Nữ hoàng truyền hình Oprah Winfrey và chuyện chữa lành những sang chấn tuổi thơ

06/12/2022 11:20 GMT+7

Cuốn sách Chữa lành những sang chấn tuổi thơ của nữ hoàng truyền hình Oprah Winfrey và tiến sĩ - bác sĩ Bruce D.Perry giúp người đọc hiểu thêm về sức khỏe , quá trình chữa lành cũng như khả năng phục hồi và trưởng thành sau sang chấn.

Trong rất nhiều chương trình truyền hình liên quan đến tâm lý tuổi mới lớn, khi được hỏi các em cần điều gì ở cha mẹ, phần lớn câu trả lời chính là thời gian. Nhiều bậc phụ huynh cho rằng điều kiện tài chính là quan trọng nhất để nuôi dạy con trẻ mà quên đi việc dành thời gian bên con, chia sẻ cảm xúc và đồng hành cùng với các con trên từng chặng đường lớn lên. Có thể lấy ví dụ trong quyển sách Chữa lành những sang chấn tuổi thơ mà Oprah Winfrey có đề cập với tiến sĩ Pery về Dani – cô gái trong khung cửa.

“Dani đã bị nhốt và bị bỏ bê nghiêm trọng trong sáu năm đầu đời, việc đó để lại nhiều hậu quả thê thảm và đau đớn cho cuộc đời cô. May mà cô bé đã được đưa đi và nhận nuôi. Hành trình chữa lành tuy chậm đến đau lòng nhưng may mắn là nó chắc chắn. Khi được đưa vào một ngôi nhà đầy yêu thương, cô bé ấy đã bắt đầu khá lên. Nhưng cô bé vẫn gặp phải rất nhiều khó khăn trong giao tiếp và tương tác xã hội.

Đến bây giờ Dani vẫn phải nỗ lực rất nhiều. Có rất nhiều thứ quan trọng xảy ra trong bộ não đang phát triển của đứa trẻ trong sáu năm đầu đời, và nếu các mạng lưới thần kinh chủ chốt không nhận được trải nghiệm phù hợp vào đúng thời điểm, một số khả năng quan trọng sẽ không phát triển một cách bình thường.

Cũng giống như sang chấn, một số câu hỏi thiết yếu có thể giúp ta đánh giá xem tình huống có phải là bỏ bê không, nếu phải thì tác động của nó sẽ lớn tới mức nào? Hành động được xem là bỏ bê sẽ xảy ra vào lúc nào trong quá trình phát triển?”

Theo các tác giả, hình thức bỏ bê thường thấy nhất là chăm sóc không liên tục và không có khuôn mẫu. Chẳng hạn, có những ngày, khi trẻ khóc, người lớn sẽ đến cho ăn và dỗ dành, nhưng vào ngày khác thì lại không có ai đến cả, và lâu lâu thì lại có những ngày người ta đến, nạt nộ, rung lắc hay làm đau bé... Chính vì thế, trẻ nhỏ nhận không đủ “cấu trúc” từ người chăm sóc để gửi đi một bộ tín hiệu rõ ràng, có tổ chức đến các hệ thống đang phát triển của não bộ.

Như phân tích từ sách, thế giới đối với em là không thể lường trước. Kết quả từ việc nhận không đủ "cấu trúc" từ người chăm sóc dẫn đến một sự thờ ơ “hỗn loạn”. Các hệ thống then chốt phát triển theo cách ngắt quãng, vô tổ chức, dẫn đến hàng loạt các vấn đề về chức năng.

Theo sách Chữa lành những sang chấn tuổi thơ, chìa khóa để có được nhiều mối quan hệ lành mạnh trong đời là chỉ nên có một vài mối quan hệ an toàn, ổn định và đầy yêu thương trong những năm đầu đời. Điều này giúp trẻ có đủ “sự lặp lại” để xây dựng nền tảng – cấu trúc quan hệ nền tảng, từ đó cho phép tiếp tục nuôi dưỡng những kết nối quan hệ lành mạnh trong giai những đoạn sau.

Khi một đứa bé sơ sinh hay trẻ mới chập chững biết đi phải lớn lên trong một gia đình mà việc yêu thương được thuê từ bên ngoài, kết quả có thể dẫn đến các hình thức bỏ bê mảnh vụn, và từ đó, các khả năng then chốt liên quan đến mối quan hệ sẽ không thể phát triển hoặc phát triển một cách “còi cọc”.

Vì vậy, theo Chữa lành những sang chấn tuổi thơ, điều kiện vật chất đầy đủ chỉ là một yếu tố góp phần giúp trẻ phát triển chứ không phải là yếu tố tiên quyết, chính sự quan tâm, chăm sóc trẻ và tình yêu thương cũng như thời gian của cha mẹ dành cho con cái vào những ngày tháng đầu đời mới thực sự quan trọng nhất.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.