Nữ sinh quyết tâm lấy bằng thạc sĩ giáo dục ở Mỹ để làm điều này...

Thanh Nam
Thanh Nam
13/10/2024 09:00 GMT+7

Có 2 tấm bằng cử nhân quốc tế nhưng Lê Kiều Anh (24 tuổi, ở TP.Hà Nội vẫn quyết tâm một lần nữa sang Mỹ du học bậc thạc sĩ giáo dục để thực hiện lý tưởng của mình.

Quyết tâm lấy bằng thạc sĩ ở Mỹ

Kiều Anh đang theo học chương trình thạc sĩ giáo dục (Thiết kế trải nghiệm học tập và truyền thông giáo dục trên các nền tảng công nghệ) tại ĐH Columbia, Mỹ. Năm 2020, Kiều Anh tốt nghiệp ngành kinh doanh và xã hội học tại ĐH Drew, Mỹ. Sau đó, cô gái này tiếp tục theo học Trường ĐH RMIT Việt Nam, với chuyên ngành digital marketing và tốt nghiệp vào năm 2023.

Nữ sinh quyết tâm lấy bằng thạc sĩ giáo dục ở Mỹ để làm điều này...- Ảnh 1.

Kiều Anh từng tốt nghiệp ngành digital marketing của Trường ĐH RMIT Việt Nam

ẢNH: NVCC

Kiều Anh có IELTS 8.5. Đầu năm 2024, Kiều Anh trúng tuyển chương trình thạc sĩ giáo dục tại 3 đại học ở Mỹ là University of Pennsylvania (Ivy League), ĐH New York và ĐH Columbia (Ivy League).

Niềm đam mê sâu sắc với lĩnh vực giáo dục luôn thôi thúc Kiều Anh tìm kiếm giải pháp nhằm nâng cao trải nghiệm học tập, đặc biệt là trong các khóa học trực tuyến. Kiều Anh mong muốn tạo ra các nền tảng học tập trực tuyến, ở đó học sinh không chỉ tiếp nhận kiến thức, mà còn thực sự có trải nghiệm thú vị và hứng thú với nội dung.

“Một trong những kiến thức mình tâm đắc nhất khi học tại ĐH Columbia đó là tư duy thiết kế trải nghiệm, lấy người học làm trọng tâm và nguyên lý khoa học đằng sau việc não bộ tiếp thu, tương tác với kiến thức. Trong tương lai, mình sẽ nghiên cứu sâu hơn về cách xây dựng việc học trực tuyến liên quan tới các chủ đề tiếng Anh, du học, định hướng nghề nghiệp…”, Kiều Anh chia sẻ.

Kiều Anh đang cùng các giảng viên tại ĐH Columbia cân nhắc lựa chọn một số chủ đề cho dự án tốt nghiệp như dịch vụ trực tuyến hỗ trợ tư vấn, tìm kiếm học bổng du học và định hướng nghề nghiệp dành cho học sinh Việt Nam. Hay nền tảng trực tuyến kết nối cộng đồng du học sinh ở Bắc Mỹ với học sinh bậc THPT tại Việt Nam để mở ra các cơ hội học tập, việc làm trong nước và quốc tế.

Kiều Anh mong muốn sau khi hoàn thành chương trình đào tạo tại ĐH Columbia sẽ trở về Việt Nam để đóng góp cho nền giáo dục bằng việc mang những kiến thức và phương pháp tiên tiến. Với hy vọng mang lại nhiều sản phẩm giáo dục chất lượng và thúc đẩy hình thức học tập trực tuyến phát triển hơn tại Việt Nam.

Truyền động lực học tiếng Anh cho người trẻ

Kiều Anh may mắn được theo học các thầy cô giáo có tâm với nghề. Đó là nguồn cảm hứng để Kiều Anh theo đuổi giáo dục và xác định đây là sự nghiệp lâu dài. Cô gái này từng là người cầm trịch chương trình IELTS Face - off phát sóng trên VTV7 mùa 11.

Khi du học, Kiều Anh xác định rất rõ mục tiêu sau này sẽ trở thành người làm giáo dục có tâm và truyền cảm hứng, động lực tới người trẻ, góp phần cải thiện cách học truyền thống. Khi giảng dạy trong các khóa học trực tuyến, Kiều Anh thường hướng dẫn và giải thích cho học sinh hiểu được ngọn ngành vấn đề. Biến việc học, sử dụng tiếng Anh thành sở thích, thói quen và công cụ giao tiếp hàng ngày.

Nữ sinh quyết tâm lấy bằng thạc sĩ giáo dục ở Mỹ để làm điều này...- Ảnh 2.

Kiều Anh đang theo học chương trình thạc sĩ giáo dục tại ĐH Columbia, Mỹ

ẢNH: NVCC

“Việc học tiếng Anh nói chung và IELTS nói riêng không nên chỉ phục vụ cho mục tiêu đạt số điểm cao, mà còn chú trọng giảng dạy tư duy khi áp dụng thực tế”, Kiều Anh nói.

Theo Kiều Anh, tiếng Anh là ngôn ngữ được nhiều quốc gia sử dụng. Nếu tìm hiểu sâu lịch sử, nguồn gốc, cũng như lý do tiếng Anh trở thành ngôn ngữ quốc tế thì sẽ hiểu được có sự khác biệt trong cách sử dụng ở nhiều nước. Ví dụ tiếng Anh khi được sử dụng ở Anh sẽ khác với Mỹ, Singapore…

“Vì vậy, không có một cách nói, phương ngữ tiếng Anh nào được coi là tiêu chuẩn. Miễn chúng ta đạt được mục đích của cuộc hội thoại là đã thành công trong việc sử dụng ngôn ngữ. Việc chấp nhận phương ngữ khi giao tiếp chính là thể hiện sự tôn trọng bản sắc văn hóa của đất nước đó”, Kiều Anh chia sẻ quan điểm về việc phát âm tiếng Anh.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.