"Bầu cử Quốc hội sẽ diễn ra vào tháng 6 năm 2017 và phải mau chóng tiến hành đề cử: trùng hợp là đảng của tôi rất thiếu phụ nữ mặc dù bình đẳng giới là một trong những giá trị cốt lõi trong chương trình của Emmanuel Macron. Vì vậy, lời kêu gọi ứng cử viên nữ được đưa ra. Các nhà hoạt động khích lệ tôi ra tranh cử, vào thời điểm đó chúng tôi còn không chắc giành được một ghế trong tỉnh (Seine-et-Marne, Pháp - PV) nữa.
(...) Các đối thủ của tôi, hai người phụ nữ, họ tỏ ra rất ngoan cường. Một trong hai người là cựu bộ trưởng, xuất thân Đảng Xã hội. Tôi chẳng có nhiều cơ hội khi đối đầu với họ. Một người nữa là luật sư, ứng cử viên đảng Cộng hòa.
Tôi kết luận: một bộ trưởng sắp mãn nhiệm của đảng Xã hội, một nữ luật sư của đảng Cộng hòa, còn tôi là nhân vật vô danh của một đảng phái non trẻ!..." - Stéphanie Do nói về "khe cửa hẹp" của chị trong cuộc đua "Đường tới Quốc hội của nữ nghị sĩ Pháp gốc Việt đầu tiên" được chị xuất bản năm 2023.
Một hành trình ngoạn mục được Tổng thống Pháp Emmanuel Macron vinh danh là "đã chứng minh cho chế độ trọng dụng nhân tài của nước Pháp bằng tất cả ý nghĩa và sự trọn vẹn của nó. Sinh ra ở Việt Nam, tới Pháp năm 11 tuổi dù không biết tiếng Pháp, vài năm sau Stéphanie Do đã trở thành nghị sĩ Quốc hội của 68 triệu công dân. Cô đã đạt tới vị trí này nhờ lòng ngoan cường, ham muốn thành công và cống hiến vì người khác… Cô đã nắm bắt mọi cơ hội mà nước Pháp mang đến cho mình và đã (…) chiến thắng trong cuộc bầu cử lập pháp, trở thành người phụ nữ Pháp gốc Việt đầu tiên di cư tới Pháp được bầu làm nghị sĩ". Trong cuộc chuyện với Thanh Niên, nữ nghị sĩ cho hay: có khả năng cao chị sẽ quay trở lại đường đua này trong cuộc bầu cử tương tự sẽ diễn ra vào năm 2026.
Trên hành trình đó, hành trang tinh thần mà nữ nghị sĩ chia sẻ trong cuốn sách, bên cạnh hai người đàn ông quan trọng đã "luôn có mặt cổ vũ" khiến chị "chưa bao giờ ngừng dựa dẫm vào sự hỗ trợ không mệt mỏi của họ" là bố và chồng, còn có hình bóng của hai người phụ nữ cũng ảnh hưởng sâu sắc tới cá tính của chị. "Bà nội tôi rất thích xem phim chưởng và những sách truyện kể về sự sụp đổ của đế chế. Bà dạy tôi và cho tôi thấy muôn hình vạn trạng các triều đại cũng như sự tranh giành quyền lực… Tôi biết ơn bà vì điều đó đã hun đúc cho tôi một tinh thần hướng đến công lý", chị viết.
Và chia sẻ với Thanh Niên về người mẹ của mình: "Mẹ tôi là người quyết định số 1, không có ai trong nhà tôi qua được mẹ tôi về mặt quyết định, mọi chuyện lớn nhỏ trong nhà như rời Việt Nam sang Pháp để phụng dưỡng cha mẹ già hay chuyển nhà từ vùng ven lên Paris…, mẹ tôi đều tự mình quyết định cái rụp và thường quyết một mình. Bà không nghĩ gì quá lâu và quá xa, hễ ý nghĩ nào hiện lên trong đầu là bà quyết làm bằng được".
Stéphanie Do nói chị học được từ mẹ tính quyết đoán đó trong công việc và đó cũng chính là bí quyết quan trọng giúp chị thành công trên con đường lập nghiệp, đặc biệt là trong quyết định ra ứng cử. Sâu xa hơn, từ phía cội nguồn, nữ nghị sĩ gốc Việt cho rằng, còn một giá trị tinh thần quan trọng khác mà chị đã may mắn được lĩnh hội: Đó là đức kiên nhẫn ở người phụ nữ Việt, để chưa bao giờ biết từ nan.
Nhưng trong gia đình thì trái lại, chị nhường hết quyền quyết định cho chồng. "Con đường của mình khác biệt, vì luôn chọn đối đầu với khó khăn. Ngoài cái đó ra, tôi là người rất đơn giản và dễ tính, kiểu "sao cũng được", ai muốn làm gì cũng được, miễn đừng quấy rầy mình là được, để yên cho tôi làm việc. Mọi việc trong nhà tôi để chồng tôi quyết định hết, tôi không phải quyết định gì hết trơn vì không có thời gian. Con gái tôi chỉ nghe bố, không nghe mẹ vì quyền quyết định nằm ở bố".
Cùng với sự trợ giúp của mẹ - người phụ nữ luôn coi "nấu nướng là đam mê chứ không chỉ là bổn phận", nữ nghị sĩ kể rằng, khi về đến nhà, việc của chị là ăn uống tắm rửa, bôi kem dưỡng da rồi vô phòng làm việc - nơi luôn bày sẵn guitar và piano để khi cần thư giãn có thể đánh đàn hoặc nghe nhạc không lời. "Tôi có cái may là từ bé tới lớn cứ vô bếp là bị mẹ và chồng… "đuổi". Ngày bé thì mẹ bảo "Học đi!", tới khi lấy chồng thì chồng bảo: "Nghỉ đi!"… (cười).
Từ chối quyền quyết định và làm một người phụ nữ có tiếng nói trong gia đình, vậy đâu là "quyền lực" của một người vợ? "Quyền lực của tôi chắc là nằm ở cái tính… hay quên. Tính tôi một khi đã thương thì thương nhiều lắm, nhưng quên thì cũng quên nhanh lắm, vì trong đầu chỉ thích giữ lại cái vui thôi, nên tôi luôn bảo với chồng: anh mà hết yêu em thì cứ đi, chứ em không có bỏ, em chỉ giỏi quên thôi. Đó là thứ mà chồng tôi sợ nhất ở tôi (cười)". "Trung hiểu tôi rõ lắm, anh ấy biết tôi là người nhiệt huyết, đã làm gì là làm tới cùng!", nữ nghị sĩ viết về chồng và sự ủng hộ của anh trong cuốn sách.
Trừ duy nhất một lần chị giành quyền quyết định: 10 năm sau khi kết hôn và lao đầu vào sự nghiệp, chị mới tạm dừng lại để sinh con. "Việc đó chồng có chấp nhận hay không cũng không quan trọng, đó là quyết định của tôi, vì tôi lấy chồng đâu phải để có con. Tôi là vậy, có cái tôi rất dễ, nhưng cũng có cái tôi rất khó".
Dù ở thời điểm chị sinh con, tình cờ là một áp lực tâm lý khó khăn với nữ nghị sĩ: "Tôi bắt đầu nhiệm kỳ không hề dễ dàng, vì ngay sau cuộc bầu cử năm 2017, tôi phải đối mặt với nhiều biến cố trong gia đình: con gái chúng tôi, Meslissa chào đời vào tháng 9 năm 2018 và ba tôi qua đời hai tuần sau đó…".
Nữ nghị sĩ cho rằng bí quyết để hạnh phúc khác với bí quyết để thành công: "Thành công là thứ mà tự bản thân phải đối phó để có được nó. Còn hạnh phúc đòi hỏi sự song hành, vì cảm xúc là thứ không thể ép được". Nhưng may mắn của chị là có được cả hai: "Tôi vốn được hạnh phúc trước khi thành công. Gia đình ấm cúng quả là điều quan trọng nhất vì phải có gia đình ủng hộ thì mới dễ có được thành công trong sự nghiệp. Mình phải được vui thì mới làm tốt được mọi việc. Phải được hạnh phúc đã, rồi thì muốn làm gì thì làm!".
Bình luận (0)