Cuối năm 2017, tôi gặp Trần Thị Loan, sinh viên năm cuối của Trường ĐH Nông lâm Huế (nhà ở thôn 6 xã Triệu Lăng, H.Triệu Phong, Quảng Trị). Gia cảnh của Loan chỉ "lướt qua" đã làm người khác động lòng. Kể từ ngày cha mất (tháng 2.2017) vì xuất huyết não, mẹ phải mưu sinh xứ người, cô gái 21 tuổi đó đã "gánh" trên vai cuộc sống của bà nội già yếu và 4 đứa em thơ: Trần Thị Lương (14 tuổi), Trần Thị Thiện (12 tuổi), Trần Chí Thông (9 tuổi), Trần Trung Tài (7 tuổi).
Lo cho gia đình mình, ngoài việc học, Loan đã làm nhiều công việc khác nhau để kiếm tiền. Em không nề hà công việc nào, kể cả công việc đến đàn ông cũng e ngại vì nặng nhọc. Đó là đi bứt cỏ thuê, bẻ đầu cá, bốc vác xi măng, bốc vác gạch… Loan cứ nín lặng làm việc, chưa một lần kêu van, không một lần biết khóc! Loan bảo, em ít khi khóc không phải vì không buồn, không đau. Mà chỉ vì luôn cố kìm nén xúc cảm.
Và cũng như bao người, Loan giấu bên trong những ước mơ sâu thẳm.
Kỳ lạ thay, giữa bộn bề khó khăn, thành tích học tập của Loan vẫn đáng nể khi 2 năm đầu học lực giỏi, năm 3 xuất sắc, năm 4 được chọn làm khóa luận tốt nghiệp.
Câu chuyện của Loan được viết thành bài, với mong muốn sẽ làm được điều gì đó giúp đỡ cô gái đặc biệt này. Vừa vặn thay, khi đó Thanh Niên Online đang thực hiện định kỳ chương trình "Chạm vào ước mơ", đem "cần câu" đến những bạn trẻ có hoài bão, năng lực.
Tháng 12.2017, êkip của Thanh Niên Online từ nhiều nơi đã ra Quảng Trị (từ TP.HCM có nhà báo Thành Trung, Vũ Phượng, Lê Nam, từ Đà Nẵng có Huy Đạt…), "hội quân" cùng tôi. Kịch bản chương trình "Chạm vào ước mơ" số 9 được bí mật ghi hình với 2 bối cảnh chính: khu vực mộ phần người cha của Loan và khoảng sân trước nhà em. Loan và những thành viên gia đình đều không hề biết trước kịch bản trên.
Chính yếu tố bất ngờ nên êkip thực hiện chương trình ghi lại rất nhiều khoảnh khắc xúc động. Đó là lúc mẹ Loan (được êkip bí mật đưa từ nơi làm việc về) ôm lấy Loan khóc nức nở trước ngôi mộ người cha còn đơn sơ chưa có tiền để xây cất đàng hoàng. Đó là lúc cả gia đình 7 người của em được đoàn tụ trước sân nhà, trước sự chứng kiến của chính quyền đoàn thể, bà con chòm xóm. Hay là những nụ cười hạnh phúc khi Loan và gia đình liên tiếp đón những món quà mà êkip chuẩn bị sẵn…
Cùng lúc, Loan đã "chạm" vào được rất nhiều ước mơ của mình: có 25 triệu đồng để làm mộ khang trang cho cha, có chiếc xe máy cùng cơ hội làm việc chính thức tại Công ty Nông sản hữu cơ Quảng Trị ngay khi ra trường. Trong khi đó, các em của Loan cũng được tặng xe đạp, tặng gói học bổng 30 triệu đồng (cho em Trần Thị Thiện), được chính quyền xã Triệu Lăng miễn giảm học phí…
Loan hạnh phúc với món quà là chiếc xe máy mới tinh trong chương trình "Chạm vào ước mơ" lần thứ 9.
Hơn 3 giờ đồng hồ, qua bao cung bậc cảm xúc với thật nhiều nước mắt và nụ cười, chương trình "Chạm vào ước mơ" lần thứ 9 của Thanh Niên Online đã biến ước mơ của Loan thành sự thật. Chương trình được dư luận địa phương đánh giá cao, được trao giải B giải báo chí tỉnh Quảng Trị năm đó. Toàn bộ tiền giải thưởng báo chí cũng đã được các thành viên trong êkip thực hiện chương trình tặng lại cho Loan…
Loan "chạm vào ước mơ" đầu đời từ những nỗ lực của Thanh Niên Online, của êkip chương trình. Nhưng sau đó, em có những giấc mơ kế tiếp, to lớn hơn, mà chỉ có em tự tay chạm vào.
Tháng 11.2023, cô gái rắn rỏi năm xưa đã thay đổi vị trí công tác. Từ nhân viên thử việc, nay Loan đã là Trưởng phòng sản xuất của Công ty Nông sản hữu cơ Quảng Trị (QTO). Với chuyên môn của mình, Loan đã cùng những nông dân địa phương quăng quật trên ruộng đồng, tạo nên những hạt gạo hữu cơ chất lượng, giá trị cao… Loan cũng được tin tưởng giao nhiều trọng trách của công ty, từ làm việc trực tiếp với nông dân, đưa các sản phẩm của QTO đi giới thiệu tại các cuộc triển lãm, xúc tiến đầu tư cho đến việc thuyết trình tính ưu việt của sản phẩm này… "Em hài lòng với công việc hiện tại. Nó đúng sở trường đúng chuyên môn được học của em. Nó cũng giúp em gần với người nông dân. Nhất là công việc này gắn với kỷ niệm của Báo Thanh Niên, là đơn vị đã kết nối với QTO, đi… xin việc cho em", Loan thổ lộ.
Về đời tư, Loan cũng xây mái ấm cho riêng mình khi đã kết duyên cùng chàng trai ở cùng xã. Bạn đời của Loan là thanh niên được học hành tử tế, trở về quê hương để sản xuất nông nghiệp (nuôi tôm). Họ đã có với nhau cậu con trai kháu khỉnh.
Loan cũng vui mừng thông báo rằng, căn nhà cũ cũng đã được sửa sang đẹp hơn. Bà nội nay đã bước sang tuổi 93 và vẫn khỏe. Mẹ Loan, bà Nguyễn Thị Luyến, nay không còn đi giúp việc cho người khác nữa mà đang buôn bán gà vịt ở chợ xép trong thôn. Hai em gái Trần Thị Lương (21 tuổi) và Trần Thị Thiện (18 tuổi) lần lượt là sinh viên năm 3 và năm 1 của Trường ĐH Nông lâm Huế. Hai em trai nhỏ là Trần Chí Thông và Trần Trung Tài đang học lớp 10 và lớp 7.
"Gia đình em được như ngày hôm nay, phần nhiều cũng là do sự nỗ lực của mỗi thành viên trong gia đình. Vì không ai có thể giúp mình mãi suốt cuộc đời cả. Nhưng nếu năm xưa, khi gia đình đang gặp cảnh ngặt nghèo mà không được Báo Thanh Niên và các nhà hảo tâm hỗ trợ mạnh mẽ về vật chất lẫn tinh thần, thì chắc có lẽ sẽ mất rất lâu sau mọi thứ mới được ổn định, tốt đẹp như bây giờ", Loan nói.
Không thể vui hơn sau khi Thanh Niên khởi động câu chuyện "chạm vào ước mơ", các nhân vật tiếp tục tự viết ước mơ đời mình. Những ước mơ rất đẹp…
Bình luận (0)