Nước biển có thể 'nuốt trọn' các căn cứ Mỹ

30/07/2016 10:32 GMT+7

Các căn cứ quân sự Mỹ dọc theo bờ Đại Tây Dương đang đối mặt với nguy cơ bị ngập do thủy triều dâng và bão tố dữ dội trong bối cảnh khí hậu ấm lên toàn cầu.

Chỉ trong thập niên vừa qua, nhiệt kế thế giới đã vài lần đo được mức nhiệt độ trung bình cao nhất trong lịch sử khí tượng. Tình trạng thay đổi khí hậu đang nhanh chóng trở thành một hiện thực đầy bất hạnh cho nhiều người.
13,1 triệu dân Mỹ bị ảnh hưởng
Tính riêng tại Mỹ, khoảng 13,1 triệu người sống ở vùng đất thấp có thể buộc phải tái định cư do thủy triều lên, theo dự đoán về mực nước biển dâng. Tổ chức Liên chính phủ về thay đổi khí hậu của LHQ dự đoán mực nước biển phải dâng cao từ 30 - 90 cm vào cuối thế kỷ 21, tạo ra ảnh hưởng xác thực đối với hoạt động công nghiệp và đời sống dân cư, theo tờ USA Today.
Một báo cáo mới vừa được nhóm Liên minh Các nhà khoa học quan ngại công bố vào giữa tuần vừa bổ sung một nhóm nạn nhân mới vào danh sách bị ảnh hưởng. Đó là quân đội Mỹ, với dự đoán ít nhất 18 căn cứ của Lầu Năm Góc đang bị đe dọa bởi thủy triều dâng.
“Đến năm 2050, hầu hết các căn cứ này sẽ chứng kiến tình trạng ngập lụt tăng gấp hơn 10 lần so với hiện nay”, theo Reuters dẫn đồng tác giả báo cáo trên Kristy Dahl. Sau đó 20 năm, chỉ còn vài căn cứ thoát được cảnh tượng ngập nước xảy ra 1 - 2 lần mỗi ngày. Đáng ngạc nhiên hơn, kết luận này không phải được rút ra từ những tình huống tệ hại nhất.
Sẽ có thể mất đến 95% diện tích đất
Việc phân tích được dựa trên hai mô hình dự đoán khác nhau về mực nước biển tăng, và mức độ ảnh hưởng đối với các căn cứ quân sự Mỹ trải dài từ Florida đến Maine. Dự đoán đầu tiên dựa trên viễn cảnh tăng “ôn hòa”, có nghĩa là số lượng băng tầng ở các cực có thể khiến nước biển dâng thêm 1,13 m trên toàn cầu vào cuối thế kỷ này, so với mức vào năm 2012.
Viễn cảnh thứ hai nghiêm trọng hơn, cho rằng mực nước biển vào năm 2100 có thể tăng đến 1,9 m so với năm 2012. Các nhà khoa học cho hay mực nước biển trên toàn cầu đã dâng lên khoảng 20 cm kể từ năm 1880 và bờ Đông lẫn vịnh Mexico đang chứng kiến tốc độ tăng nhanh nhất, một phần do đất ở những nơi này cũng đang sụt xuống.
Căn cứ quân sự đang đối mặt với nguy cơ đe dọa cao nhất là căn cứ không - thủy Key West ở Florida, căn cứ hỗn hợp Langley-Eustis và NAS Oceana Dam Neck ở Virginia và sở chỉ huy tuyển quân của lính thủy đánh bộ (MCRD) trên đảo Parris ở South Carolina, theo báo cáo.
“Những căn cứ này dự kiến sẽ mất từ 75 - 95% diện tích đất đai, bao gồm khu vực đang sử dụng và đã phát triển, vào cuối thế kỷ này theo viễn cảnh nghiêm trọng nhất. Nhiều căn cứ cần phải đối mặt với số lượng bão tố tăng mạnh và sức phá hủy nặng nề hơn trước. Hiện một số căn cứ đang tất bật công tác sống chung với nước biển dâng, chẳng hạn như căn cứ không quân Langley tại Virginia đã lắp đặt hệ thống bơm nước lũ và xây đê bao quanh.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.