Medical Daily gần đây đã đăng tải một nghiên cứu của nhóm nhà khoa học tại Đại học UC Berkeley (Mỹ) về sự thay đổi của nụ cười, thông qua một tập hợp hình ảnh kỷ yếu được lưu giữ trong suốt 100 năm qua.
Sự biến đổi của nụ cười có liên quan đến thói quen chụp ảnh trong thời gian qua - Ảnh chụp màn hình Medical Daily |
Để thực hiện quá trình nghiên cứu, Shiry Ginosar, trưởng nhóm nghiên cứu, và cộng sự đã thu thập và quan sát khoảng 38.000 bức chân dung được chụp khoảng giữa năm 1905 cho đến 2013 từ hơn 800 cuốn kỷ yếu của các trường trung học ở 26 tiểu bang Mỹ.
Các bức ảnh được sắp xếp theo giới tính, và mỗi hình ảnh của mỗi thập kỷ được kết hợp lại với nhau để tạo ra khuôn mặt nam, nữ với những đường nét đặc trưng nhất của con người thời đó về tóc, nét mặt và đặc biệt là nụ cười.
Bằng cách đo cường độ của môi, các nhà nghiên cứu nhận thấy độ cong của môi mỗi khi cười đã thay đổi đáng kể trong suốt 100 năm qua.
Cụ thể, độ cong của môi liên tục tăng lên theo thời gian. Ở đầu thế kỷ, độ cong của môi ở nam giới khi cười là 0.5 độ và chỉ biểu hiện như một cái cau mày nhẹ, nhưng đến năm 2005, con số này đã lên 9.5 độ. Trong khi đó, ở đầu thế kỷ, độ cong môi của phụ nữ là 1.2 độ, và cho đến 2005 là 13.5 độ.
Sự thay đổi này được lý giải là do thói quen chụp ảnh của con người trong suốt thời gian qua. Ví dụ, vào cuối thế kỷ 19, con người thường chỉ tạo dáng để vẽ chân dung. Do đó, biểu hiện nghiêm túc, với miệng được giữ ở mức nhỏ là cách dễ dàng duy trì trong thời gian chờ vẽ tranh.
Một phát hiện khác được tìm thấy trong nghiên cứu cho thấy nữ giới có xu hướng mỉm cười nhiều hơn so với nam giới. Các nhà nghiên cứu giải thích, điều này phụ thuộc vào hành vi mỗi giới. Khi họ biết rằng cử chỉ, hành vi của mình đang được để ý, quan sát, họ sẽ tuân thủ một cách tự nhiên các hành vi phản ánh chuẩn mực riêng cho giới tính của họ.
Ngoài nụ cười, phong cách của mỗi thời kỳ cũng có sự khác nhau. Vào những năm 30, kiểu tóc xoăn là xu hướng chủ đạo, trong khi kiểu tóc dày, phồng lên lại phổ biến vào những năm 70, và tóc dài, thẳng cho những năm 2000.
Nhóm nghiên cứu hy vọng sẽ sử dụng số liệu, kết quả quan sát được để nghiên cứu chu trình biến đổi về vẻ ngoài con người.
Bình luận (0)