Ngày 19 và 20.10, sau 5 ngày tạm dừng, TAND tỉnh Thái Nguyên mở lại phiên tòa xét xử 33 bị cáo trong vụ án khai thác than trái phép với số lượng cực lớn, xảy ra tại mỏ than Minh Tiến (Thái Nguyên). Phần xét hỏi và tranh luận tiếp tục tập trung vào việc một số bị cáo kêu oan.
Viện kiểm sát buộc tội, luật sư nói bị oan
Đại diện viện kiểm sát khẳng định, năm 2014, Công ty Yên Phước được UBND tỉnh Thái Nguyên cấp giấy chứng nhận đầu tư và giấy phép khai thác khoáng sản. Đến tháng 3.2019, Công ty Yên Phước "sang tay" cho Công ty Đông Bắc Hải Dương.
Giấy phép UBND tỉnh Thái Nguyên cấp cho Công ty Yên Phước thể hiện trữ lượng khai thác là hơn 136.000 tấn, công suất 8.500 tấn/năm. Thế nhưng, 2 công ty đã thỏa thuận với nhau sẽ khai thác với công suất tối thiểu lên tới 400.000 tấn/năm, gấp hơn 47 lần công suất được cấp phép.
Tính từ tháng 3.2019 - 8.2021, Công ty Đông Bắc Hải Dương đã khai thác khoảng 2,7 triệu tấn than và hơn 400.000 m3 khoáng sản đi kèm. Thông qua đó, bị cáo Châu Thị Mỹ Linh thu lợi hơn 151 tỉ đồng, Công ty Đông Bắc Hải Dương thu lợi hơn 213 tỉ đồng.
Với những sai phạm đã nêu, đại diện viện kiểm sát đề nghị tuyên phạt bị cáo Linh 21 - 23 năm tù về 2 tội vi phạm quy định về khai thác tài nguyên và mua bán, sử dụng trái phép vật liệu nổ. Hai anh em song sinh từng là "đại gia lan đột biến" Bùi Hữu Giang và Bùi Hữu Thanh (thành viên góp vốn Công ty Đông Bắc Hải Dương) bị đề nghị mức án 4 - 6 năm tù về 2 tội vi phạm quy định về khai thác tài nguyên và mua bán trái phép hóa đơn.
Phản đối quan điểm của viện kiểm sát, luật sư bào chữa cho bị cáo Châu Thị Mỹ Linh cho rằng thân chủ của mình và nhiều nhân viên thuộc Công ty Yên Phước bị oan.
Luật sư viện dẫn Nghị định số 33/2017, với hành vi khai thác vượt công suất được phép, doanh nghiệp chỉ bị phạt tiền. Vì thế, trong trường hợp xác định Công ty Yên Phước khai thác vượt công suất, hành vi này chỉ bị xử lý hành chính chứ không thể hình sự hóa.
Và nếu xác định cá nhân phạm tội (bị cáo Linh và nhân viên) thì về luật, cơ quan tố tụng chỉ được phong tỏa tài sản cá nhân đó, cổ phần vốn góp, chứ không phải cấm hoạt động và thu hồi giấy phép toàn bộ các công ty bị cáo đó góp cổ phần.
Vẫn theo luật sư, quy chuẩn của Việt Nam xác định có 4 chủng loại than, gồm than cục, than cám, than bùn tuyển và than không phân cấp. Tuy nhiên, tại 5 bãi tập kết liên quan đến Công ty Yên Phước, kết luận giám định đều xác định là chủng loại than dưới mức chất lượng than không phân cấp. Dưới mức chất lượng than không phân cấp (loại thấp nhất trong quy chuẩn) thì không thể gọi là than, giám định viên đã tự ý "sáng tác" thêm một loại than mới không có trong quy chuẩn.
"Mỏ Minh Tiến được cấp phép 136.000 tấn nhưng thân chủ tôi bị cáo buộc khai thác vượt trữ lượng lên tới 2,7 triệu tấn, tức gấp 20 lần. Tôi đề nghị viện kiểm sát chứng minh 2,7 triệu tấn than có nằm dưới mỏ hay không, các anh phải chứng minh điều này, nếu chứng minh được thì bà Linh sẽ nhận tội", luật sư nói.
Vụ án phức tạp, tòa nghị án kéo dài
Đối đáp với luật sư bào chữa, đại diện viện kiểm sát giữ nguyên quan điểm buộc tội. Kiểm sát viên khẳng định Bộ TN-MT đã phân công những thành viên có kiến thức, kinh nghiệm tham gia giám định; họ chịu trách nhiệm pháp lý về nghĩa vụ và đánh giá chuyên môn của mình. Tại tòa, các giám định viên đã giải thích rõ về phương pháp, kết quả giám định.
"Kết luận giám định đảm bảo tính khoa học, có căn cứ để kết luận 3 triệu tấn đó đều là than. Còn cách gọi than hay xỉ hay xít, chỉ là cách gọi", đại diện viện kiểm sát phân tích và cho rằng, luật sư bào chữa để gỡ tội cho thân chủ thì phải có căn cứ.
Về ý kiến cho rằng hình sự hóa vụ việc, đại diện viện kiểm sát nói các luật sư "quên mất" rằng khi xem xét hành vi khai thác vượt mức cho phép, nếu giá trị từ 500 triệu đồng trở lên là phải chuyển sang vụ án hình sự, giá trị dưới 500 triệu đồng thì mới được xử phạt hành chính.
Quá trình điều tra, cơ quan tố tụng đã lập bảng kê từng phiếu than, phiếu cân, số lượng than từng ngày, số xe, ghi rõ là than. "Đây là tài liệu các bị cáo tự lập trong quá trình phạm tội của mình, cơ quan điều tra không thể tạo lập ra được, tạo dựng, không thể bảo các bị cáo hay ép cung để các bị cáo khai ra những số liệu này", kiểm sát viên tranh luận.
Vẫn theo đại diện viện kiểm sát, tài nguyên khoáng sản là tài sản công, thuộc sở hữu toàn dân, do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý. Việc cấp quyền khai thác cho Công ty Yên Phước không có nghĩa doanh nghiệp "muốn làm gì thì làm", mà phải thực hiện đúng giấy phép.
Giấy phép cấp cho Công ty Yên Phước nêu rõ sản phẩm sau khi chế biến được sử dụng làm nguyên liệu cho các ngành sản xuất vật liệu xây dựng, chất đốt trên địa bàn tỉnh và trong nước. Tuy nhiên, công ty đã độc quyền bán cho Công ty Đông Bắc Hải Dương, là trái quy định.
Vì vậy, kiểm sát viên bác bỏ quan điểm của luật sư khi cho rằng doanh nghiệp đã nộp thuế, phí nên tài sản là của doanh nghiệp, xử lý ra sao là quyền của họ.
Sau nhiều lượt đối đáp qua lại, cả viện kiểm sát, luật sư và bị cáo đều giữ quan điểm. Tòa tuyên bố kết thúc phần tranh luận. Do tính chất phức tạp của vụ án, tòa cần thời gian nghị án kéo dài 7 ngày và sẽ tuyên án vào chiều 27.10 tới đây.
Nữ giám đốc kêu oan đến cùng
Trong lời nói sau cùng, bị cáo Châu Thị Mỹ Linh kêu oan về cả 2 tội danh bị truy tố. Bị cáo nói đã bỏ hàng trăm tỉ đồng đầu tư vào mỏ nhưng khi khai thác phát hiện toàn đá xít, đá phế thải, "không phải 3 tấn đào lên đều là than". Nữ giám đốc khẳng định luôn kêu oan và chưa bao giờ nhận tội như viện kiểm sát tranh luận.
Ngoài bà Linh, hàng loạt bị cáo là nhân viên Công ty Yên Phước cũng kêu oan, đề nghị hội đồng xét xử tuyên trả hồ sơ yêu cầu điều tra lại vụ án.
Trong khi đó, hai anh em "đại gia lan đột biến" Bùi Hữu Thanh và Bùi Hữu Giang thừa nhận hành vi sai phạm, mong được xem xét giảm nhẹ hình phạt.
Bình luận (0)