TNO

Nữ diễn viên Hollywood và sự ra đời nghề nail của người Việt tại Mỹ

08/05/2015 08:10 GMT+7

(Tin Nóng) Hầu hết người Mỹ dễ nhận ra Tippi Hedren, nữ diễn viên vai chính trong phim kinh dị “The Birds” của đạo diễn Alfred Hitchcock, nhưng trong cộng đồng người Việt tại Mỹ, danh tiếng của cô còn quan trọng hơn: Cô đã tạo ra ngành công nghiệp làm móng (nail) trị giá 8 tỉ USD/năm cho cộng đồng người Việt nhập cư, theo trang điện tử TakePart ngày 5.5.

(Tin Nóng) Hầu hết người Mỹ dễ nhận ra Tippi Hedren, nữ diễn viên vai chính trong phim kinh dị “The Birds” của đạo diễn Alfred Hitchcock, nhưng trong cộng đồng người Việt tại Mỹ, danh tiếng của cô còn quan trọng hơn: Cô đã tạo ra ngành công nghiệp làm móng (nail) trị giá 8 tỉ USD/năm cho cộng đồng người Việt nhập cư, theo trang điện tử TakePart ngày 5.5.

Nữ diễn viên Hollywood và sự ra đời nghề nail của người Việt tại Mỹ - ảnh 1
Nghề nail của người Việt đóng góp 8 tỉ USD/năm cho nền kinh tế Mỹ - Ảnh: Shutterstock

Bốn mươi năm trước, diễn viên Hollywood này đến thăm làng Hy Vọng dành cho người Việt Nam gần Sacramento, bang California, nơi có một nhóm phụ nữ vừa rời Việt Nam năm 1975. Hedren nhận thức những khó khăn mà những người này phải đối mặt và cố suy nghĩ về các kỹ năng nghề hoặc buôn bán mà cô có thể giúp các phụ nữ có thể tự mưu sinh.

Khi gặp gỡ, cô ngạc nhiên khi thấy họ say mê các móng tay của mình. Cô nói với đài BBC: “Chúng tôi đang cố tìm hiểu các năng khiếu của họ, tôi đưa đến vài cô thợ may và nhân viên thư ký đánh máy để xem họ có thể học gì đó, nhưng họ lại thích móng tay của tôi”.

Thuận Lê đã có mặt trong “thời điểm chợt lóe sáng” đó. Bà nhớ lại: “Nhóm chúng tôi đang đứng gần cô ấy và thấy móng tay của cô. Chúng tôi trò chuyện và nói móng tay cô trông rất đẹp. Tôi nhìn Hedren và biết cô đang suy nghĩ điều gì đó. Cô ấy nói: Có lẽ các bạn có thể học cách làm móng. Vâng, học cắt sửa móng !”.

Hedren đã bay đi gặp nhân viên thẩm mỹ của mình và nhờ một trường thẩm mỹ địa phương hỗ trợ việc dạy 20 phụ nữ VN cách cắt sửa móng hoàn hảo. Nhiều người trong số các phụ nữ sau đó định cư tại miền Nam California, nơi họ mau chóng cung cấp dịch vụ cắt sửa móng với mức giá thấp hơn so với các đối thủ cạnh tranh. Điều này đã nhanh chóng thay đổi đáng kể bộ mặt của ngành công nghiệp trong khu vực.

Theo Nails, một ấn phẩm thương mại về nghề làm móng: Chi phí cắt sửa móng tay, chân lên đến hơn 50 USD trong các tiệm sang trọng, nhưng trong các tiệm do người Mỹ gốc Việt làm chủ thì giá có thể rẻ hơn từ 30-50%. Ngày nay, ngành cắt sửa móng tay có giá trị đến 8 tỉ USD và 80% kỹ thuật viên làm móng tại miền Nam California là người Việt (cả nước Mỹ là 51%).

Theo BBC, nhiều người trong số họ là hậu duệ trực tiếp của 20 phụ nữ mà Hedren đã gặp trong “ngày định mệnh” ở Sacramento. Bà Hedren nói với trang TakePart: “Tôi yêu mến những phụ nữ đó và muốn điều gì đó tốt đẹp đến với họ”.

Nữ diễn viên Hollywood và sự ra đời nghề nail của người Việt tại Mỹ - ảnh 2
Nữ diễn viên Tippi Hedren với khoá tốt nghiệp nghề nail đầu tiên của các học viên Việt Nam năm 1975 - Ảnh chụp màn hình trang điện tử TakePart

Nữ diễn viên Hollywood và sự ra đời nghề nail của người Việt tại Mỹ - ảnh 3
Nữ diễn viên Tippi Hedren năm 1966 - Ảnh: Getty Images

Trong khi ngành thương mại đã giúp nhiều người ổn định cuộc sống tại Mỹ - theo Nails: năm 2014, người làm móng kiếm được khoảng 645 USD mỗi tuần. Nghề này cũng giúp cho nhiều kỹ thuật viên có thể gửi tiền về cho gia đình tại Việt Nam. Nhớ lại khi bắt đầu làm việc, bà Lê đã cố gửi từ 50-100 USD về nhà mỗi tháng, dù số tiền công đó chỉ đủ trang trải cho riêng bà.

Tâm Nguyễn, người sáng lập và giám đốc trường Advance Beauty College ở Garden Grove và Laguna Hills, California, có mẹ là bạn thân của bà Lê, nói rằng theo những gì đã thấy, ông đoán gần như tất cả người Mỹ gốc Việt trong nghề này vẫn sẽ gửi về một phần thu nhập để hỗ trợ người thân. Theo Reuters, 8% của GDP Việt Nam là từ nguồn kiều hối (khoảng 14 tỉ USD năm nay, tăng từ 12 tỉ USD năm 2014), và một nửa của số đó đến từ Mỹ.

Ông Tâm nói với trang điện tử TakePart: “Đó là động lực của họ. Tôi trò chuyện với những người Việt tốt nghiệp nghề làm móng, họ cho rằng “Cần phải làm việc ngay và có một công việc tuyệt vời để gửi tiền về cho cha mẹ và anh em”.

Theo ông Tâm, sự thành công của người Việt trong nghề này bắt nguồn từ vài yếu tố - ông biểu dương tinh thần kinh doanh và chú ý đến chi tiết, đặc biệt là khả năng nhìn công việc khó khăn trên quan điểm của một người nhập cư: “Khi không có gì ngoài chiếc áo trên người và đến từ những hoàn cảnh đã kinh qua, mọi thứ với bạn đều là màu hồng. Bạn sẵn sàng làm việc để thăng tiến và kiếm sống. Bạn có tính chịu đựng và quyết tâm thành công, làm cho cuộc sống chính mình tốt hơn -đó thực sự là điểm xuất phát tinh thần của người Việt”.

Có vẻ như người Mỹ gốc Việt đã thành công với những gì Hedren bày cho họ trong buổi gặp mặt hôm ấy, nhưng người miền Nam California sẽ mãi biết ơn việc Thuận Lê đã để ý đến đôi tay của nữ minh tinh…

Nữ diễn viên Hollywood và sự ra đời nghề nail của người Việt tại Mỹ - ảnh 4
Nghệ thuật vẽ móng tay - Ảnh: Reuters

P. Ng.Dũng
(tổng hợp)

>> Một người Việt ở Mỹ bỏ túi trên 21 tỉ đồng nhờ bán tờ vé số trúng độc đắc
>> Vì sao hơn 40% người Mỹ gốc Việt ở tại California
>> Một bà mẹ đơn thân người Mỹ gốc Việt trúng số 14 triệu USD

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.