Những năm tháng chật vật trước khi chạm đến đỉnh cao vinh quang luôn là điều mà “nữ hoàng chân đất” Phạm Thị Bình không bao giờ quên!
Từ những ngày đầu, cơ duyên nào đưa chị đến với nghiệp VĐV điền kinh?
Ngày xưa, khi đó tôi hay tham gia những giải chạy của trường ở năm cuối cấp trung học cơ sở, khoảng năm 2004. Tôi đạt thành tích ở giải của trường, rồi tiếp tục thắng các giải cấp huyện, cấp tỉnh. Hồi đó, tôi thường chạy nội dung 1.500 mét. Sau đó, tôi được các HLV ở đội năng khiếu (vị trí giống như tôi bây giờ) gọi lên để tập với đội tuyển điền kinh của tỉnh.
Khi còn là một thiếu nữ, tại sao chị có thể khỏe, bền để chạy tốt ở cự ly dài như vậy?
Tôi cũng không biết nữa, tự nhiên nó như vậy. Nhưng nếu để nói thì chắc do tôi là con nhà nông. Quê tôi ở xã Bình Thuận, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. Vì là con nhà nông, phải phụ giúp gia đình làm cái này cái kia nên sức khỏe tốt.
Sau khi quyết định đi theo con đường VĐV, gia đình của chị có cấm cản không? Vì khi theo nghiệp vận động viên điền kinh và đặc biệt là với con gái thì sẽ rất cực?
Nhà tôi có 7 anh chị em, tôi là thứ 5. Nhà nông thì hoàn cảnh cũng khó khăn lắm, nói là đủ ăn thì cũng chưa được. Lúc đó nhà nghèo, đông con, ba mẹ không có tiền cho đi học nên cũng học đến lớp 9 là nghỉ rồi. Nói thật là ngày xưa gia đình không có điều kiện, thiếu thốn, nên khi HLV về nhà gặp ba mẹ để đặt vấn đề thì ba mẹ cũng nghĩ là nếu con thích thì cho theo chứ không cấm cản gì hết. Tôi cũng là con nhà nông, không phải là tiểu thư hay nhà khá giả nên gia đình cũng không quá giữ. Vả lại, khi đó thầy cũng nói là đi tập sẽ có tương lai thành VĐV chuyên nghiệp, có trợ cấp, được cho đi học văn hóa đàng hoàng, gia đình ít phải lo nên gia đình đôi khi còn mừng vì tôi được nuôi nữa đó chứ.
Điều gì khiến chị quyết tâm theo nghiệp VĐV điền kinh?
Ngày xưa, chế độ chỉ có 8.000 đồng/ngày, khi tập luyện ở đội năng khiếu tỉnh. Từ tháng 6.2004 là bắt đầu tôi đi tập ở đội năng khiếu của tỉnh Quảng Ngãi. Đến tháng 9.2005, tôi được gọi lên tập ở đội tuyển trẻ quốc gia. Rồi đến tháng 3.2011, tôi chính thức được gọi lên đội tuyển quốc gia. Theo từng cấp đội tuyển từ tỉnh lên quốc gia thì chế độ dành cho VĐV cũng tăng lên, nhưng chỉ đủ trang trải cho bản thân, lo ăn, lo học thôi chứ không dư dả gì nhiều.
Ngày xưa còn nhỏ nên suy nghĩ đơn giản lắm. Tôi thấy hoàn cảnh gia đình khó khăn, nếu đi tập năng khiếu thì được lo ăn, học rồi sau này được đi học đại học nên cố theo thôi chứ không nghĩ gì sâu xa. Bên cạnh đó, tôi cũng mong muốn rằng năng khiếu này sẽ giúp mình phát triển và được thoát nghèo. Rồi từ đó, trong quá trình tập luyện, năng khiếu của tôi càng ngày càng bộc lộ ra, rồi thi đấu đạt thành tích và động lực cũng tăng lên nhiều lần.
Trong suốt quá trình tập luyện và thi đấu khi còn là một VĐV, có thử thách nào khiến chị nghĩ mình không thể vượt qua?
Nếu nói thử thách lớn nhất chắc là khi tôi phát hiện ra mình bị tim vào năm 2010, lúc đó tưởng chừng như mình sẽ không còn chạy được nữa rồi. Người ta nói bị từ nhỏ, nhưng từ nhỏ đến giờ tôi và gia đình không phát hiện triệu chứng gì hết. Tôi nghĩ rằng là do chạy bộ, tập luyện thể dục thể thao nhiều nên sức khỏe mình tốt, bệnh chưa phát ra.
Nhớ lại lúc đó, tôi vô tình đi kiểm tra sức khỏe đầu vào của Đại học Thể dục thể thao thì người ta mới nói vì mình là VĐV cự ly dài nên nhịp tim thấp quá và khuyên nên đi khám lại. Sau đó, tôi đi bệnh viện kiểm tra thì bác sĩ nói mắc bệnh tim, lúc đó tim tôi như ngừng đập. Tôi cũng không tin và phải khám mấy lần, qua mấy bác sĩ thì mới hoàn toàn tin là mình bị bệnh tim. Thậm chí là khi đi khám, tôi nói mình là VĐV quốc gia chạy cự ly 42 km thì ai cũng trố mắt nhìn, người ta còn kêu mình nói giỡn, nói xạo.
Khi nghe mình mắc bệnh tim thì tôi cảm thấy rất hụt hẫng, mọi thứ như sụp đổ trước mắt. Đang đà đi lên, phát triển trong sự nghiệp thì phát hiện như vậy, tôi suy sụp ngay lúc đó. Nhưng sau khi bình tĩnh lại, nghe nhiều lời động viên từ nhiều người thì tôi cứ quyết tâm và cuối cùng là ý chí của mình đã chiến thắng được bệnh tật. Có thể nhiều người khác sau khi chữa trị xong là bỏ luôn, còn tôi thì sau khi phẫu thuật hơn 1 tháng là trở lại tập luyện rồi.
Chạy marathon đường trường, thế tại sao chị lại chạy chân đất?
Cái này thực ra là do cơ địa của bản thân tôi. Khi mang giày vào tôi chạy tốc độ cao không được. Mang giày vào chạy một chút là cái chân co cứng lại, rướm máu ra, bàn chân rất nóng và bị phồng lên.
Cái này do cơ địa của mình thôi chứ ai lại không muốn chạy giày, tôi tập miết nhưng không được. Kể từ ngày xưa, tôi chạy ở trường cũng chạy chân không. Từ lúc ở đội năng khiếu tỉnh rồi đến khi lên đội tuyển quốc gia, tôi cũng được cấp những đôi giày xịn, nhiều tiền, chuyên để chạy điền kinh nhưng cũng không xài. Bây giờ giày hiện đại lắm, có công nghệ trợ lực các kiểu, phải nói là ước gì tôi chạy giày được!
Vậy trong tập luyện, thi đấu, có khi nào chị gặp tai nạn vì chân đất?
Tất nhiên, trong quá trình luyện tập, tôi cũng nhiều lần tôi giẫm phải miểng chai và các thứ nhỏ, nhọn. Nhưng chưa bao giờ tôi vì những lần giẫm đó mà khiến ảnh hưởng đến tới tập luyện cũng như thi đấu. Mỗi người có một đặc điểm riêng. Ví dụ như tôi, tôi cảm nhận được mặt đất tốt nên hiếm khi bị giẫm mấy thứ lung tung để dẫn đến chấn thương. Người không mang được giày thì sẽ cảm nhận được điều gì đó, kiểu như giác quan sẽ tốt hơn những người khác. Phải nói là ông trời không lấy đi của ai tất cả, khi lấy đi của mình cái này thì sẽ bù lại cho mình cái khác. Khi cơ địa của tôi không thể mang giày được thì cảm nhận, giác quan của tôi sẽ tốt hơn người bình thường.
Khi đi thi đấu, chị có từng gặp sự cố hoặc bị ban tổ chức gây khó dễ,…về việc không mang giày?
Trong luật thi đấu thì không cấm chạy chân đất. Các VĐV khác thì cũng thấy lạ thôi. Ai không mang giày được thì rất thiệt thòi, nên đôi khi các đối thủ thấy như vậy họ lại càng sướng hơn chứ. VĐV nước bạn đôi khi nhìn còn tưởng mình bị chấn thương hay như thế nào đó nên không mang giày.
Việc tập luyện, thi đấu của một VĐV điền kinh, đặc biệt là ở cự ly 42 km sẽ ảnh hưởng lớn đến nhan sắc, điều rất quan trọng với người phụ nữ. Chị có bao giờ suy nghĩ?
Phụ nữ thì ai cũng nghĩ đến chuyện giang nắng giang mưa sẽ ảnh hưởng đến làn da, sắc đẹp... Mỗi người đều có một quan điểm khác nhau. Nhưng riêng với tất cả các VĐV thì phải chấp nhận hi sinh rồi. Vì mình muốn đạt được cái này thì mình phải mất cái khác, không thể nào có cùng lúc cả hai.
Nhiều lúc nhìn lại bản thân, tôi cảm thấy rất chạnh lòng. Khi tập luyện tôi phải dậy sớm, nhiều lúc từ 3 giờ sáng. Tôi nghĩ giờ này mọi người đang ngon giấc thì mình phải lóc cóc ra sân tập. Rồi khi người ta ăn diện đi tụ họp, cà phê thì mình cũng đang tập luyện. Ngoài ra, thời gian để chăm chút cho bản thân như những bạn nữ khác cũng rất ít. Tôi thấy đó, buồn đó nhưng rồi mọi chuyện cũng qua. Tôi cứ nghĩ rằng đó là cái nghiệp của mình, đã theo thể thao thì phải chấp nhận. Nhưng có những cái mình sẽ đạt được nhưng người khác không đạt được. Còn về thời gian chăm chút bản thân, dưỡng da này kia thì người khác có nhưng mình bị hạn chế. Nói chung, tôi luôn suy nghĩ là được cái này sẽ mất cái kia.
Khi còn thi đấu, có ít thời gian chăm chút cho bản thân như vậy thì chị đã suy nghĩ về chuyện tình cảm cá nhân?
Tôi quen chồng từ khi còn thi đấu, sau kỳ SEA Games năm 2013. Tôi và ông xã quen nhau rất tình cờ. Anh Đại là chủ nhiệm của một CLB thiện nguyện hoạt động ở Quảng Ngãi. Ảnh hay đi kêu gọi mạnh thường quân và mọi người quyên góp để giúp cho người dân bị ảnh hưởng bởi bão lũ... Trong một lần, tôi thấy ảnh đi kêu gọi thì tôi cũng ủng hộ và cả hai biết nhau. Sau đó, tôi thấy thiện cảm với anh Đại vì anh là người tốt, có tấm lòng nhân ái và bắt đầu tìm hiểu rồi quen nhau.
Chị giải nghệ khi mới 25 tuổi, liệu có phải là để lập gia đình?
Tôi quen chồng từ sau SEA Games 2013, rồi cho đến năm 2014 mới giải nghệ, sau khi dự đại hội thể dục thể thao toàn quốc tổ chức ở Hà Nội vào cuối năm. Lúc đó một phần cũng vì tôi nghĩ mình lớn tuổi rồi, cần phải lập gia đình cộng thêm nhiều yếu tố khác xung quanh tác động nên đi đến quyết định giải nghệ.
Chồng chị nghĩ thế nào về chạy bộ?
Tôi và chồng quen biết và nảy sinh tình cảm từ khi tôi còn là VĐV. Chính vì vậy, anh Đại thương là thương luôn con người tôi và cả cái nghề của tôi nữa. Từ đó đến nay, ảnh chưa bao giờ phàn nàn điều gì mà luôn ủng hộ tôi hết mình, trước đây là tập luyện thi đấu, còn giờ là chạy bộ để tốt cho sức khỏe thôi. Thậm chí, chồng tôi cũng là người thích chạy bộ vì chạy bộ mang lại rất nhiều thứ, sức khỏe tốt lên, rồi tinh thần cũng thoải mái hơn.
Anh ấy cũng có tham gia chạy bộ và chạy được 42 km luôn, nhưng chủ yếu là thời gian dài hay ngắn thôi. Về tốc độ thì chắc chắn không thể bằng tôi được rồi. 2 vợ chồng cũng không có thời gian để cùng nhau chạy bộ thể dục nhưng từng đăng ký giải để tham gia chung. Gần nhất là ở giải chạy tổ chức tại Nha Trang vào cuối tháng 8, 2 vợ chồng chỉ cùng nhau đăng ký tham gia thôi nhưng chạy khác cự ly.
Sau khi giải nghệ, đến hiện tại chị thấy cuộc sống của mình như thế nào?
Đối với tôi, hiện tại đã có gia đình, có 2 con nhỏ: 1 trai, 1 gái, công việc cũng ổn định nên cảm thấy cuộc sống như vậy là quá viên mãn rồi. Tôi đang làm HLV đội tuyển trẻ điền kinh của tỉnh Quảng Ngãi. Chồng tôi làm nhân viên thị trường của một nhà máy nước khoáng trên địa bàn tỉnh. Về mặt thu nhập thì 2 vợ chồng cùng nhau tích cóp thôi. Vì tôi nhận lương nhà nước, làm sao cao được, chỉ ở mức trung bình thôi, muốn làm cái này cái kia phải dành dụm. Gia đình cũng dự kiến ăn Tết xong đợt này sẽ xây nhà. Còn hiện tại thì 2 vợ chồng tôi và 2 đứa con đang ở trong khu nội trú dành cho HLV, VĐV của tỉnh.
Công việc huấn luyện cũng vất vả, chị sắp xếp thời gian như thế nào để còn chăm sóc chồng con?
Làm HLV mỗi môn mỗi khác nhau, tùy theo đặc thù. Riêng môn của tôi thì phải dậy từ rất sớm, 4 giờ sáng đã phải thức dậy để đi huấn luyện rồi, cho đến 6 giờ 30 thì xong. Còn buổi chiều thì từ 15 giờ 30 cho đến 18 giờ. Thời gian rảnh tôi sẽ lên cơ quan. Sở dĩ thời gian đặc thù như vậy vì đây là huấn luyện cho đội trẻ. Chính vì vậy, mình phải phụ thuộc vào thời gian của các VĐV. Đa số các VĐV trẻ đều đang đi học văn hóa ở trường. Buổi sáng, tôi phải dậy sớm để cho các em tập trước khi các em đi học, còn buổi chiều mình phải đợi các em tan trường rồi mới tập trung để tập luyện tiếp.
Về 2 con, bé gái lớn năm nay 6 tuổi, còn bé trai nhỏ được 2 tuổi rưỡi rồi. 2 đứa nhỏ rất ngoan, tự lập và tự chơi là nhiều. Ba mẹ bận rộn mà các con ngoan nên cũng rất đỡ. Những lúc đi làm về thấy các con ngoan là dường như mọi sự lo toan, mệt mỏi trong người bỗng tan biến hết và chỉ muốn chơi bù lại với các con. Sáng sớm khi tôi đi ra sân thì con ngủ ở nhà với chồng. Xong việc rồi thì về đưa mấy đứa đi học, rồi lên cơ quan. Buổi chiều cũng tiếp tục như vậy.
Nói về công việc một chút, khi trở thành một HLV, chị thấy có gì khác và giống nhau so với VĐV? Thế hệ VĐV trẻ hiện nay như thế nào?
Trước đây, khi làm VĐV thì tôi chỉ có nhiệm vụ là tập luyện và thi đấu thôi. Còn bây giờ, khi làm HLV thì vừa phải làm gương cho các em, cho các em ra sân tập, dẫn đi thi đấu…nói chung là phải lo lắng nhiều thứ. Đối với các em ở xa, ở nội trú thì HLV phải thay mặt cho cha mẹ của các em quan tâm tới việc học hành, ăn uống, sinh hoạt,... Suy nghĩ của các em VĐV hiện nay thoáng hơn nhiều rồi. Ở thời điểm này thì các em vẫn theo đuổi đam mê vậy thôi, còn chuyện xa hơn thì mình không thể nói trước được. Không phải như tôi và các bạn cùng lứa ngày xưa, đã theo là xác định theo tới cùng. Còn các em bây giờ có điều kiện hơn, nên về vấn đề ý chí và sự quyết tâm của các em như thế nào thì không thể nói trước được. Tuy nhiên, với tư cách là một HLV, tôi mong ước rằng các em sẽ vững bước theo đuổi đam mê của mình và hy vọng sẽ mang đến những VĐV tài năng cho tỉnh và quốc gia.
Thời của chị, chạy bộ ít được quan tâm, nghe đến điền kinh người ta chỉ nhớ 100 mét, còn marathon thì lè lưỡi. Giờ lại rất khác, môn chạy phát triển, chị có chạnh lòng không?
Không những không chạnh lòng mà phải nói là tôi rất vui và hạnh phúc khi thấy phong trào chạy bộ ngày càng phát triển như vậy. Ngày xưa khi tôi thi đấu, cả một quốc gia chỉ có 3-4 VĐV nữ, thật sự là thấy buồn lắm, không có ai cổ vũ hết. Còn giờ ra một giải đấu, mấy ngàn người, đông quá trời luôn, rồi có mọi người xung quanh cổ vũ rất khí thế. Tôi hy vọng một ngày nào đó, phong trào chạy bộ cũng như môn marathon của Việt Nam không chỉ tiến xa ở SEA Games mà còn ở các đấu trường châu Á và cả Olympic nữa.
Từ sau khi giải nghệ là tôi nghỉ luôn để trở về làm tròn thiên chức của người mẹ, làm vợ tốt. Cho đến khi sinh đứa thứ 2 xong là tôi bắt đầu tham gia lại. Tôi thấy phong trào chạy bộ ở Việt Nam đang rất phát triển, thấy những người 60-70 tuổi cũng chạy, rồi những người bị ung thư cũng chạy bộ và sức khỏe trở nên khá hơn. Đó là niềm cảm hứng để mình quay trở lại, nhưng cũng là chạy cho vui thôi, chứ không phải là lấy lại thời kỳ đỉnh cao.
Theo chị, chạy bộ có ý nghĩa như thế nào mà ngày nay lại phát triển như vậy?
Đối với VĐV chuyên nghiệp thì khác, còn đối với những người chạy bộ vì sức khỏe, vì để chiến thắng bản thân mình, chiến thắng bệnh tật thì lại khác. Mỗi người sẽ có một mục đích, suy nghĩ khác nhau, và vị trí của mỗi người trong xã hội cũng khác nhau nên không có điều gì là đúng cho tất cả. Có người chạy bộ vì sức khỏe, có người chạy bộ vì công việc, có người chạy bộ vì để chứng tỏ rằng nếu người ta làm được thì mình cũng làm được, cũng có người chạy bộ chỉ để được chụp hình đăng lên mạng sống ảo,...
Còn với bản thân tôi, mỗi sớm mai khi thức dậy và chạy vài cây số rồi về tắm rửa trước khi đi làm sẽ giúp mình giải tỏa được sự căng thẳng. Bên cạnh đó, chạy bộ cũng phần nào giúp mình kiềm chế được tính nóng nảy, kiên nhẫn hơn để vượt qua những khó khăn, thử thách trong cuộc sống.
Là nữ VĐV vất vả nhưng đến nay chị có cuộc sống viên mãn cả về gia đình và công việc, quan điểm của chị về vai trò của người phụ nữ? Phụ nữ trong xã hội hiện đại có vượt trội hơn đàn ông, như chuyện chị chiến thắng cự ly 42 km thì hiếm ai làm được.
Quan điểm của tôi là nam nữ bình đẳng. Trong gia đình tôi thì tiếng nói của 2 vợ chồng có sức nặng như nhau, không có chuyện trọng nam khinh nữ, hay tư tưởng chồng phải lo kinh tế, còn vợ xắn tay làm chuyện bếp núc, chăm con. Ai cũng cần có sự tự do và cần phải tôn trọng nhau. Mỗi người đều có công việc riêng, độc lập và không hoàn toàn phụ thuộc. 2 vợ chồng không bao giờ tị nạnh mà luôn cùng nhau san sẻ các công việc trong gia đình, từ việc đưa đón con đi học cho đến nấu ăn, dọn dẹp nhà cửa, giặt giũ…Tuy nhiên, tôi thuộc tuýp phụ nữ của gia đình, muốn lo lắng cho chồng, con một cách chu đáo nhất.
Mỗi người sinh ra có một năng khiếu khác nhau. Có thể là mình chạy được, nhưng đàn ông đá bóng giỏi thì sao, hoặc họ có tài kinh doanh giỏi hơn phụ nữ… Bên cạnh đó, đàn ông đa số sẽ có những quyết định mạnh mẽ, quyết đoán hơn phụ nữ. Đối với gia đình tôi, 2 vợ chồng có tiếng nói như nhau nhưng để vai trò 5-5 là hơi khó, có thể chồng sẽ nhỉnh hơn một chút. Ở trong nhà có người đàn ông khi nào cũng tốt hơn, mạnh mẽ và mang đến sự an tâm hơn rất nhiều. Ví dụ như mấy chuyện như sửa điện, thay bóng đèn..., có đàn ông sẽ xử lý một cách dễ dàng.