Nữ phó tổng thống 'đặc biệt' của Pháp

29/05/2016 07:00 GMT+7

Báo chí Pháp gọi bà, Ségolène Royal là “Phó tổng thống Pháp” trong khi bà hiện là Bộ trưởng Sinh thái trong nội các của Thủ tướng Manuel Valls.

Bà từng làm việc dưới thời của các tổng thống Pháp từ Francois Mitterrand, Jacques Chirac cho đến Francois Hollande - người mà bà “thiết lập mối quan hệ đối tác” đã 38 năm qua, trên mọi phương diện từ tình cảm đến chính trị. Giờ đây, còn đúng một năm nữa là nước Pháp sẽ chọn ra vị tổng thống mới. Chưa biết ông Hollande có tái cử hay không nhưng trong mắt chính giới, bà là người đang ra sức giúp ông đảm bảo có được một di sản tốt đẹp.
“Tôi không thể chìm”
Nếu cần phải tìm ra được một người phụ nữ vẹn toàn thì Ségolène Royal là cái tên không thể bỏ qua. Cuộc chơi của bà luôn gắn với 2 chữ “cán cân” mà phần lớn thời gian nghiêng về các “đối thủ” trên mặt trận tình cảm trước khi bà vực dậy để bây giờ được xem là một trong những người thân cận nhất của Tổng thống Hollande.
Nữ phó tổng thống “đặc biệt” của Pháp 2
Trong khi chương trình nghị sự trong nước của ông Hollande bị phân tán đáng kể bởi người người chống đối ngay bên trong đảng Xã hội và những bất ổn trên đường phố Paris thì những nỗ lực trên trường quốc tế của bà Bộ trưởng Sinh thái Ségolène Royal lại trở thành cơ hội tốt nhất để ông ghi điểm trong năm cuối làm chủ Điện Élysée.
Bà đang ra sức củng cố vị trí đầu sóng ngọn gió của Pháp trên mặt trận biến đổi khí hậu. Một thỏa thuận toàn cầu đã được đề xuất tại Hội nghị thượng đỉnh Liên Hiệp Quốc (LHQ) vào tháng 12 năm ngoái nhằm kiểm soát nhiệt độ thế giới. Nhưng để hiện thực hóa thì phải có ít nhất 55% các nước trên thế giới thông qua. LHQ cho biết điều này khó mà xảy ra trước năm 2018.
Nhưng bà Royal tin rằng không cần phải đợi lâu đến thế. “Tôi vẫn phải đạt được những thứ mà người ta nghĩ rằng không thể thay đổi được. Tôi phải thúc đẩy đất nước này, với tư cách là người chủ trì các cuộc thương thảo về khí hậu, thúc đẩy thế giới này hướng đến một mô hình phát triển mới và ngăn chặn chuyện sa ngã”.
Mục tiêu của bà Royal xem ra không quá xa vời bởi bà tự nhận “tôi có đủ sự bền gan và tính ngoan cố để đạt được đích đến. Người ta nói rằng tôi là người không thể bị nhấn chìm. Điều này ít ra phải đúng chút ít chứ”.
Nữ phó tổng thống “đặc biệt” của Pháp 2
“Họ không thể bị tách rời”
Ông Hollande và bà Royal là một cặp đôi không dễ tìm ra phiên bản thứ 2 ở Pháp và cả ở nước khác. Họ gặp nhau lần đầu tiên năm 1978 tại Trường Ecole Nationale d’administration (ENA) dành cho giới nhà giàu. Và cũng năm đó bà Royal gia nhập đảng Xã hội Pháp.
Cùng là những người tôn thờ chủ nghĩa độc thân, họ tạo nên một gia đình với 4 người con trong lúc theo đuổi sự nghiệp chính trị. Cả hai cùng được tuyển vào làm việc ở Điện Élysée dưới thời Tổng thống Francois Mitterrand năm 1981. Khi ông Mitterrand bắt đầu nhiệm kỳ 2 năm 1988, Royal mạnh dạn đặt câu hỏi: “Liệu ông có thể làm điều gì đó cho tôi?” và thế là bà được chọn làm ứng viên đảng Xã hội trong cuộc bầu cử lập pháp, dấy lên tin đồn rằng bà là con gái bí mật của ông Mitterrand. Con đường chính trị của họ lại giao nhau năm đó khi cả hai được bầu vào quốc hội. Bà Royal năm ấy 35 tuổi.
Nhưng cuộc đời không phải lúc nào cũng bằng phẳng như thế. Royal từng phải trải qua một tuổi thơ dữ dội khi mẹ bỏ nhà ra đi với một chiếc xe đạp, còn bà bất chấp mọi lời đe dọa của cha vẫn đăng ký học đại học (và sau này giành được học bổng). “Cả tuổi thơ và thời niên thiếu, tôi luôn nghe câu nói của cha mình: Này mấy đứa con gái, hãy lấy chồng đi, đừng có mà học đại học. Tôi không muốn giống những người phụ nữ nhu nhược trong gia đình mình. Tôi từng thề rằng: Không bao giờ giống mẹ mình!”, bà Royal kể lại.
Có thể nói năm 2007 là một cú sốc quá lớn đối với người phụ nữ dày dạn này. Bà trở thành ứng viên của đảng Xã hội trong cuộc tổng tuyển năm 2007 nhưng phải nhường bước trước ông Nicolas Sarkorzy. Khủng khiếp hơn thế, chỉ vài tuần sau khi giấc mơ tổng thống bị tan rã, bà đành phải để ông Hollande ra đi khi trước đó nhiều người đã phát hiện mối quan hệ khác thường giữa ông và nhà báo Valérie Trierweiler nhỏ hơn ông 11 tuổi.
Đòn trả đũa ngọt ngào mà bà Royal dự tính rốt cuộc lại có kết cục buồn năm 2008. Bà muốn thay thế ông Hollande làm Tổng thư ký đảng Xã hội nhưng dường như thất bại vẫn còn đeo bám bà. Bà thua cuộc trước nữ đồng nghiệp Martine Aubry. Sự cay đắng dường như lên đến đỉnh điểm khi bà lại thua cuộc trước ông Hollande tại cuộc bầu cử trong nội bộ đảng Xã hội để chọn người ra tranh cử năm 2012. Chiếc ghế đệ nhất phu nhân Pháp thuộc về người nắm giữ được trái tim của chính trị gia luôn nói không với kết hôn.
Năm 2014 chứng kiến một số hoán đổi trong cuộc sống riêng của bộ ba này. Trierweiler ra đi, nhường chỗ cho nữ diễn viên Julie Gayet (nhỏ hơn ông Hollande 18 tuổi) còn bà Royal quay lại với vị thế hoàn toàn mới. Cha của 4 đứa con của bà được bổ nhiệm làm thành viên thứ 3 trong chính phủ của Thủ tướng Munuel Valls.
Sự trở lại của Royal đã khiến nhiều người ganh tị dù bà không phải là chủ nhân của trái tim tổng thống. Tháng 1.2015, ông Hollande gửi bà đến Jerusalem để đại diện cho nước Pháp tại lễ tang của bốn người Do Thái bị sát hại trong cuộc tấn công khủng bố. Điều này khiến Bộ trưởng Ngoại giao Laurent Fabius vô cùng phiền lòng bởi đó là công việc của ông. Rồi bà Royal được tháp tùng ông Hollande trong chuyến đi đến Philippines nhằm nâng cao nhận thức về tình trạng ấm lên của trái đất. Trong một chuyến công du khác đến Caribbean, bên cạnh ông Hollande cũng chính là bà Royal.
Theo báo L’Obs, bà Royal có đường dây điện thoại trực tiếp nối với văn phòng của ông Hollande. Họ thường xuyên ăn trưa ngày chủ nhật với 4 người con. Tại các cuộc họp nội các, bà luôn ngồi ngay bên phải của ông Hollande. Vậy nên báo Pháp mới tặng bà biệt danh “Phó tổng thống” và “Hillary của nước Pháp”.
Chẳng có gì khó hiểu về sự gần gũi này giữa họ bởi họ là 2 người cùng một thế hệ (bà Royal năm nay 62 tuổi, hơn ông Hollande một tuổi), bởi giữa họ là 4 người con và bởi họ đã vượt qua những thăng trầm của cuộc sống để bắt đầu lại bằng một cách khác. Quan trọng hơn cả, bởi “họ không thể bị tách rời nhau. Không phải là vì con cái. Họ cùng nhau chia sẻ một thái độ mạnh mẽ đối với chính trị. Quyền lực là lý do để họ sống… Chẳng còn chỗ cho một người phụ nữ khác trong câu chuyện này. Bây giờ họ lại cùng nhau, hỗ trợ lẫn nhau và khai thác truyền thông cũng như quyền lực mà cả hai đều khao khát”. Không ai khác ngoài cựu đệ nhất phu nhân Trierweiler.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.