Nữ doanh nhân VN bị sát hại tại Trung Quốc: Người góp công lớn chống chuyển giá

27/09/2015 05:46 GMT+7

Lãnh đạo Cục Thuế tỉnh Lâm Đồng khẳng định để “cuộc chiến” chống chuyển giá ở Lâm Đồng thành công đầu tiên trên cả nước, một phần nhờ sự góp sức của bà Hà Thúy Linh .

Lãnh đạo Cục Thuế tỉnh Lâm Đồng khẳng định để “cuộc chiến” chống chuyển giá ở Lâm Đồng thành công đầu tiên trên cả nước, một phần nhờ sự góp sức của bà Hà Thúy Linh.

Bà Hà Thúy Linh - Ảnh: Lâm ViênBà Hà Thúy Linh - Ảnh: Lâm Viên
Năm 2010, Lâm Đồng là một trong vài tỉnh đầu tiên cả nước thực hiện Đề án chống chuyển giá đối với các doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài (FDI). Lúc đó Lâm Đồng chọn 17 doanh nghiệp FDI Đài Loan chuyên trồng, chế biến trà để thực hiện. Theo Cục Thuế tỉnh, các doanh nghiệp này chiếm 3/4 diện tích đất trồng chè của cả tỉnh, 90% sản phẩm làm ra được xuất khẩu. Điều vô lý nhất là giá trà ô long họ kê khai xuất khẩu thấp hơn giá bán tại nội địa khoảng... 18 lần.
Từng bị nhắn tin hăm dọa
Tuy nhiên đối với cơ quan thuế vào thời điểm đó, để chứng minh doanh nghiệp gian dối, khai báo “lỗ giả” để trốn thuế, thì không dễ dàng.
Bà Phan Thị Vịnh, Phó cục trưởng Cục Thuế tỉnh Lâm Đồng, nhớ lại: “Lúc đó bà Hà Thúy Linh đang là Phó giám đốc Công ty HaiYih, đã cung cấp nhiều thông tin giá trị xung quanh việc chuyển giá của các doanh nghiệp xuất khẩu trà ô long qua Đài Loan”. Thời điểm này, giá thành sản xuất trà ô long tối thiếu 300.000 đồng/kg nhưng các doanh nghiệp khai xuất qua Đài Loan chỉ 2,5 USD (tương đương 70.000 đồng) để được giảm thuế nhập khẩu vào Đài Loan, nhưng lại báo kinh doanh lỗ tại VN. Bà Vịnh khẳng định: “Đó là cơ sở để cơ quan thuế đấu tranh chống chuyển giá thành công, và năm 2010 lần đầu tiên thu được gần 4 tỉ đồng tiền thuế thu nhập doanh nghiệp của các doanh nghiệp FDI kinh doanh chè ở Lâm Đồng, từ năm 2012 thu được hơn 7 tỉ đồng”.
Xung quanh sự việc này, Báo Thanh Niên cũng từng có bài Lỗ bất thường (ngày 14.7.2010) phản ánh hiện tượng chuyển giá trên. Trong bài viết có dẫn lời bà Hà Thúy Linh: “Sở dĩ có tình trạng này là do nhà nước chưa có cơ chế quản lý ngành chè, không quy định khung giá các loại chè nên các doanh nghiệp muốn trồng, muốn bán giá nào cũng được”. Thời điểm đó, Công ty Haiyih của bà Linh làm ăn có lãi, và đang đầu tư 1 triệu USD xây dựng nhà máy mới, đưa vào hoạt động từ tháng 9.2010, một số doanh nghiệp khác cũng đang mở rộng sản xuất. Sau khi báo đăng, bà Linh nhận được tin nhắn hăm dọa từ một số điện thoại lạ với nội dung: “Anh đang kẹt tiền, em chuẩn bị cho anh 100 triệu nha, cu Bi mập mạp quá, anh cũng muốn nó an toàn”. Bà Linh đã gọi điện báo cho công an đề nghị được bảo vệ tính mạng cho mẹ con bà. Rất may sau đó mẹ con bà Linh vẫn an toàn.
Lãnh đạo Cục Thuế tỉnh Lâm Đồng cho biết thêm, lúc đó bà Linh còn giúp phiên dịch khi tỉnh làm việc với Hiệp hội Chè Đài Loan hoặc Văn phòng kinh tế và văn hóa Đài Bắc tại TP.HCM để phối hợp chống chuyển giá. Chính bà Linh còn phân tích và thuyết phục các doanh nghiệp trong hiệp hội nâng giá bán trà ô long và làm nghĩa vụ thuế sau nhiều năm đã được hưởng ưu đãi.
Tin nhắn hăm dọa bà Hà Thúy Linh thời điểm bà góp phần chống chuyển giá với các doanh nghiệp FDI tại Lâm Đồng
Tin nhắn hăm dọa bà Hà Thúy Linh thời điểm bà góp phần chống chuyển giá với các doanh nghiệp FDI tại Lâm Đồng
Chống tin đồn “chè Lâm Đồng nhiễm dioxin”
Từ cuối tháng 9.2014, một số kênh truyền hình và báo chí tại Đài Loan thông tin chè VN trồng trên vùng đất nhiễm dioxin, nên phía Đài Loan đã ách các lô hàng lại tại cảng, không thông quan. Điều này khiến các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng chuyên xuất khẩu trà ô long qua Đài Loan gặp khó khăn. Với sự nhạy bén nghề nghiệp, bà Linh nghĩ ngay đây là chiêu tung tin thất thiệt của các đối thủ cạnh tranh nhằm khống chế trà ô long Lâm Đồng nhập khẩu vào Đài Loan. Bà Linh đã đốc thúc Hiệp hội Chè Đài Loan tại Lâm Đồng phải họp lại cùng lên tiếng phản đối, đồng thời soạn văn bản gửi lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng và các cơ quan chức năng T.Ư đề nghị phía Đài Loan gỡ bỏ các thông tin thất thiệt đầy ác ý đó.
Thời điểm đó, các doanh nghiệp xuất khẩu trà ô long từ VN qua Đài Loan đều bị ảnh hưởng nghiêm trọng, riêng công ty của bà Linh bị kẹt tại cảng 11 tấn trị giá hàng tỉ đồng. Không thể ngồi chờ, bà Linh đã cùng đại diện Hiệp hội Chè Lâm Đồng gấp rút lên đường qua Đài Loan yêu cầu các cơ quan chức năng nước sở tại kiểm nghiệm ngay các lô hàng, nếu không nhiễm phải cho thông quan. Lúc đó, sau khi các cơ quan chức năng kiểm tra, tỉnh Lâm Đồng có văn bản khẳng định các vùng trồng chè không hề bị nhiễm dioxin thời chiến tranh. Đến cuối tháng 11.2014, hơn 70 container trà ô long từ Lâm Đồng xuất qua Đài Loan được thông quan.
Trước sự việc bà Linh bị sát hại ở Trung Quốc, nhiều người cho rằng phải chăng do bà Linh đã mạnh dạn chống chuyển giá và chống tin đồn chè Lâm Đồng bị nhiễm dioxin trước đây? Giới doanh nghiệp và người dân Lâm Đồng mong các cơ quan chức năng của Trung Quốc sớm tìm ra thủ phạm sát hại bà Linh.
Đầy tâm huyết với ngành chè
Ông Võ Ngọc Hiệp, Chủ tịch UBND TP.Đà Lạt đánh giá: “Bà Hà Thúy Linh đã tiên phong trong việc chống tin đồn ác ý về chè Lâm Đồng nhiễm dioxin, bà là người đầy tâm huyết với ngành chè, đã tạo nên thương hiệu chè ô long của Đà Lạt, đồng thời tạo công ăn việc làm cho nhiều người và tìm đầu ra khá ổn định cho ngành chè Đà Lạt trong những năm qua”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.