Niềm đam mê từ phòng thí nghiệm
Gặp Thanh Nhã vào một chiều mưa tại TP.HCM. Cô trông thật bình dị, mộc mạc ở tuổi 33 nhưng toát lên niềm yêu thích hội họa qua những bức ký họa vẽ vội trước khi trả lời Thanh Niên.
Ý tưởng minh họa thực vật đến với Nhã từ 14 năm trước khi cô bắt đầu làm ở phòng thí nghiệm về tinh dầu thời còn là sinh viên. "Tôi đọc các cuốn sách của cố GS Phạm Hoàng Hộ và GS-TS Lê Công Kiệt có những hình minh họa thực vật rất đẹp, đặc biệt là bộ 3 quyển Cây cỏ Việt Nam và Hiển hoa bí tử của thầy Hộ và muốn mình sẽ vẽ được các bức tranh như vậy", Nhã cho biết.
Khi theo học cao học, Nhã có dịp đọc cuốn Weeds of rice in Indonesia do nhiều nhà thực vật học trên thế giới thực hiện. "Chính những hình minh họa của họa sư Ahmad Satiri trong quyển sách này đã giúp tôi quyết định trở thành người minh họa khoa học cho thực vật (botanical illustrator)", Nhã cho biết.
Giữa năm 2021, Thanh Nhã được Victor Wong, một nghệ sĩ minh họa thực vật đang làm việc tại Canada, hướng dẫn những bước đi đầu tiên vào "thế giới" botanical art. Cuối năm 2021, Nhã bắt đầu học những khóa vẽ đầu tiên về căn bản chì, căn bản màu và ký họa. Rồi cơ duyên khiến cô gặp và trở thành học trò của họa sĩ Phạm Bá Lâm, người trao truyền cho cô mọi nền tảng về vẽ graphite, ký họa và màu nước.
Công phu vẽ một loài thực vật
Theo Thanh Nhã, một bức tranh botanical illustration đòi hỏi người vẽ phải dày công tìm hiểu, sưu tầm kiến thức về loài cây hay hoa, rồi thể hiện cho được những đặc tính của cây trong văn bản mô tả đính kèm.
Đầu tiên phải chụp ảnh và vẽ phác thảo cây hoặc hoa tại hiện trường rồi cắt cành hay cây, hoa cần vẽ, ép khô làm tiêu bản, đính bằng keo lên giấy. Đến bước sáng tác, Nhã bắt đầu với việc vẽ phác thảo, sắp xếp các chi tiết lên giấy nháp và gửi bản phác thảo cho chuyên gia đầu ngành về họ, chi của loài cây đang vẽ để hỏi ý kiến. Quá trình sửa chữa những điểm chưa chính xác, bổ sung được lặp lại nhiều lần để bản thảo cuối cùng có được sự đồng thuận giữa họa sĩ và nhà thực vật học. Sau những bước công phu như vậy, cô mới vẽ lên giấy A3 rồi dùng giấy dầu đồ lại bằng bút chì. Cuối cùng đặt giấy dầu này lên giấy vẽ chính thức: giấy Arches cho tranh màu nước và bút chì là giấy Fabriano, sau đó tiến hành vẽ hoàn tất.
Một tác phẩm botanical art trước hết phải chính xác về mặt khoa học. Như khi vẽ một chiếc lá, thì hình dạng tổng thể của lá, số gân lá, bề mặt lá… phải chính xác như mẫu lá thật và giống trong tài liệu mô tả khoa học của loài. Sau khi chính xác về mặt khoa học thì phần "art" (nghệ thuật) mới được họa sĩ thêm vào như góc độ thể hiện, chất liệu vẽ, kích thước hình vẽ, màu sắc thể hiện…
"Botanical illustration mới là bản mô tả hoàn chỉnh, trong khi botanical art thì cái tôi, sự sáng tạo mới là những ưu tiên hàng đầu của một họa sĩ", Thanh Nhã nhận định.
Nữ họa sĩ tâm sự rằng cô muốn dành những bức vẽ tâm huyết của mình để đưa vào sách giáo khoa. Hiện Nhã là trợ giảng tại Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG TP.HCM). Cô đang nỗ lực xây dựng đề cương môn thực vật họa. Nhã còn tổ chức những buổi vẽ dã ngoại dành cho các bạn nhỏ ở Bưu điện TP.HCM. Cô hướng dẫn các em vẽ phác thảo hoa, lá - bước khởi đầu để trở thành một botanical artist. "Theo đuổi ngành này hoàn toàn chỉ là đam mê chứ chưa thể có lợi nhuận, trong khi tại các nước phát triển như Anh, Mỹ thì botanical artist hoàn toàn sống được với nghề. Tuy nhiên nếu không làm thì bao giờ VN mới có được ngành botanical illustration và botanical art? Tôi vẫn đang làm việc và nỗ lực mỗi ngày để giới thiệu, phát triển, lan tỏa về botanical illustration, botanical art đến mọi người", cô tâm sự.
Đưa minh họa thực vật VN ra thế giới
Phan Thị Thanh Nhã là đại diện đầu tiên của VN dự các triển lãm quốc tế về minh họa thực vật, như triển lãm Flora of Southeast Asia (Singapore, 2022), triển lãm Margaret Flockton Award Exhibition (Úc, 2023), triển lãm Flora of Southeast Asia vào cuối tháng 6.2024 tại TP.HCM…
Bình luận (0)