoài ra, chị cùng tổ chức kêu gọi nguồn tài trợ để xây dựng hệ thống vận chuyển cấp cứu cho trẻ sơ sinh an toàn.

Bà Suzanna Lubran, Giám đốc điều hành tổ chức NBV, cho biết NBV là tổ chức phi chính phủ đến từ Anh quốc, được cấp giấy phép hoạt động tại Việt Nam với sứ mệnh làm giảm tỷ lệ tử vong của trẻ sơ sinh tại các quốc gia Đông Nam Á, đặc biệt ở Việt Nam. Các chuyên gia y tế ở Anh sẽ đào tạo các bác sĩ, điều dưỡng và hộ sinh ở Việt Nam để nâng cao kiến thức, từ đó chăm sóc các bé sơ sinh tốt hơn. Hằng năm sẽ có khoảng gần 200 bác sĩ, chuyên gia ở Anh đến các khoa sơ sinh tại BV Việt Nam, các bác sĩ ở Việt Nam cũng được sang Anh tập huấn. “Năm 2019, BS Hằng đã sang Anh thực tập với giáo sư ở một BV nổi tiếng. Chị đã mang những kiến thức học được ở Anh để cải thiện phương pháp chăm sóc trẻ sơ sinh”, bà Suzanna Lubran cho hay.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.