Nữ phu vôi

12/03/2018 07:16 GMT+7

Bất kể nắng mưa, khói bụi, đối mặt các bệnh về hô hấp, thấp khớp, thậm chí ung thư... nhiều phụ nữ vẫn chọn nghề phu vôi vất vả làm kế sinh nhai.

Ở xã Hòa Điền (H.Kiên Lương, Kiên Giang), trong bụi đá mịt mù cùng sức nóng của những lò nung vôi, nhiều chị em mặt mũi, áo quần lem luốc vẫn hì hục lựa đá, xúc vôi, cào xới bên đống than.
“Ở bãi đá này, chỉ cần sơ ý một chút là mảnh đá sẽ ghim vào da chảy máu liền. Nhiều người gần cả đời còng lưng đập, vác đá… lúc xế chiều bị đau lưng, nhức mỏi, thậm chí ung thư phổi mà không tiền chữa trị”, chị Nguyễn Thị Kim Anh (30 tuổi, ngụ ấp Thạnh Lợi, xã Hòa Điền) cho biết.
Ảnh: Duy Tân
Nóng rát mặt, cháy găng tay
Làm việc ở lò vôi, quần áo ai cũng ướt sũng vì nóng, lại thêm khói, bụi bám đầy mặt mũi. Từ khâu phân loại vôi, đổ đá vào máng, lên miệng lò, đến nghiền bột, vô bao… việc nào cũng vất vả nhưng những nữ phu vôi chẳng hề ngại ngần.
Bà Nguyễn Thị Thêu (50 tuổi, ngụ ấp Thạnh Lợi, xã Hòa Điền), theo cha mẹ làm công trong các lò nung vôi từ năm... 11 tuổi, nay đã 40 năm trong nghề. Hồi đó, công việc chính của bà là kéo đá trên chiếc xe bằng cây nặng hơn 100 kg. Giờ có xe chở đá tiện lợi hơn và bà cũng lớn tuổi nên được phân công xúc vôi cho vô bao, thúng. “Nghề nặng nhọc này đúng ra của đàn ông, nhưng để có tiền sinh sống nên phụ nữ chúng tôi phải làm. Suốt ngày làm việc bất kể nắng mưa, đêm về ai cũng thường xuyên bị đau nhức khắp người”, bà Thêu nói.
Nghề này vất vả lắm, phải cào, cuốc, nhặt vôi từ lò vừa nung xong, nhiều khi sức nóng làm rát cả mặt, cháy cả găng tay. Vất vả nhất là đội vôi lên xe, vôi nóng tới nỗi cảm giác như bị đốt trên đầu
Chị Trần Thị Kim Hương (ấp Thạnh Lợi, xã Hòa Điền)
Khu vực làm việc bụi bay mù mịt, trong khi đó mọi người chỉ có một khẩu trang sơ sài. Chị Trần Thị Kim Hương (33 tuổi, ngụ ấp Thạnh Lợi, xã Hòa Điền), cho biết: “Nghề này vất vả lắm, phải cào, cuốc, nhặt vôi từ lò vừa nung xong, nhiều khi sức nóng làm rát cả mặt, cháy cả găng tay. Cực nhất là đội vôi lên xe, vôi nóng đến nỗi cảm giác như bị đốt trên đầu”.
Chị Hương theo nghề được 7 năm. Mỗi ngày, chị phải vác đá từ sáng sớm đến tối mịt, thu nhập khoảng 110.000 đồng/ngày, không đủ nuôi hai đứa con gái 9 tuổi và 11 tuổi ăn học. “Chồng tôi ở tù hơn một năm nay, gánh nặng cơm áo, gạo tiền nặng trĩu trên vai tôi”, chị Hương rưng rưng nước mắt. Do làm việc nặng nhọc quá sức từ năm này qua tháng nọ nên chị mắc bệnh về khớp, đau nhức chân tay... nhưng chị vẫn cố gắng bám trụ với nghề để kiếm tiền nuôi con.
Thương mẹ một mình tảo tần gánh vác mọi chuyện thay cha, hai đứa con của chị thay phiên nhau làm việc nhà, nấu cơm, những lúc không tiền mua đồ ăn thì ăn mì gói. Những ngày cuối tuần được nghỉ học, 2 em thường theo mẹ đến lò vôi để phụ bưng vác những viên đá vôi nhỏ, bóp tay, bóp chân khi cơn đau nhức hành hạ thân thể chị. “Tôi sợ 2 con dang dở việc học hành thì sau này lớn lên sẽ tiếp tục cuộc sống khổ cực giống như mẹ nó. Vì vậy, dù có mệt, có đau tôi vẫn cố gắng hết sức để đi làm mỗi ngày”, chị Hương trăn trở.
Lo mất việc vì làng vôi “thoi thóp”
Hình thành được hơn 80 năm, nghề làm vôi ở xã Hòa Điền đã cho ra nhiều sản phẩm khá phong phú như: vôi cục, vôi canxi carbonat, vôi dolomile dùng để xử lý trong việc nuôi trồng thủy sản, canh tác lúa, trồng cây ăn trái và được tiêu thụ chủ yếu ở các vùng như: Tứ giác Long Xuyên, U Minh Thượng, Cà Mau, Bạc Liêu, Bến Tre... Tuy vậy, gần đây, do việc thiếu nguyên liệu và tác động từ thị trường, nghề làm vôi ở Hòa Điền đang đứng trước nguy cơ bị xóa sổ. “Làm việc ở môi trường này tuy ảnh hướng đến sức khỏe và nguy hiểm nhưng nếu làng vôi bị xóa sổ, tôi không biết tìm đâu ra công việc để nuôi sống 2 đứa con của mình”, chị Hương chia sẻ.
Vì việc học của 2 đứa con, chị Hương cố gắng vượt qua những nhọc nhằn của nghề phu vôi để kiếm tiền
Là chủ công ty có hơn 70 công nhân chuyên sản xuất vôi sống và phân bón, ông Phạm Ngọc Khương, Phó giám đốc Công ty Khương Nam Việt, cho biết trước kia công ty có 5 lò nung vôi nhưng giờ chỉ còn 2 lò liên hoàn và hoạt động cầm chừng. Nguyên nhân là do giá nguyên liệu tăng cao. Trước đây, nguồn nguyên liệu được các cơ sở khai thác ở núi Trầu. Từ năm 1990 đến nay, núi đó được cấp cho một số công ty khác khai thác nên các chủ lò vôi ở Hòa Điền phải qua xã Bình An (H.Kiên Lương, Kiên Giang) hoặc ra các tỉnh phía bắc mua nguyên liệu, khiến chi phí tăng cao, cạnh tranh không nổi những nơi khác.
Cũng trong tâm trạng lo ngại làng nghề truyền thống tại địa phương sẽ biến mất, ông Trần Văn Thời, Phó chủ tịch UBND xã Hòa Điền, cho biết: “Những năm 2000 được xem là thời kỳ hoàng kim của nghề này. Lúc đó, Hòa Điền có trên 100 lò vôi hoạt động, giải quyết việc làm cho hơn 2.000 lao động địa phương. Hiện chỉ còn chưa tới 10 lò sản xuất, số còn lại bị bỏ phế, rong rêu phủ đầy, đập bỏ hoặc chuyển sang sản xuất phân bón”.
Công đoạn làm vôi
Những việc tại lò vôi đều được thực hiện hoàn toàn thủ công, khá nặng nhọc, nguy hiểm và ô nhiễm. Đầu tiên, những tảng đá lớn khai thác từ núi sẽ được công nhân dùng búa đập thành từng cục nhỏ, sau đó lựa ra, cho vào rổ rồi kéo lên độ cao hơn 10 m để đưa vào lò nấu. Sau khi nấu, những cục đá sẽ còn bằng ngón chân cái, công nhân phía dưới dùng xẻng cào đá ra khỏi lò. Vì đá có lẫn tạp chất nên phải dùng tay trần và búa để phân loại trước khi đem đi nghiền thành vôi.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.