Nữ nhà văn Mỹ Lady Borton: 'Tôi ngưỡng mộ Chủ tịch Hồ Chí Minh'

14/05/2020 07:09 GMT+7

LTS: Nhân kỷ niệm 130 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19.5.1890 - 19.5.2020), chúng tôi xin giới thiệu lại một bài viết đã đăng trên Báo Thanh Niên ngày 27.5.2003.

'Tôi đã được gặp rất nhiều người từng tiếp xúc và gặp gỡ Chủ tịch Hồ Chí Minh. Họ kể cho tôi nghe những câu chuyện xúc động và những kỷ niệm đã nằm lòng của họ về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Qua câu chuyện của họ, tôi thật sự ngưỡng mộ Bác Hồ. Ông không chỉ là nhà lãnh đạo của riêng Việt Nam, ông còn là nhà lãnh đạo của những người bị nô lệ trên toàn thế giới'.
Có dịp tiếp xúc với Lady Borton, hằn nhiều người sẽ nhận ra người phụ nữ Mỹ trung niên có nụ cười thân thiện, luôn mặc trên người chiếc áo vải thô Việt Nam, ở đâu đó trên khắp nẻo đường Việt Nam. Lady Borton là người nước ngoài đầu tiên sống ở nông thôn Việt Nam, cũng là người Mỹ hiếm hoi đã gắn bó với con người và đất nước Việt Nam suốt hơn 20 năm. Độc giả Việt Nam sẽ có dịp hiểu thêm tấm lòng của nhà văn nữ Lady Borton qua cuốn sách Hồ Chí Minh - Một chân dung vừa được NXB Thanh Niên ấn hành. Đây là cuốn sách thứ 3 bà viết về Việt Nam.
* Bà là người Mỹ duy nhất từng sống ở cả miền Bắc và miền Nam trong thời gian chiến tranh, khi đó bà đến Việt Nam với mục đích gì ?
- Lady Borton: Tôi đến Việt Nam lần đầu tiên năm 1969, khi đó tôi làm việc tổ chức Quaker AFSC tại Trung tâm Phục hồi chức năng cho các thường dân bị tàn tật ở Quảng Ngãi. Tổ chức này đã được nhận giải thưởng Nobel hòa bình năm 1947 về các việc làm 'của những người vô danh cho những người vô danh". Hiện tôi đang làm đại diện cho tổ chức này tại Việt Nam. Tôi biết tin Chủ tịch Hồ Chí Minh mất khi đang ở Quảng Ngãi. Tôi đã được gặp rất nhiều người từng tiếp xúc và gặp gỡ Chủ tịch Hồ Chí Minh. Họ kể cho tôi nghe những câu chuyện xúc động và những kỷ niệm đã nằm lòng của họ về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Qua câu chuyện của họ, tôi thật sự ngưỡng mộ Bác Hồ. Ông không chỉ là nhà lãnh đạo của riêng Việt Nam, ông còn là nhà lãnh đạo của những người bị nô lệ trên toàn thế giới.

Cuốn sách Hồ Chí Minh - Một chân dung của nhà văn Lady Borton

Trong quá trình tìm kiếm các nguồn tài liệu về Chủ tịch Hồ Chí Minh, được biết bà đã tìm được nhiều chi tiết thú vị liên quan đến cuộc đời hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh?
 - Lady Borton: Về vụ án Bác Hồ bị bắt và bị xét xử ở Hồng Kông, tôi đã đến rất nhiều trường đại học ở Hồng Kông để tìm tài liệu liên quan đến luật sư Frank Loseby đại diện cho Bác Hồ và luật sư Stafford Cripps đại diện cho Bộ Thuộc địa. Tôi đã tìm được một số tài liệu thú vị về mối quan hệ giữa hai ông luật sư này. Luật sư Loseby và Cripps rất thân với nhau khi còn rất trẻ, cùng làm với nhau khi bước chân vào nghề luật sư, và cùng góp tiền làm một tờ báo của Đảng xã hội. Sir Stafford Cripps là một luật sư tiến bộ, là đảng viên Đảng xã hội... Ông ủng hộ độc lập tự do của Ấn Độ. Sau này ông giữ chức Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Anh. 
Hoặc khi đọc cuốn Hồ Chí Minh toàn tập, tôi tìm ra lá thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh viết trước khi mất một tuần lễ gởi cho Tổng thống Nixon. Tôi hoài nghi có đúng bức thư cuối cùng này của Hồ Chủ tịch viết không. Tôi đến Bảo tàng Hồ Chí Minh, bên đó có bản thảo bức thư bằng tiếng Việt, có chữ ký của Người. Tôi hỏi bảo tàng có bản bằng tiếng Anh không, họ trả lời không có. Tôi liên lạc với một chị phụ trách thư viện của một trường đại học của Mỹ qua email, yêu cầu tìm bức thư. Hai ngày sau, tôi nhận được email trả lời có bức thư bằng tiếng Anh và gửi cho tôi bản photo. Đọc kỹ tôi thấy đây không phải là bức thư viết bằng ngôn ngữ mẹ đẻ, tôi phỏng đoán hẳn Bộ Ngoại giao Việt Nam gửi bức thư cho Tổng thống Nixon bằng tiếng Anh. Sau đó tôi liên lạc với Thư viện quốc gia Mỹ, ở đó có một khoa về Tổng thống Nixon, nhờ họ tìm giúp lá thư nguyên bản cuối cùng của Hồ Chủ tịch. Sau đó hai tuần, họ gửi cho tôi bản photo bức thư viết bằng tiếng Pháp và tiếng Việt, không có tiếng Anh. Bản tiếng Việt có chữ ký của Hồ Chủ tịch. Bản tiếng Pháp gửi bằng con đường ngoại giao. Tôi đã đưa toàn bộ tài liệu cho Bảo tàng Hồ Chí Minh. 
* Bà đã tìm được ông Charles Fenn như thế nào?
- Lady Borton: Hiện nay ông Charles Fenn sống ở Ireland. Tôi đã phỏng vấn ông Fenn mấy lần. Lần đầu tiên C.Fenn gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh vào tháng 3.1945 tại Côn Minh (Trung Quốc), khi đó ông đang làm việc cho Cơ quan Tình báo chiến lược OSS. Ông Fenn có ấn tượng đặc biệt đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh. Người đã chỉ đạo việc cứu sống một phi công Mỹ khi chiếc máy bay của anh ta bị bắn rơi ở Đông Dương. Viên phi công được người Việt Nam đưa về căn cứ Mỹ ở Côn Minh an toàn. Như lời giới thiệu trong cuốn sách, ông đưa Hồ Chí Minh lên hàng đầu danh sách những lãnh tụ của thế kỷ 20.
* Họa sĩ David Thomas nói rằng, mong muốn của ông khi làm cuốn sách này là để cho những học sinh của ông hiểu về lãnh tụ Hồ Chí Minh. Phải chăng người dân Mỹ hiểu rất ít về Chủ tịch Hồ Chí Minh?
- Lady Borton: Đúng vậy, người dân Mỹ không hiểu nhiều về Chủ tịch Hồ Chí Minh, chỉ có một cuốn sách nói về Người, dày 600 trang bằng tiếng Anh. Nhưng theo tôi, cuốn sách này nói chưa đầy đủ về Hồ Chí Minh, sai rất nhiều chi tiết. 
* Theo bà, người dân Mỹ sẽ đón nhận cuốn sách Hồ Chí Minh - Một chân dung như thế nào?
- Lady Borton: Tôi chưa biết độc giả Mỹ và phương Tây sẽ đón nhận như thế nào, nhưng tôi tin họ sẽ thấy cuốn sách hay và xúc động. Tôi và David Thomas hy vọng Hồ Chí Minh - Một chân dung sẽ đem đến cho nhân dân Mỹ một cái nhìn chân xác và đầy đủ về Hồ Chí Minh, vì cuốn sách được trình bày dễ hiểu và biên tập rất kỹ. Đặc biệt, những người Mỹ sẽ hiểu được những gì khiến người Việt Nam giành được thắng lợi. Đó là sức mạnh, lý tưởng và lòng quyết tâm của họ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.