Món cơm ở Sài Gòn thoạt nhìn đơn giản nhưng cũng chia làm 2 trường phái hẳn hoi là "cơm dĩa" và "cơm phần". Nếu ăn chung từ 2 người trở lên thì gọi cơm phần, là cơm dọn ra trong tô, đồ ăn dọn ra theo từng dĩa riêng cùng một tô canh to rồi cứ thế mà ăn. Ăn kiểu này chắc chắn phải dùng đũa đúng theo cách ăn của người Nam. Cơm dĩa thì có vẻ "sang" hơn một chút, là cách ăn riêng theo kiểu Âu, lại dùng muỗng nĩa chưa không dùng đĩa. Vài chỗ phục vụ những món nướng thì còn cẩn thận kèm theo dao. Trong một tác phẩm xuất bản vào năm 1945, nhà văn Sơn Nam đã thuật lại việc ra đời của cơm dĩa như sau: "Món ăn tự chọn phổ biến nhất là cơm dĩa, dùng muỗng nĩa, ăn với thịt sườn heo nướng, hoặc vài con tép, trứng chiên, thịt heo quay, trứng vịt kho. Cơm lúc ban đầu là sáng kiến của người Hải Nam, làm đầu bếp cho người Âu, áp dụng cho giới bình dân. Chợ Bến Thành từ xưa nổi danh nơi bán cơm ngon, sạch và rẻ nhất, hoặc ăn bì bún, nem nướng, bánh xèo thay cơm"...