Nữ sinh có nên mặc áo dài ?

05/09/2005 21:38 GMT+7

LTS: Một nữ sinh lớp 9 Trường Nguyễn Bỉnh Khiêm, Biên Hòa, Đồng Nai đã gửi cho chúng tôi bài viết này. Theo đó, bạn tỏ ra bức xúc khi bắt buộc phải mặc áo dài trắng triền miên khi đi học. Chúng tôi xem đây là một vấn đề đáng quan tâm và cần phải được đưa ra bàn bạc, tranh luận. Mọi ý kiến của bạn đọc xin gửi về địa chỉ giaoduc@thanhnien.com.vn.

"Tại sao nữ sinh đi học phải mặc áo dài?" - Đó là câu hỏi của hầu hết bạn gái đã hoặc chuẩn bị bước vào ngưỡng cửa phổ thông. Ở một trường PTTH có biết bao học sinh nữ với nhiều ngoại hình khác nhau: gầy, béo, cao, thấp..., chiếc áo dài đã trở thành chuyện đáng nói. Với những bạn có dáng thon thả thì rất thích hợp với áo dài, còn với những bạn béo thấp thì việc mặc áo dài quả là một cực hình. Các bạn phát biểu: "Tớ mập thế này, không biết mặc áo dài vào sẽ ra sao nữa? Chắc ghê lắm !" hay: "Tớ lùn, chắc chiếc áo dài của tớ sẽ bé tý và trông tức cười lắm...". Với những bạn như thế, mặc áo dài không những không đẹp mà còn bị bạn bè trêu chọc.

Có một chuyện mà tất cả bạn gái chúng ta đều quan tâm và khổ sở. Vào những "ngày ấy", khi đi học phải mặc trên người một chiếc áo dài trắng thì thật đáng lo sợ. Nếu không may nó có thể "điểm" thêm màu sắc cho bộ áo trắng tinh của chúng ta. "Lúc ấy sẽ cực kỳ ngượng và xấu hổ lắm", bạn B. nói. Không những thế, vào những ngày trời mưa, đường lầy lội sẽ làm bẩn hết áo dài và màu trắng sẽ dễ bị dây bẩn. Ngoài ra, mặc chiếc áo dài, nữ sinh khó có thể vận động, chạy nhảy thoải mái và trong những tháng nóng nực thì mặc áo dài càng làm nóng bức và dẫn đến mệt mỏi.


... nhưng quần xanh áo trắng
cũng rất dễ thương
(ảnh: Đào Ngọc Thạch)

Ở nước ngoài, nhất là các nước phát triển trên thế giới, trang phục đi học là tự do. Các học sinh, sinh viên chỉ cần mặc quần áo sạch sẽ, gọn gàng, lịch sự là được. Tuy thoải mái về cách ăn mặc nhưng nền giáo dục của họ rất tiên tiến, họ không quan tâm đến bề ngoài mà chỉ cần chất lượng học tập.

Từ xưa đến nay, áo dài là một nét truyền thống văn hóa của người Việt Nam. Người ta luôn mặc nó trong những dịp lễ hội, Tết... nhưng việc áo dài vào trường học chưa được xem xét kỹ. Những lý do dẫn đến sự bất cập này tôi đã nêu ở trên. Vì mặc áo dài vướng víu nên các bạn nữ sinh đã cột lại hoặc xăn lên để vận động, làm việc cho dễ dàng. Thế thì còn đâu chiếc áo dài truyền thống? Với lại, không phải gia đình nào cũng đủ tiền may cho con mình vài bộ áo dài để đi học, vì để sắm một chiếc áo dài phải cần ít nhất 150.000 đồng/bộ (tiền vải và công may).

Bạn L. phát biểu: "Tớ thấy bộ đồng phục áo trắng-quần xanh rất đẹp hay những bộ váy trông rất dễ thương và rất tiện lợi, thoải mái. Vậy tại sao lại cứ phải mặc áo dài cơ chứ?".

Quả đúng vậy, bạn cứ đến TP.HCM và vào Trường Lê Quý Đôn, các nữ sinh nhanh nhẹn trong những chiếc váy trông rất hồn nhiên. Hỏi ra các bạn ấy rất thích mặc những chiếc váy này vì nó gọn, nhẹ lại cực kỳ dễ thương. Giá một bộ váy rẻ hơn một bộ áo dài, nhiều nhất cũng chỉ 130.000 đồng/bộ. Nhất là khi đồng phục váy và áo do nhà trường đặt may, khỏi tốn công phụ huynh tất bật đi mua vải, tìm thợ để đặt may cho con mình một bộ áo dài vừa ý.

Tuy có một số bạn bảo rằng: "Mặc áo dài coi cũng đẹp và duyên dáng lắm", nhưng đa số nữ sinh đều thấy bất tiện. Bộ Giáo dục - Đào tạo cũng như các trường PTTH nên xem lại vấn đề này. Thay vì mặc đồng phục áo dài theo truyền thống, các trường nên nâng cao việc giáo dục và gia tăng luyện tập, thực hành thì hơn. Như thế các học sinh mới cảm thấy thoải mái, dễ tiếp thu bài vì vừa dễ chịu với cách ăn mặc vừa dễ hiểu với phương pháp "học đi đôi với hành"...

Trần Ngọc Trâm (Học sinh lớp 9, Trường Nguyễn Bỉnh Khiêm,
Biên Hòa, Đồng Nai)

Áo dài tuy bất tiện, nhưng...

Bạn Phạm Vũ Vân Anh - cựu học sinh Trường chuyên Lê Hồng Phong, TP.HCM: Đúng là thời cấp 3, đôi khi đám con gái chúng tôi cũng cảm thấy chiếc áo dài gây vướng víu, bất tiện trong sinh hoạt. Tuy nhiên, đến khi ra trường, nhớ lại cái thời hồn nhiên ấy, điều chúng tôi cảm thấy bâng khuâng và nhiều cảm xúc nhất lại là... chiếc áo dài. Tuy đã ra trường 4-5 năm nhưng tôi và đứa bạn thân luôn giữ gìn chiếc áo dài trắng hồi trước và thỉnh thoảng lấy ra xem, nhớ lại những kỷ niệm dễ thương của tuổi học trò...

Bạn Giang Ngọc Mai - học sinh lớp 11A6 Trường PTTH Trần Hữu Trang, Q.5, TP.HCM: Mặc áo dài trắng đi học nhiều khi không thuận tiện. Chẳng hạn vào những lúc trời mưa, áo trắng dễ bị lấm bùn, khi thấm nước lại trở nên rất mỏng manh trông không kín đáo; đặc biệt vào những "ngày ấy" cũng dễ bị dây ra vải trắng. Tuy vậy, em vẫn thích mặc áo dài trắng đi học, vì thể hiện được nét dịu dàng của con gái...

Cô Lê Thùy Trang - giảng viên Văn hóa học, Trường ĐH Khoa học xã hội - Nhân văn TP.HCM: Tôi thấy mặc đồng phục áo dài là phù hợp nhất, vì đúng với phong tục Việt Nam, còn đồng phục đầm và váy cũng đẹp nhưng du nhập từ văn hóa nước ngoài. Bản thân chiếc áo dài Việt Nam, khi được người phụ nữ mặc vào đã tự làm cho người nhìn cảm nhận được nét nữ tính, dịu dàng của người phụ nữ. Ở lứa tuổi học sinh cấp 3, các em vẫn còn hồn nhiên, hiếu động. Cách may áo dài là một trong những điều ảnh hưởng đến cách mặc. Trong quy định cho phép, các em nữ sinh nên chọn cho mình kiểu may thích hợp, chẳng hạn như không nên may áo bó quá, cổ áo quá ôm và quá cao... Các trường học và học sinh cũng nên chọn chất liệu vải thích hợp, không nên chọn loại vải mỏng, cũng không nên xẻ hông áo cao quá. Tôi được biết, một số người Nhật khi thấy chiếc áo dài học sinh Việt Nam đã phải thốt lên rằng "sexy quá!". Các nữ sinh tuy còn hiếu động, nhưng cũng thể hiện sự nữ tính trong chiếc áo dài. Mong rằng các em cố gắng ý tứ để tạo được cái nhìn đẹp trong mắt du khách. Bên cạnh đó, các trường có thể chỉ bắt buộc các em mặc áo dài vào một số ngày trong tuần, chẳng hạn như mặc vào đầu tuần và cuối tuần, hoặc mặc 3 ngày/tuần...

Như Lịch - Thiên Di - Mỹ Quyên (ghi)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.